Vụ việc một người lạ xâm nhập vào trường tiểu học ở TP. Nha Trang gần đây với ý đồ xấu thêm một lần nữa đặt ra tính cấp thiết phải bảo đảm an toàn cho học sinh (HS) cả trong và ngoài nhà trường.
Trang bị cho trẻ kỹ năng tự bảo vệ
Trong giờ ngoại khóa của các HS lớp 4 Trường Tiểu học Phước Tiến (TP. Nha Trang), các nhóm đã cùng nhau biểu diễn 2 tiểu phẩm với tình huống người lớn có những hành động dụ dỗ, đụng chạm đến thân thể của trẻ và trẻ bị lôi kéo vào các tệ nạn xã hội. Các em đã nhận biết và xử lý để đảm bảo an toàn cho bản thân mình và bạn bè. Cô Ngô Thị Hiền cho biết: “Việc tuyên truyền phải giúp các em hiểu vấn đề xâm hại tình dục nói riêng và xâm hại trẻ em nói chung có thể xảy ra ở bất cứ đâu, bất cứ đối tượng nào, cả nam và nữ, thậm chí từ cả những người thân quen. Đặc biệt, cần phải có những tình huống thực tế để trang bị cho trẻ kỹ năng tự bảo vệ mình”.
Thời gian qua, việc tuyên truyền, giáo dục phòng tránh xâm hại ở trẻ, được lồng ghép qua giáo dục kỹ năng sống, giờ sinh hoạt lớp, hoạt động văn hóa văn nghệ... Các em được dạy về các bộ phận cơ thể, những nhóm người thường gặp, mức độ thân thuộc và cách ứng xử phù hợp. Một số trường còn mời chuyên gia, nhà tâm lý học, nhà quản lý giáo dục, cán bộ ngành y tế, thể thao đến giao lưu, chia sẻ... Song theo cô Nguyễn Thị Quỳnh Hoa - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Phước Tiến, nội dung chương trình giáo dục liên quan đến phòng, chống xâm hại trẻ em còn ít. Việc giáo dục các em không chỉ một vài lần mà cần thực hiện xuyên suốt cả một quá trình và đưa vào chương trình chính khóa để tạo cho trẻ thói quen và hành vi đúng đắn.
Cô Dương Hồng Lan - giáo viên Trường Tiểu học Tân Lập 1 (TP. Nha Trang), cũng là phụ huynh của HS lớp 1 và lớp 5 chia sẻ: “Tôi dạy cho HS và cho con mình để có thể tự bảo vệ mình khi không có bố mẹ ở bên cạnh thông qua quy tắc 5 ngón tay, quy tắc vùng đồ bơi hay vùng tam giác… Cha mẹ cũng nên chú ý tạo cho con có được niềm tin, chia sẻ mỗi khi con có tâm tư...”.
Phối hợp chặt chẽ từ nhiều phía
Hiện nay, không phải trường nào cũng có hệ thống camera giám sát đầy đủ toàn bộ khuôn viên và trước cổng trường. Bà Hoàng Việt Nga - Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học Tân Lập 1 cho biết, hiện nay, trường mới chỉ có 4 camera đặt ở cổng trường, sân trường..., nhưng vẫn còn có những lỗ hổng, góc khuất mà camera không thể thấy. Nhà trường đã quán triệt các lớp dặn HS vào giờ tan học tuyệt đối không lên tầng lầu, không ra đằng sau... Sắp tới, trường sẽ kêu gọi phụ huynh HS đóng góp kinh phí để lắp đặt camera, đồng thời có các biện pháp phối hợp chặt chẽ hơn trong công tác đảm bảo an toàn cho trẻ.
Trường Tiểu học Phước Tiến là một trong số ít trường có hệ thống camera phủ khắp các khu vực trong nhà trường, với 16 chiếc. Tuy nhiên, theo cô Nguyễn Thị Quỳnh Hoa, để đảm bảo an toàn cho trẻ, còn phải có sự phối hợp từ nhiều phía, đặc biệt là phía gia đình. Không thể chờ khi có những vụ việc xảy ra mới lên án, tạo thành làn sóng phản ứng trong dư luận, mà phải chủ động phòng tránh ngay từ đầu. Bên cạnh đó, cũng phải có cơ chế chặt chẽ, hình thức xử phạt nghiêm khắc hơn mới góp phần ngăn chặn được tình trạng này.
Mới đây, Sở Giáo dục và Đào tạo đã có văn bản gửi các phòng giáo dục và đào tạo, đơn vị trực thuộc về việc tăng cường công tác bảo đảm an toàn cho HS. Theo đó, sở yêu cầu các trường tuyệt đối không cho phụ huynh, người lạ vào trường học, trừ trường hợp đến liên hệ công việc. Các trường phải có kế hoạch hỗ trợ phụ huynh đưa đón HS trước cổng trường, đặc biệt là đối với trẻ mầm non và tiểu học. Bên cạnh đó, các trường cần huy động cán bộ, giáo viên, nhân viên hỗ trợ đội ngũ bảo vệ quan sát, đảm bảo an toàn cho HS vào các giờ cao điểm như: lúc HS đến trường, giờ ra chơi, kể cả giờ tan học. Bởi ngay cả sau khi tan trường, nếu nhà trường, giáo viên và phụ huynh các lớp không có sự phối hợp chặt chẽ để quản lý, giám sát tốt thì trẻ sẽ không được đảm bảo an toàn.
Sở cũng đề nghị các trường lắp đặt hệ thống camera an ninh tại các vị trí trọng yếu. Bảo vệ phải túc trực, quan sát hệ thống camera an ninh 24/24 giờ, kịp thời báo cáo lãnh đạo nhà trường những trường hợp nghi vấn cần xử lý. Các đơn vị cần chủ động phối hợp với các tổ chức, chính quyền trong và ngoài nhà trường để tăng cường công tác bảo vệ trẻ, tăng cường truyền thông về đường dây tư vấn và hỗ trợ trẻ em 18001567 để mọi trẻ em, cá nhân, cơ quan, tổ chức liên hệ miễn phí khi có nhu cầu tìm kiếm thông tin, thông báo, tố giác nguy cơ, hành vi xâm hại trẻ. Các trường phải báo cáo cụ thể việc thực hiện công tác bảo vệ quyền trẻ em và phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em, tình hình hoạt động của tổ bảo vệ tại trường học, những khó khăn và kiến nghị, đề xuất...
H.NGÂN