Dinh dưỡng là yếu tố quan trọng quyết định sức khỏe, hoạt động thể chất, nhận thức, năng lượng hoạt động, chất lượng cuộc sống và ảnh hưởng đến tuổi thọ của mỗi người. Do đó, người dân cần quan tâm đến chế độ dinh dưỡng, nhất là dinh dưỡng cho người cao tuổi để đảm bảo sức khỏe và kéo dài tuổi thọ.
Một bệnh nhân ăn kém, ăn không đủ thành phần kéo dài sẽ gây rối loạn điện giải, thiếu protein, hạ đường huyết và thiếu máu. Dinh dưỡng tốt góp phần ngăn ngừa một số bệnh như loãng xương, tăng huyết áp, bệnh tim mạch do xơ vữa, đái tháo đường tuýp 2 và một số bệnh ung thư. Các chất dinh dưỡng gồm carbohydrate, chất béo, protein, vitamin, khoáng chất và nước. Khi già đi, con người có thể ăn ít calo, nhưng vẫn phải đảm bảo đủ số lượng và thành phần chất dinh dưỡng.
Ở người cao tuổi thường có nhiều bệnh đi kèm, giảm khả năng ăn uống và sụt cân. Có 2 loại rối loạn dinh dưỡng thường gặp ở người cao tuổi là suy dinh dưỡng và béo phì. Suy dinh dưỡng do chế độ ăn uống thiếu một hoặc nhiều chất dinh dưỡng cần thiết. Suy dinh dưỡng thiếu vi chất và protein năng lượng là hai trong số những dạng suy dinh dưỡng phổ biến nhất, thường gặp ở những bệnh nhân bị bệnh mạn tính, bệnh nhân nằm viện hay ở viện dưỡng lão. Thường người cao tuổi cảm giác ít đói hơn, cảm giác còn no trước các bữa ăn nên họ thường chia thành nhiều bữa nhỏ và ăn chậm hơn. Theo các chuyên gia, một số yếu tố góp phần gây rối loạn dinh dưỡng ở người cao tuổi là chế độ ăn uống ít đa dạng; giảm tiêu hao năng lượng dẫn đến giảm nhập thêm năng lượng.
Giảm cảm giác thèm ăn và giảm năng lượng hấp thu do sinh lý liên quan đến tuổi tác được gọi là “chán ăn do lão học”. Có người tổng năng lượng ăn vào giảm hơn nhiều so với tổng năng lượng tiêu hao nên cân nặng ngày càng giảm đi. Chán ăn do lão hóa về sinh lý là những thay đổi liên quan đến vị giác và khứu giác; thay đổi hormone ở đường tiêu hóa, chậm làm rỗng dạ dày. Những bệnh gây ra chán ăn liên quan đến trầm cảm, sa sút trí tuệ, lo âu, căng thẳng, rối loạn tâm thần, rối loạn hành vi; các bệnh kèm theo ở đường tiêu hóa, hội chứng kém hấp thu, bệnh cường giáp, nhiễm trùng cấp và mạn tính, các bệnh tim mạch, hô hấp, thận, ung thư.
Nguyên nhân gây ra suy dinh dưỡng ở người cao tuổi rất đa dạng, như: Sa sút trí tuệ, khó khăn cho việc tự ăn, người bị suy giảm vị giác (làm giảm ngon miệng và chất lượng ăn uống); những người bị tiêu chảy mạn tính, kéo dài hơn 4 tuần do dùng thuốc gây rối loạn thẩm thấu; tình trạng viêm nhiễm, kém hấp thu, rối loạn vận động đường tiêu hóa, nhiễm trùng mạn tính; bất kỳ bệnh mạn tính nào như tim mạch, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, di chứng đột quỵ cũng có thể gây suy dinh dưỡng. Ngoài ra, khi người bệnh có nhiều bệnh lý dẫn đến phải sử dụng nhiều loại thuốc, các tác dụng phụ của thuốc có thể gây ra giảm cảm giác thèm ăn, giảm hấp thu chất dinh dưỡng dẫn đến tình trạng dinh dưỡng kém. Ngoài ra, cần chú ý người cao tuổi đang sử dụng các loại thuốc có liên quan đến chứng chán ăn, bị mất răng, răng giả không phù hợp, rối loạn nuốt, chế độ ăn ít chất béo. Đối với yếu tố xã hội, liên quan đến tình trạng kinh tế, thu nhập thấp, sống cô đơn thiếu người chăm sóc và chuẩn bị bữa ăn.
Các chuyên gia dinh dưỡng lưu ý, phòng ngừa suy dinh dưỡng dễ dàng hơn so với điều trị suy dinh dưỡng. Do đó, chế độ ăn cần bổ sung theo nhu cầu và đa dạng; ăn càng nhiều rau, củ, quả càng tốt; ăn nhiều loại trái cây đủ màu, ăn nhiều loại ngũ cốc nguyên hạt đa dạng (như bánh mì ngũ cốc, mì ống ngũ cốc, gạo lứt), hạn chế ngũ cốc tinh chế (như gạo trắng, bánh mì trắng). Chế độ ăn nên chọn cá, thịt gia cầm, đậu và hạt; hạn chế thịt đỏ và phomat, tránh thịt nguội, các loại thịt đã chế biến khác. Về đồ uống, nên uống trà, cà phê ít đường hoặc không đường; hạn chế sản phẩm từ sữa, bơ và nước trái cây; tránh uống các loại nước có đường, chất béo; cần bổ sung đủ các vi chất.
Hồng Hoa
(Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Khánh Hòa)