Thông báo do ông Trần Sơn Hải - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh ký, kết luận: sự cố nước thải chưa xử lý tại Nhà máy Đường Khánh Hòa chảy tràn ra ngoài gây ô nhiễm môi trường đã gây thiệt hại cho người dân nuôi trồng thủy, hải sản và trồng mía; đồng thời cũng gây thiệt hại cho Công ty Cổ phần Đường Khánh Hòa. Trong thời gian qua, Sở Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) và các cơ quan chức năng đã làm việc với Công ty Cổ phần Đường Khánh Hòa để thực hiện các biện pháp khắc phục sự cố (tạm dừng hoạt động, rà soát, đánh giá nguyên nhân và xử lý theo quy định). Tuy nhiên, đến nay sự việc vẫn chưa được giải quyết dứt điểm.
Để sớm ổn định đời sống cho người dân nuôi trồng thủy sản, trồng mía chịu ảnh hưởng từ sự cố môi trường này và đưa nhà máy vào hoạt động trở lại, UBND tỉnh yêu cầu các sở, ngành, địa phương, đơn vị liên quan khẩn trương thực hiện một số nội dung:
Đối với Công ty Cổ phần Đường Khánh Hòa, hiện nay, đơn vị còn tồn 289.000 tấn mía nguyên liệu chưa được thu mua trong thời gian chờ khắc phục sự cố. Vì vậy, yêu cầu công ty khẩn trương khắc phục sai phạm, tồn tại, trong đó ưu tiên khắc phục những nội dung đảm bảo các thông số kỹ thuật nhằm sớm đưa nhà máy hoạt động trở lại để tiêu thụ hết lượng mía niên vụ 2017. Công ty phải lập kế hoạch chi tiết khắc phục sự cố môi trường gửi Sở TN-MT, Tổng cục Môi trường (Bộ TN-MT), UBND huyện Cam Lâm và cơ quan chức năng liên quan, trong đó nêu rõ nội dung, thời gian hoàn thành để làm cơ sở giám sát; nghiêm túc thực hiện các yêu cầu, hướng dẫn của Sở TN-MT, cơ quan chức năng trong việc khắc phục sự cố môi trường; chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật về đảm bảo vệ sinh môi trường và các biện pháp bảo vệ môi trường theo báo cáo đánh giá tác động môi trường được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt; báo cáo đầy đủ, trung thực vụ việc, các hoạt động khắc phục sự cố, giải quyết hậu quả về Sở TN-MT, Tổng cục Môi trường. Công ty cũng cần tính lại giá thu mua mía nguyên liệu hợp lý để hỗ trợ người dân khi hoạt động trở lại, không phạt hợp đồng đối với trường hợp bán mía nguyên liệu cho tổ chức, cá nhân khác trong thời gian chờ nhà máy khắc phục sự cố. Đồng thời, đền bù cho các hộ nuôi trồng thủy sản bị thiệt hại do sự cố ô nhiễm môi trường của công ty gây ra trên cơ sở khối lượng, giá trị được đoàn công tác của UBND huyện Cam Lâm xác định.
Chiều 11-5, trao đổi với phóng viên, ông Đỗ Thanh Liêm - Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Đường Khánh Hòa cho biết: “Từ khi xảy ra sự cố hệ thống xử lý nước thải của Nhà máy Đường Khánh Hòa, công ty đã rất nỗ lực để khắc phục và cũng chịu thiệt hại không nhỏ do nhà máy phải tạm dừng hoạt động cũng như kinh phí khắc phục sự cố. Về thiệt hại của người dân nuôi trồng thủy sản, chúng tôi sẽ chịu trách nhiệm bồi thường nếu những thiệt hại đó được xác định là do ảnh hưởng bởi sự cố môi trường này và theo định mức thẩm định của UBND huyện Cam Lâm và các cơ quan chức năng”.
Đối với Sở TN-MT: Củng cố hồ sơ xử phạt vi phạm hành chính về lĩnh vực môi trường đối với các hành vi vi phạm của Công ty Cổ phần Đường Khánh Hòa theo quy định; báo cáo, tham mưu cơ quan có thẩm quyền xử phạt đối với trường hợp vượt quá thẩm quyền. Tiếp tục rà soát các nội dung tồn tại, các nội dung Công ty Cổ phần Đường Khánh Hòa đã khắc phục để tiếp tục hướng dẫn, yêu cầu công ty thực hiện đúng, đầy đủ các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường. Trong đó, hướng dẫn công ty ưu tiên khắc phục những hạng mục cấp bách đưa nhà máy vào hoạt động để tiêu thụ hết số mía của niên vụ 2017. Bên cạnh đó, thành lập đoàn giám sát, mời Tổng cục Môi trường, UBND huyện Cam Lâm và các sở, ngành, cơ quan liên quan tham gia để thực hiện giám sát các hoạt động khắc phục sự cố môi trường tại Nhà máy Đường Khánh Hòa.
Trong thông báo, UBND tỉnh cũng yêu cầu UBND các huyện, thị xã, thành phố kiểm tra các hộ có trồng mía nguyên liệu hợp đồng với Công ty Cổ phần Đường Khánh Hòa, thống kê số lượng mía còn tồn chưa được thu mua để làm việc trực tiếp với Công ty Cổ phần Đường Khánh Hòa lập kế hoạch và có giải pháp hỗ trợ thu mua cho nông dân. Đồng thời, chỉ đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với Sở Công Thương và UBND các huyện, thị xã, thành phố có vùng mía nguyên liệu làm việc với các doanh nghiệp: Công ty Cổ phần Đường Khánh Hòa, Công ty TNHH MTV Đường Biên Hòa - Ninh Hòa để có phương án thu mua mía nguyên liệu cho ngưòi dân, đảm bảo không để mía tồn đọng. Đặc biệt lưu ý trường hợp Công ty Cổ phần Đường Khánh Hòa không khắc phục được sự cố để đưa nhà máy vào hoạt động thì cần có sự hỗ trợ của Nhà máy Đường Ninh Hòa thuộc Công ty TNHH MTV Đường Biên Hòa - Ninh Hòa. Thời gian hoàn thành phương án và tổ chức thực hiện trước ngày 15-5. Riêng UBND huyện Cam Lâm phải thành lập tổ công tác giải quyết đền bù cho người nuôi trồng thủy sản bị thiệt hại do sự cố ô nhiễm môi trường của Nhà máy Đường Khánh Hòa (mời Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở TN-MT, Sở Tài chính, cơ quan, đơn vị liên quan và đại diện các hộ nuôi trồng thủy sản bị thiệt hại); làm việc với Công ty Cổ phần Đường Khánh Hòa thống nhất khối lượng, đơn giá, mức đền bù trước ngày 13-5 làm cơ sở cho Công ty Cổ phần Đường Khánh Hòa đền bù trong tháng 5.
Thế Anh - Đình Lâm