Phản biện đồ án điều chỉnh quy hoạch chung TP. Nha Trang

Thứ hai - 18/10/2021 10:30
Ngày 18-10, Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Khánh Hòa tổ chức hội thảo phản biện Đồ án
Phản biện đồ án điều chỉnh quy hoạch chung TP. Nha Trang

Ngày 18-10, Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Khánh Hòa tổ chức hội thảo phản biện Đồ án “Điều chỉnh Quy hoạch chung TP. Nha Trang đến năm 2040”. Các ông: Nguyễn Hải Ninh - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy; Hồ Văn Mừng - Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy Nha Trang tham dự hội thảo.


Tư vấn đánh giá hiện trạng còn chung chung


Theo Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh, thuyết minh Đồ án “Điều chỉnh Quy hoạch chung TP. Nha Trang đến năm 2040” đánh giá hiện trạng TP. Nha Trang chưa cụ thể thực trạng, còn chung chung. Vì vậy, cần phải chỉnh sửa, bổ sung đúng thực trạng hiện có. Cụ thể, theo thống kê của đồ án, có gần 60% dự án tại khu vực các núi quanh TP. Nha Trang là không phù hợp hoặc chỉ phù hợp một phần so với quy hoạch và giấy phép xây dựng. Chính vì vậy, thời gian qua (đặc biệt vào các năm 2017 - 2018), tại hầu hết các khu vực này đã xảy ra hiện tượng sạt lở đất, lũ quét rất nghiêm trọng, ảnh hưởng không chỉ đến tài sản và tính mạng của người dân mà nhiều tài sản và các công trình công cộng bị phá hủy. Đây là hậu quả của việc xây dựng không phép, cấp phép xây dựng nhưng thiếu sự quản lý, giám sát, kiểm tra của các cơ quan chức năng. Tuy nhiên, khu vực thường sạt lở chưa được thể hiện trong đồ án. Vì vậy, đơn vị tư vấn cần bổ sung đánh giá cụ thể các điểm, khu vực đã, đang hay tương lai sẽ bị sạt lở để có định hướng đề xuất xây dựng phát triển phù hợp.

 

Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Hải Ninh lắng nghe các chuyên gia trình bày phản biện về điều chỉnh quy hoạch chung TP. Nha Trang.

Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Hải Ninh lắng nghe các chuyên gia trình bày phản biện về điều chỉnh quy hoạch chung TP. Nha Trang.


Ngoài ra, đồ án thể hiện không đúng hiện trạng phân bố các hệ sinh thái vịnh Nha Trang. Thực tế không có rạn san hô sống và thảm cỏ biển tại các khu vực ven biển Vĩnh Hòa, bãi Đồng Đế, Sông Lô, khu vực phía tây - nam đảo Trí Nguyên, nam đảo Hòn Tằm hay nhiều khu vực xung quanh đảo Hòn Tre…; còn rừng ngập mặn hiện nay chỉ còn ở khu vực Bích Đầm và một ít ở khu vực Đầm Bấy. Ông Huỳnh Hòa - Chủ tịch Hội Cầu đường tỉnh cho rằng, hiện trạng và quá trình phát triển TP. Nha Trang thực hiện Quyết định năm 2012 của Thủ tướng Chính phủ chưa được đơn vị tư vấn đánh giá chính xác và đầy đủ trong đồ án điều chỉnh. “Phải đánh giá được đồ án cũ đã làm được gì, không làm được gì thì mới xác định được nội dung cần điều chỉnh và định hướng phát triển trong tương lai”, ông Hòa nhấn mạnh.


Xem xét lại nội dung lấn biển


Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh cho rằng, đồ án điều chỉnh đã đề xuất bố trí chuỗi công trình điểm nhấn dọc theo toàn bộ tuyến đường Trần Phú - Phạm Văn Đồng quá nhiều, tạo sự dàn trải, không còn tính chất điểm nhấn. Việc lấn biển Nha Trang và bãi biển Đồng Đế để làm bãi tắm và phát triển kinh tế là không hợp lý, vì lấn biển sẽ làm thay đổi cảnh quan và hệ sinh thái. Phương án quy hoạch đề xuất xây dựng trung tâm văn hóa, sự kiện, nhà hát đa chức năng, khu chợ đêm của thành phố tại khu lấn biển phía nam cầu Trần Phú là không phù hợp, bởi điều kiện tự nhiên khu vực có dòng chảy của dòng hải lưu và dòng chảy cửa sông Cái rất phức tạp; nếu công trình xây dựng tại đây sẽ ảnh hưởng đến cảnh quan và dòng chảy.


Theo ông Bùi Mau - Chủ tịch Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh, tài liệu của tư vấn đánh giá hiện trạng chưa đúng mức, chưa sâu, chưa có tư liệu cụ thể để làm cơ sở phân tích. Vì vậy, chủ đầu tư và đơn vị tư vấn cần bám sát các quyết định của Thủ tướng Chính phủ để xây dựng Đồ án “Điều chỉnh Quy hoạch chung TP. Nha Trang đến năm 2040”. Bên cạnh đó, cần xác định rõ quy mô sử dụng đất của các công trình điểm nhấn cho từng khu vực; xác định mật độ xây dựng để dành đất cho cây xanh và tạo thông thoáng cho đô thị; đồng thời nghiên cứu điều chỉnh hệ thống giao thông chính của thành phố cả đường bộ, đường biển, đường sông ổn định, để nó trở thành cốt lõi cứng của thành phố.

 

Kiến trúc sư Trần Đức Phi - Phó Chủ tịch Hội Kiến trúc sư tỉnh: Để nâng cao giá trị bản sắc đô thị Nha Trang, quy hoạch cần hướng đến cách tiếp cận mới. Đó là phát triển đa cực với nhiều nút nén được tích hợp hiệu quả với mạng lưới giao thông và các điểm trung chuyển kết nối thành phố. Dựa trên các đặc điểm tự nhiên và tài nguyên thiên nhiên, thành phố được cấu trúc thành 3 vùng đô thị đặc trưng: Vùng ven mặt nước, vùng lõi xanh và vùng sườn đồi; xác lập “vùng sinh thái” là yếu tố quyết định chính cho ranh giới đô thị hóa, ranh giới phân khu. Việc chia làm 14 phân khu như đơn vị tư vấn đề xuất chưa thật sự thuyết phục.

 


NHẬT THANH


 

Tiêu điểm
Tin mới
Nhà đất
Xã hội
Tổng hợp