Những năm qua, công tác chống khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (chống khai thác IUU) đã được tỉnh Khánh Hòa triển khai quyết liệt, đạt nhiều kết quả quan trọng, góp phần vào nỗ lực chung của cả nước trong việc tháo gỡ cảnh báo “thẻ vàng” của Ủy ban Châu Âu (EC) đối với thủy sản xuất khẩu của Việt Nam.
Những kết quả tích cực
Sau hơn 5 năm cảnh báo “thẻ vàng” đối với thủy sản xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường châu Âu, trong tháng 10 vừa qua, đoàn thanh tra của EC đã đến kiểm tra việc thực hiện các khuyến nghị của EC đối với chống khai thác IUU của Việt Nam. Đoàn đã trực tiếp thanh tra tại các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp trong tỉnh. Nội dung thanh tra chủ yếu xung quanh việc thực thi 4 nhóm khuyến nghị được EC đưa ra vào lần thanh tra thứ 2 năm 2019, gồm: Khung pháp lý; theo dõi, kiểm tra, kiểm soát hoạt động tàu cá, quản lý đội tàu; chứng nhận sản lượng và truy xuất nguồn gốc thủy sản từ khai thác; thực thi pháp luật.
Các khuyến nghị của EC về chống khai thác IUU đã được luật hóa trong Luật Thủy sản năm 2017 và được tỉnh triển khai đồng bộ, liên tục đến các cấp, ngành, từ đó tạo nên những chuyển biến rõ nét, nhất là trong nhận thức của cộng đồng ngư dân về thực hiện nghiêm các quy định của luật. Về công tác quản lý tàu cá, đến nay, việc đăng ký tàu cá hoạt động trên địa bàn tỉnh đã thực hiện đạt 100%, với 3.195 tàu; các cơ quan chức năng đã tiến hành cấp phép khai thác thủy sản cho 3.180/3.195 tàu (đạt 99,53%); có 676/687 tàu cá có chiều dài từ 15m trở lên đã lắp thiết bị giám sát hành trình (đạt 98,39%); dữ liệu tàu cá được cập nhật đầy đủ trên phần mềm Vnfishbase; hồ sơ được lưu trữ tại Chi cục Thủy sản theo quy định. Các lực lượng chức năng kiên quyết không cho tàu cá xuất bến đi khai thác khi chưa đủ điều kiện theo quy định; Trung tâm Giám sát tàu cá Chi cục Thủy sản, Văn phòng đại diện thanh tra kiểm soát nghề cá tổ chức giám sát hoạt động khai thác tàu cá trên biển 24/24 giờ. Việc chứng nhận sản lượng và truy xuất nguồn gốc thủy sản từ khai thác đã được cơ quan quản lý nhà nước, các doanh nghiệp thực hiện đầy đủ theo quy định; đảm bảo truy xuất nguồn gốc theo chuỗi. 10 tháng năm 2022, các cơ quan chức năng đã thực hiện xác nhận nguyên liệu thủy sản 112 lô hàng, với 3.005 tấn hải sản; cấp chứng nhận thủy sản khai thác cho 104 lô hàng, với 1.290 tấn hải sản; hồ sơ xác nhận, chứng nhận nguồn gốc nguyên liệu thủy sản được lưu trữ đầy đủ, có hệ thống. Đối với thực thi pháp luật, từ đầu năm đến nay, lực lượng thanh tra chuyên ngành thủy sản tại địa phương đã thực hiện 422 đợt tuần tra trên các vùng biển của tỉnh; kiểm tra hành chính 559 phương tiện; tạm giữ 20 tang vật, tịch thu 18 súng điện; xử phạt 67 trường hợp vi phạm với số tiền 673 triệu đồng…
Theo ông Nguyễn Trọng Chánh - Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh, việc đoàn thanh tra EC đến thanh tra việc thực thi cảnh báo “thẻ vàng” là cơ hội để Khánh Hòa nói riêng và cả nước nói chung khẳng định việc thực hiện mạnh mẽ những cam kết về chống khai thác IUU, phát triển ngành khai thác thủy sản bền vững, có trách nhiệm, hội nhập với nghề cá quốc tế.
Tiếp tục chống khai thác IUU
Theo ông Nguyễn Quang Hùng - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản, không riêng thị trường châu Âu, quy định chống khai thác IUU đang dần trở thành yêu cầu tất yếu của nhiều thị trường lớn khác như: Mỹ, Nhật… Điều này đặt ra thách thức cho các doanh nghiệp khi sử dụng nguồn nguyên liệu đánh bắt có chứng nhận. Vì vậy, cần phải có sự phối hợp, kiểm soát khai thác IUU nhịp nhàng giữa ngư dân - cơ sở thu mua - doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu và cơ quan chức năng. Để quản lý hoạt động khai thác và bảo vệ nguồn lợi hải sản, các hệ sinh thái biển, phát triển nghề cá Việt Nam theo hướng bền vững, có trách nhiệm, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1077 ngày 14-9-2022 phê duyệt Đề án “Phòng, chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định đến năm 2025”. Đề án có 8 nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm nhằm triển khai đồng bộ, hiệu quả các quy định của Luật Thủy sản.
Thời gian tới, ngành Thủy sản tỉnh xác định sẽ tiếp tục tập trung phổ biến, tuyên truyền để nâng cao nhận thức về chống khai thác IUU đến các chủ tàu, thuyền trưởng và doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản trên địa bàn tỉnh; đề xuất Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND tỉnh tập trung nguồn lực đầu tư, nâng cấp cơ sở hạ tầng phục vụ phát triển nghề cá trên địa bàn; sớm triển khai thành lập lực lượng kiểm ngư theo Luật Thủy sản; kiên quyết xử lý với mức cao nhất đối với các hành vi vi phạm về chống khai thác IUU tại địa phương. Bên cạnh đó, nâng cao năng lực cán bộ thực thi nhiệm vụ chống khai thác tại cảng cá, văn phòng đại diện thanh tra, kiểm soát nghề cá và cán bộ thực hiện công tác xác nhận, chứng nhận thủy sản khai thác; nâng cao hiệu quả công tác phối hợp giữa các lực lượng thực thi pháp luật có liên quan trong thực hiện các nhiệm vụ chống khai thác IUU, nhất là xử lý các trường hợp vi phạm vượt ranh giới vùng biển Việt Nam, ngắt kết nối thiết bị VMS trên biển…
HẢI LĂNG