Qua đánh giá việc triển khai 4 đề án nạo vét vật liệu bồi lắng tại các hồ chứa nước trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa, các sở, ngành, địa phương đã phân tích những hạn chế, tồn tại, nhất là về công tác quản lý. Từ đó, UBND tỉnh có những chỉ đạo cụ thể, nhất là xác định rõ trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị, địa phương liên quan về vấn đề này.
Đang thực hiện nạo vét 4 hồ
Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT), đến nay, sở đã thẩm định trình UBND tỉnh phê duyệt 4 đề án nạo vét vật liệu bồi lắng tại các hồ chứa nước: Cam Ranh, Tà Rục, Suối Dầu (Cam Lâm), Hoa Sơn (Vạn Ninh). Hiện nay, các hồ đang thực hiện nạo vét. Trong đó, hồ chứa nước Cam Ranh được tỉnh phê duyệt đề án nạo vét bãi bồi lòng suối đầu nguồn, khơi thông dòng chảy và vật liệu bồi lắng lòng hồ vào năm 2016. Khối lượng phê duyệt hơn 900.000m3, trong đó có 270.420m3 cát, còn lại là bùn, đất. Thời hạn nạo vét đến ngày 24-11-2019. Sau thời hạn này, tỉnh cho phép kéo dài thực hiện đến ngày 15-5-2022. Đến nay, tổng khối lượng đơn vị thi công (Công ty TNHH Đầu tư và Dịch vụ Cát Khánh) đã nạo vét được 132.531m3, trong đó gần 130.000m3 cát, còn lại là đất, chỉ đạt 15% so với khối lượng được duyệt.
Đối với hồ chứa nước Tà Rục, đề án nạo vét bãi bồi lòng suối đầu nguồn khơi thông dòng chảy và vật liệu bồi lấp lòng hồ được UBND tỉnh phê duyệt vào năm 2016. Khối lượng phê duyệt 471.100m3; thời hạn nạo vét trong vòng 3 năm. Sau khi hết hạn, tỉnh cho phép kéo dài thời gian thực hiện đến ngày 15-5-2022. Đến nay, tổng khối lượng đơn vị thi công đã nạo vét 54.452m3, đạt 12% so với khối lượng phê duyệt.
Tại hồ chứa nước Suối Dầu, đề án nạo vét được tỉnh thông qua ngày 14-1-2021 với hơn 500.000m3; thời gian thực hiện 2 năm; đến nay đã nạo vét được 3% so với khối lượng phê duyệt. Hồ chứa nước Hoa Sơn đã được tỉnh phê duyệt đề án nạo vét vào tháng 1-2021 với khối lượng được duyệt hơn 73.000m3, chủ yếu là cát.
Ngoài 4 hồ chứa nói trên, đơn vị được giao quản lý hồ chứa nước là Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi Khánh Hòa đang tiến hành các thủ tục để thực hiện đề án nạo vét tại các hồ: Đá Bàn, Láng Nhớt, Suối Trầu.
Rà soát lại quy trình, ràng buộc chặt chẽ trách nhiệm
Ngày 23-9, tại cuộc họp với UBND tỉnh về việc triển khai các đề án nạo vét hồ chứa nước trên địa bàn tỉnh, bà Lê Phạm Thùy Ngân - Phó Chủ tịch UBND huyện Cam Lâm cho biết, hồ chứa nước Cam Ranh cung cấp nguồn nước chính cho nhà máy nước phục vụ nước sinh hoạt cho người dân trong huyện. Quá trình nạo vét khiến chất lượng nước trong hồ bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Ngoài ra, quá trình vận chuyển vật liệu bồi lắng của đơn vị thi công đã gây ô nhiễm môi trường, làm hư hỏng hạ tầng giao thông nông thôn của xã, gây bức xúc trong đời sống người dân. UBND xã Cam Tân và UBND huyện Cam Lâm đều đã có các văn bản kiến nghị dừng việc thi công nạo vét vật liệu tại hồ chứa nước này để đánh giá lại tính hiệu quả của đề án, cũng như yêu cầu đơn vị thi công áp dụng các giải pháp bảo đảm môi trường.
Trong báo cáo của Sở NN-PTNT có tổng hợp ý kiến giải trình của Công ty TNHH Đầu tư và Dịch vụ Cát Khánh (đơn vị thi công nạo vét). Theo đó, công ty khẳng định đã nghiêm túc thực hiện các biện pháp bảo vệ môi trường theo đúng báo cáo đánh giá tác động môi trường đã được UBND tỉnh phê duyệt và sự chỉ đạo của các cơ quan, ban, ngành. Ngoài ra, công ty đã bỏ kinh phí để thực hiện việc tưới đường, sửa chữa các vị trí hư hỏng của tuyến đường liên xã Cam Tân - Sơn Tân. Các phương tiện vận chuyển vật liệu bồi lắng của công ty đều được đóng thuế phí đường bộ theo quy định và đăng ký số lượng, trọng tải với chính quyền địa phương. Công ty đề nghị được tạo điều kiện tiếp tục thực hiện đề án, bảo đảm đúng tiến độ khối lượng được duyệt.
Theo đánh giá của Sở NN-PTNT, quá trình triển khai đề án nạo vét, sở nhận thấy Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi Khánh Hòa (đơn vị quản lý hồ Cam Ranh) chưa thực hiện hết trách nhiệm của mình trong quá trình thi công nạo vét, chưa đồng hành với đơn vị thi công để phối hợp với địa phương giải quyết các nội dung phát sinh. Ngoài ra, công ty chưa đánh giá kết quả việc thực hiện việc nạo vét tại hồ chứa nước Cam Ranh để đề xuất khoanh vùng nạo vét và điều chỉnh lại nội dung đề án cho phù hợp với tình hình thực tế. Qua hơn 4 năm thực hiện đề án, đến nay, tổng khối lượng nạo vét đạt rất thấp so với mục tiêu đề ra.
Kết luận buổi làm việc, ông Đinh Văn Thiệu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh, việc nạo vét các hồ chứa nước trên địa bàn tỉnh là cần thiết, nhằm đạt được mục tiêu chủ yếu là tăng khả năng tích trữ nước, nhất là đối với các hồ chứa nước đã nhiều năm khai thác, sử dụng, bị bồi lấp nhiều. Tuy nhiên, thực tế triển khai đang tồn tại một số bất cập, cần phải giải quyết triệt để. Trong đó, công tác rà soát lại quy trình để cấp phép nạo vét, ngay từ bước lập đề án, đặc biệt là công tác lập báo cáo đánh giá tác động môi trường với các cam kết, ràng buộc chặt chẽ về quá trình trước, trong và sau khi thực hiện đề án là điều cần phải làm ngay.
Đồng thời, ông Đinh Văn Thiệu nhấn mạnh, để quản lý các đề án nạo vét một cách chặt chẽ, trong đề án cũng cần xác định rõ, cụ thể trách nhiệm của các sở, ngành, đơn vị, địa phương trong quá trình quản lý hoạt động khai thác. UBND tỉnh giao Sở NN-PTNT chủ trì, nghiên cứu rà soát lại quy trình, có sự ràng buộc chặt chẽ trách nhiệm của chủ đầu tư, đơn vị thi công…; phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Giao thông vận tải, Công an tỉnh, UBND các địa phương tổ chức kiểm tra thực tế, chấn chỉnh và có biện pháp khắc phục các tồn tại, hạn chế (nếu có) đối với 4 dự án đang triển khai. Từ đó, làm cơ sở để tham mưu UBND tỉnh trong quá trình phê duyệt các đề án nạo vét lòng hồ trong thời gian tới.
HỒNG ĐĂNG