Đến thủ phủ bưởi da xanh Khánh Vĩnh, chúng tôi nhận thấy các vườn bưởi ngày càng được chăm sóc bài bản, canh tác với quy mô lớn hơn, chất lượng được nâng lên. Với nhãn hiệu tập thể “Bưởi da xanh Khánh Vĩnh” được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) chứng nhận, quả bưởi đã mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn cho nông dân miền núi.
Hiệu quả từ thương hiệu
Trong bối cảnh hội nhập quốc tế và toàn cầu hóa hiện nay, tài sản trí tuệ trở thành công cụ quan trọng không chỉ giúp nâng cao năng lực cạnh tranh sản phẩm hàng hóa mà còn tạo môi trường khuyến khích đổi mới sáng tạo, thúc đẩy phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội. Từ kết quả triển khai Chương trình phát triển tài sản trí tuệ do Sở Khoa học và Công nghệ chủ trì, tổ chức thực hiện, thương hiệu “Bưởi da xanh Khánh Vĩnh” là một trong số 9 sản phẩm đặc trưng của địa phương có sử dụng tên địa danh của tỉnh đã được xây dựng và đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ dưới hình thức nhãn hiệu tập thể và đơn vị được UBND tỉnh giao đứng tên đăng ký chủ sở hữu, quản lý nhãn hiệu là Hội Nông dân huyện Khánh Vĩnh. Mô hình quản lý thương hiệu “Bưởi da xanh Khánh Vĩnh” là một trong những mô hình đang được triển khai mang lại hiệu quả cho địa phương.
Đến vườn bưởi VietGAP của ông Đặng Thái Luyện (xã Khánh Phú), chúng tôi chứng kiến hơn 2.400 gốc bưởi 7 năm tuổi (6ha) của gia đình ông đang ở độ sung sức. Thời tiết thuận lợi, cây cho trái đều, cộng với việc canh tác theo mô hình VietGAP nên bưởi da xanh của ông được nhiều người biết đến. Đây còn là địa chỉ cho nhiều đoàn tham quan, học tập mô hình sản xuất. Ông Luyện cho biết, nhờ sản xuất theo hướng VietGAP, cùng với việc sử dụng nhãn hiệu tập thể “Bưởi da xanh Khánh Vĩnh” nên khi nông sản đến tay người tiêu dùng, các siêu thị, hay các điểm tiêu thụ trực tiếp đều có đầy đủ thông tin và truy xuất được nguồn gốc; từ đó được tin tưởng về chất lượng, độ an toàn của sản phẩm, việc tiêu thụ dễ dàng hơn và giá thành cũng cao hơn các loại bưởi trồng theo cách truyền thống. Ông Đỗ Việt Cường, chủ vườn bưởi VietGAP với diện tích 18ha tại xã Khánh Hiệp cho biết, ông chọn trồng bưởi da xanh làm cây trồng chính một phần vì hợp khí hậu, thổ nhưỡng; một phần khác vì quả bưởi da xanh là sản phẩm đặc trưng của địa phương đã được xây dựng, bảo hộ, quảng bá thương hiệu “Bưởi da xanh Khánh Vĩnh”.
Để trái bưởi vươn xa
Hiện nay, diện tích trồng bưởi da xanh toàn huyện Khánh Vĩnh đạt khoảng 600ha, năng suất bình quân khoảng 8 tấn/ha. Mỗi năm địa phương cung cấp ra thị trường khoảng 2.400 tấn bưởi da xanh tươi. Ông Lương Nguyễn Nhật Trường - Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Khánh Vĩnh cho biết, sau khi được cấp chứng nhận đăng ký nhãn hiệu tập thể “Bưởi da xanh Khánh Vĩnh”, từ năm 2019 đến nay, bưởi da xanh tăng về cả về diện tích trồng lẫn năng suất, được thị trường trong và ngoài tỉnh biết đến nhiều hơn. Việc tiêu thụ, quảng bá cũng thuận lợi hơn nhiều. Từ đó, đã tạo động lực cho các hộ dân chuyển đổi từ mô hình trồng truyền thống sang hướng VietGAP để tiếp tục nâng cao chất lượng và được cấp quyền sử dụng nhãn hiệu tập thể “Bưởi da xanh Khánh Vĩnh”. Đến nay, huyện có khoảng 141ha bưởi canh tác theo hướng VietGAP ở các xã: Khánh Phú, Khánh Đông, Khánh Hiệp... đã được cấp quyền sử dụng nhãn hiệu tập thể bưởi da xanh Khánh Vĩnh.
Để giữ vững thương hiệu “Bưởi da xanh Khánh Vĩnh”, thời gian qua, huyện đã thực hiện nhiều giải pháp, như: Tổ chức quảng bá thương hiệu, phát triển thị trường và giới thiệu các doanh nghiệp liên kết tiêu thụ sản phẩm tham gia trong chuỗi liên kết sản xuất; hỗ trợ các hợp tác xã, tổ hợp tác trên địa bàn trong việc duy trì chứng nhận VietGAP... Bên cạnh đó, địa phương đang tiến hành các thủ tục để được cấp mã số vùng trồng cho cây bưởi da xanh. Từ đó, có đủ cơ sở để kết nối, định hướng xuất khẩu bưởi da xanh ra nước ngoài.
Đối với người trồng, để phát triển thương hiệu “Bưởi da xanh Khánh Vĩnh” và các nông sản khác của địa phương, nông dân mong muốn lớn nhất là kết nối sản xuất, tiêu thụ để đầu ra ổn định. Ông Nguyễn Xuân Long - thành viên Hợp tác xã Cây ăn quả Khánh Đông nói: “Khi sử dụng nhãn hiệu tập thể Bưởi da xanh Khánh Vĩnh, đồng nghĩa với các hộ sản xuất phải có trách nhiệm với sản phẩm của mình và của địa phương”. Tuy nhiên, để duy trì việc đó, đầu ra của quả bưởi phải đảm bảo ổn định, lâu dài. Nhưng hiện nay, đa phần các vườn đều bán qua các thương lái, bị làm giá thấp và việc quảng bá thương hiệu thông qua kênh tiêu thụ này không hiệu quả. Nông dân rất cần hỗ trợ tích cực hơn về tìm đầu ra cho sản phẩm”.
Còn theo ông Đặng Thái Luyện, để thương hiệu “Bưởi da xanh Khánh Vĩnh” vươn xa hơn nữa, địa phương cần có những hỗ trợ cụ thể cho các hộ sản xuất có sử dụng nhãn hiệu, đặc biệt là với các sản phẩm đã đạt chứng nhận OCOP (Chương trình mỗi xã một sản phẩm). “Với các sản phẩm đã đạt chứng nhận OCOP, tỉnh, huyện có thể hỗ trợ thêm bằng cách tổ chức các khu vực, gian hàng mua bán sản phẩm OCOP cố định. Bên cạnh lợi ích là đưa trực tiếp sản phẩm tới tay người dùng với giá hợp lý, rẻ hơn so với qua thương lái, đây cũng là kênh quảng bá thương hiệu “Bưởi da xanh Khánh Vĩnh” đến người dân trong tỉnh và du khách đến Khánh Hòa” và tiếp tục nâng cao hiệu quả sử dụng và khai thác thương hiệu “Bưởi da xanh Khánh Vĩnh” - ông Luyện nói.
Trong thời gian tới, thực hiện Chương trình phát triển tài sản trí tuệ của tỉnh Khánh Hòa giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến 2030, Phòng Quản lý Chuyên ngành - Sở Khoa học và Công nghệ sẽ tiếp tục quan tâm hỗ trợ Hội Nông huyện Khánh Vĩnh triển khai rộng rãi hoạt động quản lý và cấp quyền sử dụng nhãn hiệu, các hoạt động tuyên truyền, quảng bá hình ảnh nhận diện thương hiệu sản phẩm “Bưởi da xanh Khánh Vĩnh” nhằm nâng cao hiệu quả quản lý, khai thác, phát triển nhãn hiệu tập thể “Bưởi da xanh Khánh Vĩnh” và có các hoạt động thúc đẩy việc nghiên cứu, đầu tư phát triển các sản phẩm có giá trị gia tăng được chế biến từ quả bưởi da xanh được trồng tại Khánh Vĩnh.
Bà Đặng Thị Thanh Sương - Phó Chủ tịch Hội Nông dân huyện Khánh Vĩnh: Là đơn vị đứng tên chủ sở hữu nhãn hiệu tập thể “Bưởi da xanh Khánh Vĩnh”, thời gian qua, Hội Nông dân huyện đã tích cực tuyên truyền đến nông dân những lợi ích khi bưởi da xanh sử dụng nhãn hiệu này và lồng ghép tuyên truyền vào các lớp tập huấn kỹ thuật trồng trọt. Trên thực tế, với các hộ sản xuất bưởi theo hướng VietGAP và được cấp quyền sử dụng nhãn hiệu tập thể bưởi da xanh Khánh Vĩnh thì việc tiêu thụ và giá thành đảm bảo ổn định hơn so với thông thường. Thời gian tới, Hội Nông dân huyện sẽ tiếp tục hỗ trợ nông dân, tận dụng các chính sách hỗ trợ từ công tác chuyển đổi cây trồng của huyện để định hướng người dân sản xuất theo hướng VietGAP, đủ điều kiện được cấp quyền sử dụng nhãn hiệu. Đồng thời, định hướng hỗ trợ phát triển nông nghiệp xanh đối với các vườn bưởi có sử dụng nhãn hiệu. Từ đó, từng bước nâng cao giá trị quả bưởi da xanh của địa phương. |
VĨNH THÀNH