Tập trung chống hạn

Thứ hai - 23/03/2020 13:23
Tình trạng nắng hạn gay gắt, lượng nước tích trữ không còn nhiều, vì vậy, tỉnh Khánh Hòa đã triển khai nhiều giải pháp cấp bách nhằm hạn chế đến mức thấp nhất ảnh hưởng của hạn hán đến đời sống, sản xuất của người dân.   Báo Khánh Hòa điện tử, Cơ quan của Đảng Bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Khánh Hòa
Tập trung chống hạn

Tình trạng nắng hạn gay gắt, lượng nước tích trữ không còn nhiều, vì vậy, tỉnh Khánh Hòa đã triển khai nhiều giải pháp cấp bách nhằm hạn chế đến mức thấp nhất ảnh hưởng của hạn hán đến đời sống, sản xuất của người dân.


Bắt đầu thiếu nước


Thống kê vào sáng 23-3 cho thấy, 19 hồ chứa nước lớn trên toàn tỉnh chỉ còn 101 triệu m3 nước. Con số này rất thấp, chỉ đạt khoảng 41% so với dung tích toàn bộ. Thời điểm này năm trước, 19 hồ chứa nước kể trên vẫn còn khoảng 200 triệu m3 nước, tuy nhiên, do nắng hạn kéo dài nên năm 2019, toàn tỉnh vẫn xảy ra tình trạng thiếu nước cục bộ, hàng trăm héc-ta lúa, mía của người dân ở thị xã Ninh Hòa, huyện Vạn Ninh chịu thiệt hại nặng, khô cháy do không đủ nước tưới.

 

Suối Mã (xã Sơn Lâm) đã cạn dòng,  gây khó khăn cho người dân về nước tưới. Ảnh: H.L

Suối Mã (xã Sơn Lâm) đã cạn dòng, gây khó khăn cho người dân về nước tưới.


Hiện nay, qua tính toán của cơ quan chức năng, các hồ chứa nước: Hoa Sơn, Đá Bàn, Suối Dầu, Cam Ranh, Tà Rục với nhiệm vụ cấp 62.500m3/ngày đêm phục vụ mục đích sinh hoạt của người dân vẫn cơ bản đảm bảo. Nguồn nước từ các sông, suối, từ sông Cái Nha Trang, sông Cái Ninh Hòa cũng đáp ứng đủ nước sinh hoạt. Ở một số địa phương khác, nguồn nước sông, suối cấp cho sinh hoạt tại xã Ba Cụm Nam, xã Sơn Lâm (huyện Khánh Sơn), xã Khánh Hiệp (huyện Khánh Vĩnh) đang có dấu hiệu giảm; tại hệ thống cấp nước Diên Đồng (huyện Diên Khánh), mực nước sông Chò xuống rất thấp.

 

Đối với cấp nước sản xuất, vụ đông xuân, toàn tỉnh có 154ha lúa chịu thiệt hại do nắng hạn, không cấp được nước. Nhiều khu vực trồng cây ăn quả ở Khánh Hiệp (Khánh Vĩnh), Sơn Bình, Sơn Lâm (Khánh Sơn)…, người dân đang phải đầu tư nhiều tiền của, công sức để khắc phục, hạn chế thiệt hại do khô hạn gây ra.


Theo lãnh đạo Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi Khánh Hòa, các công trình thủy lợi do công ty quản lý đảm nhận tưới khoảng 15.200ha lúa hè thu. Tuy nhiên, qua tính toán, chỉ có chưa đầy 5.000ha có thể sản xuất, hơn 10.000ha còn lại sẽ phải dừng sản xuất. Trong đó, nhiều hồ chứa nước lớn không còn đủ nước để đáp ứng toàn bộ các mục đích sử dụng.


Tại Ninh Hòa, hồ Đá Bàn vào ngày 23-3 chỉ còn 23,32 triệu m3 nước (chiếm 31% dung tích), chỉ đủ để cấp nước sinh hoạt cho nhân dân trong vùng hưởng lợi và điều tiết, điều hòa môi trường sông Dinh cho đến tháng 9. Trong bối cảnh đó, hơn 4.100ha lúa hè thu hưởng lợi từ hồ này sẽ phải ngưng sản xuất. Đó cũng là tình trạng chung tại hồ Suối Trầu (xã Ninh Xuân, Ninh Hòa). Hồ này chỉ còn chưa đầy 2 triệu m3 nước, chỉ đủ cấp nước sinh hoạt cho người dân đến hết tháng 9. Toàn bộ diện tích hơn 470ha lúa hè thu hưởng lợi từ hồ này sẽ phải ngưng sản xuất.

 

 

Ở khu vực phía nam tỉnh, hầu hết diện tích sản xuất lúa ở Diên Khánh, Cam Lâm đều đứng trước khả năng cao là phải ngừng sản xuất. Hồ Suối Dầu với sức chứa 32,78 triệu m3 nước hiện nay chỉ còn chưa đầy 8 triệu m3. Lượng nước ít ỏi này chỉ đủ cấp cho Khu Công nghiệp Suối Dầu, Công ty Cổ phần Đầu tư xây dựng cấp thoát nước Suối Dầu và 1 doanh nghiệp sản xuất nước đá đến hết tháng 6. Điều này có nghĩa là hơn 1.560ha lúa hè thu hưởng lợi từ hồ Suối Dầu sẽ không được cấp nước. Hồ Cam Ranh đang ưu tiên cho nước sinh hoạt, không thể cấp nước cho gần 800ha lúa hè thu hưởng lợi từ hạ du hồ này.


Đối với phần diện tích sản xuất hưởng nguồn nước từ những công trình thủy lợi do các địa phương quản lý, hầu hết đều là sông, suối và hồ chứa nước nhỏ. Với tình hình hiện nay, các tháng tới sẽ không đủ để cấp nước sản xuất (khoảng 3.000ha). Như vậy, tổng cộng sẽ có hơn 13.000ha lúa hè thu năm nay phải tạm ngưng sản xuất để tập trung nguồn nước cấp cho sinh hoạt, công nghiệp.

Ưu tiên nước sinh hoạt

Theo dự báo của cơ quan chuyên môn, từ nay đến hết tháng 8-2020, nhiệt độ không khí trung bình ở mức cao hơn trung bình nhiều năm cùng thời kỳ từ 0,5 đến 1°C, nhiều đợt nắng nóng kéo dài, xuất hiện phổ biến trong tháng 6 đến tháng 8. Tổng lượng mưa các nơi ở mức thấp hơn trung bình nhiều năm cùng thời kỳ với mức thiếu hụt từ 10 đến 40%. Lượng dòng chảy trên các sông, suối thiếu hụt từ 40 đến 60% so với trung bình nhiều năm cùng kỳ.

Với lượng nước hiện có, trong trường hợp các đợt mưa lớn không xuất hiện, những khu vực được dự báo sẽ chịu ảnh hưởng nặng nề của hạn hán trong thời gian tới bao gồm hầu hết các xã của huyện Khánh Sơn; xã Khánh Hiệp (Khánh Vĩnh); một số khu vực các xã đảo ở Vạn Ninh; xã Cam Tân (Cam Lâm); xã Diên Thọ (Diên Khánh)…


Tại cuộc họp giữa Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn với các đơn vị, địa phương để bàn về công tác chống hạn mới đây, các địa phương đều đồng tình với việc triển khai phương án chống hạn ngay từ bây giờ. “Phải triển khai quyết liệt các giải pháp ngay khi hạn hán chưa xảy ra. Đào ao, khoan giếng, tính toán nguồn nước… phải thực hiện từ bây giờ. Có như vậy mới hạn chế được thiệt hại do hạn hán gây ra”, lãnh đạo Chi cục Thủy lợi nhấn mạnh.


Cũng tại cuộc họp, các địa phương đề nghị cơ quan chức năng sớm đưa ra thông báo chính thức về việc tiếp tục hay dừng cấp nước phục vụ sản xuất nông nghiệp, giúp địa phương và người dân chủ động hơn trong việc triển khai kế hoạch mùa vụ. Ngoài ra, hiện nay, các địa phương vẫn sử dụng bản đồ hành chính để triển khai công tác phòng, chống hạn, hiệu quả không cao nên cần thiết phải xây dựng bản đồ chuyên dùng. Việc thực hiện giải pháp chống hạn tại các địa phương trong thời gian tới cần phải có nguồn kinh phí lớn để thực hiện đào ao, khoan giếng, chở nước... Tuy nhiên, ngân sách các địa phương còn hạn chế, vì vậy cần sự hỗ trợ từ cấp tỉnh, Trung ương. Ngoài ra, các địa phương đề nghị tỉnh có công bố thiên tai khi hạn hán xảy ra để làm cơ sở thực hiện hỗ trợ cho người dân theo quy định.


Hồng Đăng


 

Tiêu điểm
Tin mới
Nhà đất
Xã hội
Tổng hợp