“Mấy người này đầu không có não hay sao mà không tự nguyện khai báo còn phải để người ta theo dõi rồi tóm từng người một”.
Đó là một trong số hàng trăm bình luận mắng chửi, mạt sát V.T.H. (quê Nam Định, du học sinh tại Busan, Hàn Quốc) cùng 3 du học sinh khác trong những ngày qua.
Và tất nhiên, đó chưa phải bình luận gay gắt nhất.
Mọi chuyện bắt nguồn khi H. và 3 du học sinh này được đưa đi cách ly tại địa phương sau khi trở về từ Hàn Quốc. Một diễn đàn đăng tải ảnh của H. với hàm ý cô “trốn” cách ly trước đó, cố tình làm lây lan virus corona khi di chuyển bằng xe khách từ Nha Trang về Nam Định.
“Những ngày qua thực sự bọn mình rất căng thẳng, mệt mỏi vì bị mang tiếng xấu. Những tưởng trở về quê hương sẽ bình yên hơn, tránh được đại dịch Covid-19 nhưng không ngờ chúng mình còn phải đối mặt với một đại dịch khác đáng sợ không kém: sự vô tâm, bầy đàn của một bộ phận dân mạng”, H. nói với Zing.vn.
Hàn Quốc hiện là ổ dịch Covid-19 lớn thứ 2 thế giới. Nhiều du học sinh quốc tế trong đó có Việt Nam trở về nước tránh dịch. Ảnh: Reuters. |
Chủ động xin đi cách ly vẫn bị mang tiếng “trốn”
V.T.H. là du học sinh trường Kyungsung, thành phố Busan. Sau khi tình hình dịch Covid-19 ở Hàn Quốc chuyển biến xấu, H. lên chuyến bay trở về Nha Trang ngày 26/2 do không còn chuyến bay thẳng về Hà Nội.
Do H. và một số du học sinh có sức khỏe bình thường, không đến từ vùng dịch nên được cấp giấy thông quan và khuyên về nhà tự cách ly. Sau đó, để hạn chế tiếp xúc với mọi người khi di chuyển từ Nha Trang về Nam Định, H. chọn đi xe giường nằm.
Đêm 28/2, sau khi về đến nhà H. chưa tiếp xúc với ai xung quanh, chủ động cách ly với người nhà để chờ cán bộ y tế đến thăm khám. Sáng 29/2, sau khi kiểm tra, các cán bộ y tế địa phương cũng kết luận H. chỉ cần tự cách ly ở nhà vì không đến từ tâm dịch và không có dấu hiệu bệnh.
“Dù vậy, mình thấy cùng chuyến bay với mình có bạn về từ vùng gần tâm dịch nên đã chủ động xin được đi và chuyển tới khu cách ly vào chiều 29/2”, H. cho biết.
Khu vực V.T.H. sống tại Busan trở nên vắng lặng hơn thường ngày vì dịch bệnh bùng phát. Ảnh: 부산오빠. |
Tuy nhiên, nhóm của H. bị một diễn đàn chụp lại ảnh tại trang cá nhân và đăng tải với hàm ý các bạn cố tình trốn cách ly, lây lan virus cho nhiều người khi di chuyển bằng xe khách về quê rồi bị cưỡng chế đưa đi cách ly. Sau đó, nhiều dân mạng không tìm hiểu kỹ sự việc cũng nhanh chóng dùng các bình luận khó nghe bình phẩm về nhóm bạn.
Xác nhận với Zing.vn ngày 2/3, đại diện trung tâm cách ly tỉnh Nam Định cho biết các du học sinh trở về từ Hàn Quốc đều tự nguyện xin đi cách ly và hiện chưa ai có dấu hiệu nhiễm virus corona.
Stress, mệt mỏi vì bị hiểu lầm
N.T.H., du học sinh nằm trong danh sách 4 người đi cách ly với V.T.H., nói với Zing.vn cô cảm thấy bất lực, “tay run, đau đầu” và không thể trả lời thêm câu hỏi mỗi khi nhắc tới việc bị hiểu lầm, xúc phạm trên mạng.
“Mọi người không tìm hiểu rõ sự việc, không đọc kỹ công văn nên vội quy chụp là bọn mình trốn cách ly như một số trường hợp khác. Bọn mình mấy hôm nay thực sự stress, mệt mỏi vì bị xúc phạm bởi những từ ngữ nặng nề”, V.T.H. nói.
Bên cạnh đó, cô cho rằng việc bị hiểu lầm không chỉ ảnh hưởng đến cá nhân các du học sinh như H. mà còn gây tổn hại tới danh dự gia đình.
Nhiều trường học tại Hàn Quốc cho học sinh nghỉ thêm 2 tuần để ngăn chặn dịch Covid-19. Ảnh: Yonhap. |
Trước tình hình dịch, trường của H. đã lùi lịch học đến 16/3. Bắt đầu từ ngày 16-27/3 sẽ học online.
“Với nhiều du học sinh như mình, quyết định về nước đợt dịch này rất khó khăn, có thể ảnh hưởng đến cả tương lai. Bọn mình hay nói vui với nhau là về cũng chết, không về cũng chết. Nếu về thì có thể bảo lưu được, nhưng để xin lại visa sang đây cũng không dễ dàng gì.
Bên cạnh đó, coi như nhà cửa hay đồ đạc bọn mình thuê bên đấy bỏ luôn khi chưa hết hợp đồng nhà, tiền nhà. Còn đi làm thêm thì là hẳn bọn mình sẽ bỏ dở vì sang đây đến 90% là du học sinh tự túc, tự làm tự học, tự kiếm tiền các thứ", H. cho hay.
Còn nếu không về, với tình hình ca nhiễm ở Hàn Quốc ngày một tăng, H. không biết mình có là một trong những ca nhiễm tiếp theo không. Khi đó, chỉ có một thân một mình, không biết cô sẽ nhận được sự chữa trị ra sao khi bệnh viện đang ngày một quá tải.
Cân nhắc là vậy, H. vẫn lựa chọn về. Một người bạn của cô quyết định ở lại, mỗi ngày đều đi làm thêm 7 tiếng, đêm mới về nhà.
Hiện V.T.H. và nhóm du học sinh đang ở tại khu cách ly địa phương. Cô nhận xét công tác phòng dịch được thực hiện chu đáo. Mọi người được phát đồ dùng cá nhân và ăn uống đầy đủ.
Hôm qua, cách nơi H. sống ở Busan chỉ 500 m có một ca nghi nhiễm được xe cứu thương tới đón đi. Xem bức ảnh bạn gửi, H. càng thêm lo lắng, mông lung khi nghĩ đến tình cảnh hiện tại.
Dù bị hiểu lầm, bất an về tương lai, điều khiến cô được an ủi nhất lúc này là đã được trở về nhà bên gia đình, nhận được sự quan tâm của bạn bè, sự chăm sóc ở nơi cách ly.
Các công ty Trung Quốc 'chia sẻ nhân viên' để đối phó dịch Covid-19Do nhu cầu mua sắm tại nhà tăng cao, nhiều doanh nghiệp bán lẻ thuê tạm thời nhân viên từ các doanh nghiệp đang dừng hoạt động để tối ưu hóa nguồn lực. |