Để tìm hiểu thực tế, một ngày trung tuần tháng cuối cùng năm 2018, PV Báo CAND đã có cuộc khảo sát khu vực vịnh biển Nha Trang và ghi nhận, các NHN truyền thống có kết cấu khung gỗ, sàn gỗ, mái tôn với diện tích từ 300-500m2, “tọa lạc” trên “nền móng” những thùng phuy nhựa dung tích 120-220 lít. Vài năm gần đây đã có thêm NHN có kết cấu bằng vật liệu composite, khung thép, mái tôn.
Đương nhiên cả hai loại NHN đều được cố định bằng những dây thừng nối với neo sắt thả xuống vịnh biển. Bên trên NHN là khu ăn uống dành cho khách với bàn ghế cùng vài chiếc võng và khu chế biến thực phẩm, khu vệ sinh có lối thoát chất thải… xuống biển.
Nơi có nhiều NHN là làng Chài ở phía Đông Nam đảo Trí Nguyên thuộc phường Vĩnh Nguyên. Không ít NHN có kết cấu sàn gỗ được hình thành từ bè thả nuôi tôm, cá đang tiếp hàng chục thực khách do những thuyền trưởng tàu du lịch, ca nô đưa đến sau cuộc tham quan biển đảo.
Sau mỗi lần đưa thực khách đến, thuyền trưởng được trích hoa hồng tùy theo doanh thu, nên NHN trên vịnh biển Nha Trang luôn được các thuyền trưởng giới thiệu như một điểm đến hấp dẫn không thể bỏ quên!
Ông Phan Lê Vũ, chủ nhân NHN Xuân Trúc chia sẻ: “Tôi đầu tư hơn 1,2 tỷ đồng để nhờ Viện Nghiên cứu chế tạo tàu thủy - Trường Đại học Nha Trang lắp đặt nhà hàng bằng vật liệu composite với diện tích sàn 136m2, đủ điều kiện tiếp đón 100 thực khách với các thiết bị an toàn nhưng khách đến đây ít hơn so với những nhà hàng có kết cấu sàn gỗ chỉ vì độ rung lắc mạnh hơn khi sóng xô đập”.
Cách đây hơn 2 năm, UBND tỉnh Khánh Hòa đã có văn bản nghiêm cấm NHN hoạt động kinh doanh trái phép từ giữa tháng 10-2016. Thế nhưng, trong số 45 nhà hàng nổi còn tồn tại đến thời điểm này chỉ có 5 nhà hàng được cơ quan có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận phương tiện thủy nội địa.
Trước thực trạng đó, cuối tháng 9-2018 UBND tỉnh Khánh Hòa có văn bản chỉ đạo các địa phương kiểm tra, xử lý NHN hoạt động trái phép và phải chịu trách nhiệm nếu để xảy ra sự cố tai nạn từ các cơ sở này. Tiếp đó, vào đầu tháng 10-2018, Sở du lịch Khánh Hòa đã có văn bản khuyến cáo các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành không đưa đón khách đến những NHN hoạt động trái phép.
Gần đây nhất, vào ngày 27-11, UBND tỉnh Khánh Hòa tiếp tục có văn bản yêu cầu các địa phương kiên quyết đình chỉ hoạt động, buộc tháo dỡ biển hiệu NHN hình thành trái phép, không đảm bảo an toàn; buộc chủ tàu du lịch cam kết không đưa đón khách đến những NHN nêu trên.
Không riêng Khánh Hòa mà tại Phú Yên còn tồn tại hàng chục NHN tiềm ẩn hiểm họa trên vịnh biển Vũng Rô ở xã Hòa Xuân Nam, huyện Đông Hòa và đầm Cù Mông ở xã Xuân Cảnh, Xuân Hòa, thị xã Sông Cầu. Len lỏi giữa hàng trăm bè nuôi tôm, cá ở vịnh Vũng Rô là những NHN với các biển hiệu “Năm Binh”, “Sinh thái BB”, “Phương Thắng”, “Thanh Niên”…
Tất cả đều kết cấu sàn gỗ, mái tôn đặt trên “nền móng” những thùng phuy nhựa. Sau cuộc kiểm tra đầu tháng 10-2017, Sở GTVT Phú Yên xác định ở vịnh Vũng Rô có 19 NHN và 17 ca nô, tàu du lịch hoạt động trái phép. Dù đã cam kết khi bị lập biên bản đình chỉ nhưng sau đó các NHN, ca nô, tàu du lịch vẫn ngang nhiên đưa đón khách.
Ba năm qua (2015-2018), UBND tỉnh Phú Yên đã có nhiều văn bản chỉ đạo xử lý, ngăn chặn hoạt động trái phép của NHN ở vịnh Vũng Rô nhưng gần như chỉ có hiệu lực trên giấy, thậm chí sau đó có thêm một số NHN phát sinh. Bất chấp tấm biển của UBND huyện Đông Hòa cắm bên bờ vịnh Vũng Rô có nội dung “Nghiêm cấm kinh doanh dịch vụ ăn uống trên các bè nổi, đưa đón khách bằng ca nô trái phép”, những nhóm du khách vẫn háo hức khi lên ca nô ra NHN…
Bên cạnh tiềm ẩn hiểm họa khi xảy ra sự cố tai nạn do hỏa hoạn, sập đổ NHN… thì chất thải mỗi ngày từ những cơ sở này trầm tích dần dưới vịnh biển là nguồn ô nhiễm nghiêm trọng.
Để du lịch biển thật sự bền vững, đã đến lúc chính quyền và các cơ quan chức trách ở Khánh Hòa, Phú Yên cần kiên quyết loại bỏ NHN trái phép, không đảm bảo tiêu chuẩn kỹ thuật để bảo vệ an toàn cho du khách và môi trường.