Tăng cường giải pháp chống tái nghèo

Thứ tư - 06/03/2019 10:28
Năm 2018, toàn tỉnh Khánh Hòa giảm được 4.107 hộ nghèo. Để công tác giảm nghèo thực sự bền vững, hiện nay, các cấp, ngành, địa phương đưa ra nhiều giải pháp nhằm ngăn chặn tình trạng tái nghèo.    Báo Khánh Hòa điện tử, Cơ quan của Đảng Bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Khánh Hòa
Tăng cường giải pháp chống tái nghèo

Năm 2018, toàn tỉnh Khánh Hòa giảm được 4.107 hộ nghèo. Để công tác giảm nghèo thực sự bền vững, hiện nay, các cấp, ngành, địa phương đưa ra nhiều giải pháp nhằm ngăn chặn tình trạng tái nghèo. 


Nỗ lực giảm nghèo


Đầu năm 2018, toàn tỉnh vẫn còn có đến 19.142 hộ nghèo, chiếm 6,54%. Trong khi đó, hậu quả của cơn bão số 12 cuối năm 2017 để lại khá nặng nề. Chính vì vậy, tỉnh đã quyết liệt chỉ đạo triển khai các biện pháp giảm nghèo bền vững thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia và các chính sách có liên quan. Nhờ đó, đến cuối năm 2018 giảm được 4.107 hộ nghèo, đưa tỷ lệ hộ nghèo chỉ còn 4,95%.

 

Mô hình nuôi bò thoát nghèo tại huyện Vạn Ninh.

Mô hình nuôi bò thoát nghèo tại huyện Vạn Ninh.


Ông Võ Bình Tân - Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết, có được kết quả đó là sự nỗ lực với quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị. Các ngành, địa phương đã thực hiện đồng bộ các chính sách, dự án tạo điều kiện cho người nghèo phát triển sản xuất, tăng thu nhập; hỗ trợ tiền điện, mở các lớp đào tạo nghề phù hợp, tạo điều kiện hỗ trợ vốn tín dụng ưu đãi; xây dựng các mô hình giảm nghèo bền vững… Đặc biệt, các ngành, địa phương thay vì hỗ trợ bằng tiền mặt như trước đây, hiện nay đã chuyển sang hỗ trợ trực tiếp cây trồng, vật nuôi, hướng dẫn cách sản xuất. Đồng thời, công tác kiểm tra, giám sát được thực hiện thường xuyên, liên tục nên đã tạo được nhiều kết quả tích cực.


Bên cạnh đó, các ngành, địa phương còn chú trọng khảo sát nhu cầu thực tế của người nghèo, trên cơ sở đó hỗ trợ xây dựng các mô hình kinh tế. Toàn tỉnh đã thực hiện hỗ trợ cho hơn 1.000 hộ nghèo và cận nghèo xây dựng các mô hình kinh tế với tổng số tiền hơn 12,2 tỷ đồng. Trong đó chỉ tập trung hỗ trợ trồng chuối, bưởi da xanh, sầu riêng; hỗ trợ về chăn nuôi bò, heo, gà, dê… Những hộ được hỗ trợ phải thực hiện cam kết nhằm tránh tình trạng không thực hiện mô hình mà quy đổi dùng tiền để chi tiêu...


Chống tái nghèo


Theo lãnh đạo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, trong những năm qua, thiên tai khiến không ít những hộ mới thoát nghèo rơi vào tái nghèo. Đầu năm 2018 có 226 hộ tái nghèo, phần lớn tập trung ở các địa phương chịu thiệt hại nặng nề do thiên tai và vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Để giúp những hộ này, các ngành, địa phương đã có nhiều chính sách giúp hỗ trợ khắc phục thiệt hại, dần khôi phục sản xuất, phát triển kinh tế hộ gia đình. Qua khảo sát, hiện nay, số hộ tái nghèo đang dần khôi phục lại kinh tế, tuy nhiên tỷ lệ tái nghèo vẫn còn cao. Do vậy, UBND tỉnh đã chỉ đạo các ban, ngành, đoàn thể, địa phương tăng cường triển khai các biện pháp ngăn chặn nguy cơ tái nghèo. Theo đó, các ngành, địa phương tập trung tuyên truyền nâng cao nhận thức của nhân dân, nhất là hộ nghèo; thực hiện có hiệu quả các chương trình đào tạo nghề, giải quyết việc làm; tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện chế độ, chính sách, các chương trình, dự án về giảm nghèo. Bên cạnh đó, chú trọng công tác khuyến nông - lâm - ngư nghiệp, hướng dẫn cách làm ăn cho hộ nghèo, hộ cận nghèo; hỗ trợ các mô hình chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, mô hình sản xuất chuyên canh tập trung theo hướng sản xuất hàng hóa để người nghèo dễ tiếp cận và tham gia; tăng cường công tác vận động xã hội, huy động nguồn lực trong cộng đồng đóng góp xây dựng “Quỹ vì người nghèo” để hỗ trợ cho người nghèo, góp phần hạn chế và ngăn chặn nguy cơ tái nghèo trên địa bàn tỉnh…


Ông Võ Bình Tân cho biết, thời gian tới, sở sẽ tập trung thực hiện hiệu quả Nghị quyết 06 của HĐND tỉnh về 2 chính sách giảm nghèo đặc thù là: hỗ trợ hộ nghèo có thành viên là người có công với cách mạng; khuyến khích thoát nghèo bền vững. Cùng với đó, 2 huyện miền núi Khánh Sơn và Khánh Vĩnh đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt thuộc danh sách huyện nghèo nên đã xây dựng xong Đề án giảm nghèo bền vững với dự kiến tổng mức đầu tư hơn 316,7 tỷ đồng. Trong đó, ngân sách Trung ương hơn 194,5 tỷ đồng, ngân sách địa phương hơn 122,1 tỷ đồng. Hiện nay, UBND tỉnh đã gửi đề án cho các bộ, ngành Trung ương xem xét, triển khai thực hiện trong thời gian đến.


VĂN GIANG


 

Tiêu điểm
Tin mới
Nhà đất
Xã hội
Tổng hợp