Ngày 24-9-2022, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Khánh Hòa ban hành Quy định số 622-QĐ/TU về quy trình giao nhiệm vụ trọng tâm và đánh giá cán bộ lãnh đạo, quản lý thông qua kết quả thực hiện nhiệm vụ trọng tâm. Đây là quy định rất mới, được cán bộ, đảng viên quan tâm. Báo Khánh Hòa đã phỏng vấn ông Nguyễn Khắc Hà - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy về một số nội dung quan trọng của quy định này.
- Xin ông cho biết mục đích, ý nghĩa của việc ban hành Quy định số 622?
- Đánh giá cán bộ là khâu đặc biệt quan trọng trong công tác cán bộ, là tiền đề, cơ sở để lựa chọn, bố trí, sử dụng cán bộ. Mặc dù có vai trò hết sức quan trọng nhưng thời gian qua, công tác đánh giá cán bộ vẫn là khâu yếu, còn nhiều hạn chế. Nghị quyết số 26, ngày 19-5-2018 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII) về tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược, đủ phẩm chất và năng lực uy tín, ngang tầm nhiệm vụ nêu rõ: “Đánh giá cán bộ vẫn là khâu yếu, chưa phản ánh đúng thực chất, chưa gắn với kết quả, sản phẩm cụ thể, không ít trường hợp còn cảm tính, nể nang, dễ dãi hoặc định kiến”. Thực tiễn công tác đánh giá cán bộ trong toàn tỉnh thời gian qua cho thấy, công tác đánh giá cán bộ chủ yếu mang tính định tính, còn định lượng thì chưa rõ ràng, chưa đầy đủ, chưa sát thực tế, còn cào bằng; chưa thực sự lấy kết quả, hiệu quả công việc làm thước đo đánh giá cán bộ.
Hiện nay, tỉnh vừa phải tập trung khắc phục các sai phạm theo kết luận thanh tra, kiểm tra của Trung ương, vừa phải tập trung phấn đấu hoàn thành các mục tiêu kinh tế - xã hội mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2020 - 2025 đã đề ra. Đặc biệt là khẩn trương triển khai có hiệu quả Nghị quyết số 09-NQ/TW của Bộ Chính trị về xây dựng, phát triển tỉnh Khánh Hòa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Nghị quyết số 42-NQ/CP của Chính phủ ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 09-NQ/TW; Nghị quyết số 55/2022/QH15 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Khánh Hòa. Những nghị quyết này sẽ mở ra cơ hội và là động lực quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trong thời gian đến; đồng thời cũng đặt ra những thách thức to lớn, nhiệm vụ nặng nề đối với tỉnh, nhất là một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Khánh Hòa chỉ được thực hiện trong thời gian ngắn (5 năm), nên cần phải tập trung triển khai để sớm đưa Khánh Hòa trở thành thành phố trực thuộc Trung ương vào năm 2030. Để làm được điều này, bên cạnh nhiều yếu tố tác động thì yếu tố con người là quan trọng nhất, đòi hỏi đội ngũ cán bộ của tỉnh phải thực sự năng động, sáng tạo, dám đương đầu với khó khăn, thử thách và quyết liệt trong hành động, tận tâm tận lực vì sự phát triển của tỉnh.
Chính vì vậy, việc ban hành Quy định về quy trình giao nhiệm vụ trọng tâm và đánh giá cán bộ lãnh đạo, quản lý thông qua kết quả thực hiện nhiệm vụ trọng tâm trong thời điểm hiện nay có ý nghĩa hết sức quan trọng, giúp khắc phục được những hạn chế, tồn tại trong công tác đánh giá cán bộ thời gian qua; đồng thời có cơ sở để bố trí đúng người, đúng công việc, phát huy năng lực, sở trường, sức sáng tạo của cán bộ, góp phần thực hiện có hiệu quả các nghị quyết của Trung ương… Đây đồng thời cũng là bước đầu cụ thể hóa Kết luận số 14-KL/TW, ngày 22-9-2021 của Bộ Chính trị về chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung.
- Xin ông cho biết đối tượng thực hiện cũng như tiêu chí để lựa chọn nhiệm vụ trọng tâm? Quy trình đăng ký và các bước đánh giá kết quả thực hiện?
- Trước hết, đối tượng thực hiện gồm các vị Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Tỉnh ủy viên, giám đốc các sở; trưởng các cơ quan, ban, ngành, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội cấp tỉnh; bí thư các huyện ủy, thị ủy, thành ủy, Đảng ủy Khối các cơ quan tỉnh, Đảng ủy Khối doanh nghiệp tỉnh, Đảng ủy Trường Đại học Khánh Hòa; chủ tịch HĐND, UBND các huyện, thị xã, thành phố; cán bộ luân chuyển thuộc diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý.
Về tiêu chí lựa chọn nhiệm vụ trọng tâm, đó là nhiệm vụ quan trọng thuộc chức năng, nhiệm vụ được giao, có tác dụng lan tỏa, đóng góp tích cực vào sự phát triển của cơ quan, đơn vị, địa phương; có tính định lượng, thể hiện bằng kết quả, sản phẩm đầu ra cụ thể, có thời gian hoàn thành tối đa trong 1 năm. Đối với nhiệm vụ cần triển khai trong nhiều năm thì phải xác định sản phẩm đầu ra cụ thể hoàn thành trong từng năm. Đồng thời, phải bám sát các định hướng, nhiệm vụ, giải pháp được nêu trong Nghị quyết số 09 của Bộ Chính trị, Nghị quyết số 42 của Chính phủ, Nghị quyết số 55 của Quốc hội và các kế hoạch, chương trình hành động của Tỉnh ủy, UBND tỉnh triển khai thực hiện các nghị quyết này.
Về quy trình giao nhiệm vụ trọng tâm gồm 5 bước: Mỗi cá nhân cán bộ lãnh đạo, quản lý lựa chọn, đề xuất, đăng ký 3 nhiệm vụ trọng tâm gửi về các cơ quan đầu mối (Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh, Đảng đoàn HĐND tỉnh, Ban Tổ chức Tỉnh ủy) trước ngày 30-10 hàng năm để thẩm định, cho ý kiến. Ban Tổ chức Tỉnh ủy tổng hợp chung và tổ chức lấy ý kiến các cơ quan tham mưu của Tỉnh ủy; sau đó tổng hợp các ý kiến và trình Thường trực Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy xem xét, quyết định và thông báo giao nhiệm vụ trọng tâm cho từng cá nhân trước ngày 30-12 hàng năm.
Căn cứ 3 nhiệm vụ trọng tâm được Ban Thường vụ Tỉnh ủy giao, mỗi cán bộ lãnh đạo, quản lý xây dựng kế hoạch thực hiện của cá nhân với lộ trình, tiến độ thực hiện cụ thể trong từng tháng, quý, năm gửi về Ban Thường vụ Tỉnh ủy (qua Ban Tổ chức Tỉnh ủy) để theo dõi, đôn đốc, giám sát việc thực hiện.
Cuối năm, ngoài những nội dung kiểm điểm hàng năm theo quy định, các cá nhân tự đánh giá kết quả thực hiện 3 nhiệm vụ trọng tâm được giao, gửi về các cơ quan đầu mối trước ngày 31-12 hàng năm để thẩm định, cho ý kiến nhận xét, đánh giá. Sau khi có ý kiến của các cơ quan đầu mối, Ban Tổ chức Tỉnh ủy tổng hợp chung và tổ chức lấy ý kiến các cơ quan tham mưu của Tỉnh ủy; sau đó, tổng hợp các ý kiến và báo cáo Thường trực Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy làm một trong những cơ sở đánh giá, xếp loại cán bộ cuối năm.
- Quy định đã nêu rất rõ quy trình cụ thể về giao nhiệm vụ và đánh giá cán bộ. Theo đó, khâu đánh giá cán bộ phải chi tiết, cụ thể và đặc biệt phải lượng hóa được sản phẩm cụ thể. Việc đánh giá qua định lượng chứ không phải như định tính trước đây có phải sẽ tháo gỡ được những điểm nghẽn về công tác đánh giá cán bộ, thưa ông?
- Đây là lần đầu tiên Ban Thường vụ Tỉnh ủy có một quy định cụ thể để đánh giá cán bộ. Chúng tôi tin rằng, việc thực hiện Quy định về quy trình giao nhiệm vụ trọng tâm và đánh giá cán bộ lãnh đạo, quản lý thông qua kết quả thực hiện nhiệm vụ trọng tâm sẽ tạo chuyển biến trong nhận thức, thống nhất trong hành động, nâng cao trách nhiệm nêu gương, phát huy tinh thần chủ động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, vì lợi ích chung của cán bộ lãnh đạo, quản lý, nhất là người đứng đầu trong việc triển khai nhiệm vụ trọng tâm, góp phần tháo gỡ, giải quyết những vấn đề quan trọng, phức tạp, khó khăn ở cơ quan, đơn vị, địa phương, mang lại giá trị, hiệu quả thiết thực; tạo không khí thi đua triển khai thực hiện Nghị quyết số 09 của Bộ Chính trị.
Đồng thời, quy định này cũng góp phần đổi mới thực chất công tác đánh giá cán bộ, trên cơ sở tham khảo thông tin thực chứng về kết quả thực hiện nhiệm vụ trọng tâm. Qua đó, giúp cho Ban Thường vụ Tỉnh ủy thực hiện tốt hơn công tác quy hoạch, đào tạo, luân chuyển, điều động, bố trí, sử dụng cán bộ, phát huy được năng lực, sở trường của cán bộ, góp phần xây dựng đội ngũ cán bộ của tỉnh có đủ phẩm chất, năng lực, uy tín và ngang tầm nhiệm vụ.
- Xin cảm ơn ông!
XUÂN THÀNH (Thực hiện)