Tuy dịch Covid-19 còn diễn biến phức tạp nhưng UBND tỉnh Khánh Hòa vẫn dự kiến tăng vốn trong kế hoạch đầu tư công năm 2022 nhằm tạo đòn bẩy cho phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.
Tổng vốn dự kiến hơn 3.569 tỷ đồng
Theo kế hoạch, tổng vốn đầu tư công năm 2022 của tỉnh dự kiến hơn 3.569 tỷ đồng. Trong đó, nguồn vốn cân đối ngân sách địa phương hơn 2.625 tỷ đồng; vốn từ nguồn bội chi khoảng 272,6 tỷ đồng; vốn Trung ương hỗ trợ gần 543,7 tỷ đồng và hơn 127,6 tỷ đồng từ vốn ODA, vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài. So với tổng vốn thực tế của năm 2021 (gần 2.528 tỷ đồng) thì nguồn vốn dự kiến của năm 2022 tăng hơn 1.000 tỷ đồng, được phân bổ theo thứ tự: Trả nợ vốn vay đến hạn; vốn đối ứng cho dự án sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi nước ngoài và các dự án sử dụng vốn ngân sách Trung ương hỗ trợ; vốn cho các dự án hoàn thành trong năm 2022, các dự án chuyển tiếp; các dự án khởi công mới năm 2022 thuộc lĩnh vực giáo dục, đào tạo và dạy nghề.
Ông Trần Hòa Nam - Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư cho biết: “Nguồn vốn đầu tư công năm 2022 như dự kiến sẽ bố trí kế hoạch vốn ngân sách cấp tỉnh quản lý cho 83 dự án với tổng kế hoạch vốn gần 2.230 tỷ đồng. Trong đó, có 75 dự án chuyển tiếp hoàn thành trong năm 2022 và sau năm 2022; 8 dự án khởi công mới thuộc lĩnh vực giáo dục, đào tạo và dạy nghề. Bình quân kế hoạch vốn bố trí cho 1 dự án là 26,9 tỷ đồng. Tỷ trọng vốn đầu tư của các ngành, lĩnh vực thuộc khối xã hội, quốc phòng, an ninh chiếm 50,5%; tỷ trọng của các ngành, lĩnh vực thuộc khối hạ tầng kinh tế chiếm 49,5%. Nguồn vốn dự kiến sẽ đáp ứng được nhu cầu đầu tư các công trình thuộc nhiệm vụ chi của cấp tỉnh, tạo động lực lan tỏa thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Tất cả các dự án muốn nhận được vốn phải hoàn thành thủ tục đầu tư, được cấp có thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư, quyết định dự án đầu tư”.
Tập trung thực hiện nhiều giải pháp
Để thực hiện kế hoạch vốn đầu tư công năm 2022, UBND tỉnh sẽ triển khai thực hiện các giải pháp đồng bộ. Trong đó, tiếp tục tăng cường quản lý đầu tư từ nguồn vốn ngân sách nhà nước; quản lý đầu tư và xử lý nợ đọng xây dựng cơ bản theo quy định của Chính phủ; không bố trí danh mục dự án trong kế hoạch đầu tư công năm 2022 nếu chưa được quyết định chủ trương đầu tư và quyết định đầu tư theo quy định.
UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ban Dân tộc tỉnh, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội là cơ quan thường trực các chương trình mục tiêu quốc gia của tỉnh chủ trì, phối hợp với UBND các địa phương xây dựng, hoàn chỉnh kế hoạch đầu tư giai đoạn 2021-2025, tham mưu UBND tỉnh trình HĐND tỉnh phê duyệt để đủ điều kiện bố trí kế hoạch vốn theo quy định sau khi Trung ương phê duyệt chủ trương đầu tư, quyết định đầu tư. UBND tỉnh yêu cầu UBND cấp huyện (kể cả cấp xã) thực hiện theo nguyên tắc, thứ tự ưu tiên đầu tư và dự kiến phân bổ nguồn vốn cho các ngành, lĩnh vực, chương trình tương ứng với số vốn phân cấp được phân bổ và số vốn ngân sách tỉnh hỗ trợ đúng như kế hoạch đã xây dựng.
Ngoài ra, UBND tỉnh còn giao trách nhiệm cụ thể cho từng sở, ngành và địa phương theo chức năng, nhiệm vụ để thực hiện các phần việc nhằm giải ngân vốn một cách hiệu quả nhất. Sở Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp, kiểm tra và báo cáo tình hình thực hiện kế hoạch; tham mưu UBND tỉnh xử lý kịp thời vướng mắc phát sinh.
Ông Nguyễn Tấn Tuân - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh: Nhằm thực hiện tốt nhất kế hoạch vốn đầu tư công năm 2022, UBND tỉnh yêu cầu các chủ đầu tư có trách nhiệm hoàn chỉnh hồ sơ, tăng cường phối hợp với các đơn vị liên quan giải quyết vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng, thủ tục đầu tư để triển khai thi công đúng tiến độ. Tỉnh sẽ kiên quyết xử lý nghiêm các nhà thầu vi phạm tiến độ xây dựng, chất lượng công trình, các điều khoản hợp đồng đã ký kết. Trong thời hạn 4 ngày, kể từ ngày có khối lượng được nghiệm thu phải thực hiện thủ tục thanh toán vốn đầu tư cho dự án. UBND tỉnh giao nhiệm vụ cho các thành viên Tổ tư vấn giải ngân vốn đầu tư công có trách nhiệm theo dõi, chỉ đạo, xử lý những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện nhằm đẩy nhanh tiến độ thực hiện giải ngân vốn đầu tư công các dự án trên địa bàn tỉnh. Cùng với đó, tỉnh sẽ thực hiện công tác giám sát, đánh giá đầu tư định kỳ ở các cấp tỉnh, huyện, xã; kiểm tra việc báo cáo giám sát đánh giá đầu tư của các chủ đầu tư (cả chủ đầu tư nguồn vốn ngoài ngân sách), UBND cấp huyện để đánh giá hiệu quả đầu tư 6 tháng và cả năm. |
ĐÌNH LÂM