Do ảnh hưởng dịch Covid-19, Bảo hiểm xã hội (BHXH) tỉnh Khánh Hòa đang gặp nhiều khó khăn vì số lao động tham gia BHXH giảm đáng kể. Để khắc phục khó khăn này, hiện nay, BHXH tỉnh đang triển khai nhiều giải pháp công nghệ để tăng tiện ích cho người dân, mở rộng đối tượng tham gia.
Cần mở rộng đối tượng tham gia
Theo BHXH tỉnh, năm 2020 là năm đầu tiên UBND tỉnh đưa chỉ tiêu BHXH vào chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Tỷ lệ lao động tham gia BHXH cần phát triển đạt tỷ lệ 31,32%/tổng lực lượng lao động. Trong đó, chỉ tiêu phát triển lao động tham gia BHXH bắt buộc là 185.128 người, đạt 29,35%; 13.042 lao động tham gia BHXH tự nguyện, đạt 2,07%; lao động tham gia bảo hiểm thất nghiệp 165.878 người, đạt 26,30%/tổng số lao động.
Tuy nhiên, dịch Covid-19 đã làm giảm hơn 43.000 lao động đang tham gia BHXH, gần 10.000 lao động tạm dừng đóng quỹ hưu trí, tử tuất, 15.000 người đã nhận trợ cấp bảo hiểm thất nghiệp. 6 tháng đầu năm 2020, đã có khoảng gần 500 người phải ngừng đóng BHXH tự nguyện do gặp khó khăn, đó là chưa kể các nhóm lao động khác gặp khó khăn đang chờ được hưởng gói trợ cấp của Chính phủ.
Ông Lê Hùng Chính - Phó Giám đốc phụ trách BHXH tỉnh cho biết, tuy có gặp khó khăn do dịch Covid-19 song ngành vẫn tìm thấy cơ hội khai thác và phát triển mở rộng các đối tượng tham gia BHXH mới. Trên cơ sở dữ liệu về doanh nghiệp, lao động có sẵn, BHXH tỉnh có thể khai thác, bổ sung thêm đối tượng tham gia BHXH mới từ hơn 45.000 lao động chưa tham gia BHXH bắt buộc; 430.000 lao động thuộc nhóm lao động tự do, tự tạo việc làm... Mặt khác, hiện tỉnh đã đưa chỉ tiêu BHXH vào chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội địa phương, thành lập Ban chỉ đạo thực hiện BHXH toàn dân trên địa bàn. Đây là một thuận lợi để BHXH tỉnh phối hợp chặt chẽ với các sở, ngành liên quan và các địa phương phấn đấu thực hiện tốt các chỉ tiêu nhiệm vụ về BHXH mà tỉnh đã giao.
Đẩy mạnh thanh toán điện tử
Hiện nay, BHXH tỉnh đang triển khai nhiều giải pháp để mở rộng đối tượng tham gia BHXH. Đó là chú trọng công tác tuyên truyền các chính sách BHXH đến tận tổ dân phố, khu dân cư; chỉ đạo các phòng chuyên môn phân công người phụ trách phát triển đối tượng tham gia BHXH theo địa bàn dân cư; đẩy mạnh cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng và vận hành mô hình đăng ký tham gia BHXH tự nguyện trực tuyến; phát triển các phương thức thanh toán không dùng tiền mặt, tạo điều kiện thuận lợi cho mọi người dân và doanh nghiệp thực hiện giao dịch thu, chi về bảo hiểm y tế (BHYT), BHXH…
Mới đây nhất, BHXH tỉnh đã phối hợp với Vietcombank Khánh Hòa ký thỏa thuận hợp tác về phát triển phương thức thanh toán không dùng tiền mặt trong thu, chi trả các khoản BHYT, BHXH. Ông Lý Văn Tuyên - Phó Giám đốc Vietcombank Chi nhánh Khánh Hòa cho hay, việc tự động trích nộp các khoản bảo hiểm sẽ giúp giảm thiểu giao dịch trực tiếp, tiết giảm thời gian cho người lao động, đơn vị sử dụng dịch vụ. Mặt khác, khi đơn vị sử dụng lao động chủ động trích nộp BHXH sẽ được ngân hàng thông báo cụ thể, quản lý được việc nộp, thu BHXH của người lao động. Toàn bộ chi phí liên quan sẽ được ngân hàng và BHXH hỗ trợ. Ngoài ra, ngân hàng cũng triển khai các gói hỗ trợ với lãi suất ưu đãi để doanh nghiệp gặp khó khăn vay đóng BHXH cho người lao động…
Nhằm khai thác tốt khối lao động chưa tham gia BHXH và thực hiện đạt các chỉ tiêu về BHXH năm 2020, ông Nguyễn Đắc Tài - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, Trưởng ban chỉ đạo thực hiện BHXH toàn dân tỉnh đã chỉ đạo, BHXH tỉnh và các sở, ngành liên quan, các địa phương cần tăng cường các giải pháp thông tin, truyền thông đến tận thôn, tổ dân phố để tư vấn, vận động người dân tham gia BHXH tự nguyện; triển khai rộng rãi, chú trọng phát triển các phương thức thanh toán không dùng tiền mặt trong thu, chi các khoản BHXH, BHYT. Các doanh nghiệp cần nâng cao tinh thần, trách nhiệm đảm bảo đầy đủ quyền lợi tham gia BHXH, BHYT cho người lao động. Các ngân hàng cần tạo điều kiện cho doanh nghiệp vay tiền trả nợ BHXH cho người lao động khi doanh nghiệp gặp khó khăn…
Minh Thiết