Phá rừng để lấy đất sản xuất

Thứ hai - 01/04/2019 12:52
Lực lượng Kiểm lâm huyện Khánh Sơn đang phối hợp với các cơ quan chức năng của huyện điều tra, xác minh vụ việc phá rừng phòng hộ diễn ra tại các tiểu khu 264 và 266 (xã Sơn Lâm) thuộc lâm phận Ban Quản lý Rừng phòng hộ Khánh Sơn từ cuối tháng 2. Báo Khánh Hòa điện tử, Cơ quan của Đảng Bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Khánh Hòa
Phá rừng để lấy đất sản xuất

Lực lượng Kiểm lâm huyện Khánh Sơn (Khánh Hòa) đang phối hợp với các cơ quan chức năng của huyện điều tra, xác minh vụ việc phá rừng phòng hộ diễn ra tại các tiểu khu 264 và 266 (xã Sơn Lâm) thuộc lâm phận Ban Quản lý Rừng phòng hộ Khánh Sơn từ cuối tháng 2.


Rừng phòng hộ bị cắt trắng


Cùng lực lượng của Trạm Kiểm lâm Sơn Lâm có mặt tại hiện trường vụ phá rừng phòng hộ đầu nguồn thôn Ko Róa, chúng tôi thấy một mảng rừng lớn trên núi Dốc Quy (tiểu khu 264) đã bị chặt trắng, rất nhiều cây lớn, nhỏ bị đốt cháy nham nhở. Tại khu vực đồi Sa Mông (tiểu khu 266), một khoảng rừng phòng hộ có diện tích khá lớn cũng đã bị chặt hạ. Một cán bộ Trạm Kiểm lâm Sơn Lâm cho hay: Ngày 28-3, kiểm lâm Khánh Sơn đã phối hợp với Công an, Viện Kiểm sát huyện tiến hành khám nghiệm hiện trường vụ phá rừng này để phục vụ công tác điều tra. Khi lực lượng chức năng đến, hiện trường gần như còn nguyên vẹn, nhưng từ trưa 29-3, khu vực Dốc Quy đã bị đốt sạch, phía đồi Sa Mông chưa bị đốt.

 

Một phần diện tích rừng phòng hộ tại tiểu khu 264 đã bị chặt, đốt nham nhở.

Một phần diện tích rừng phòng hộ tại tiểu khu 264 đã bị chặt, đốt nham nhở.


Theo thông tin chúng tôi nắm được, tại khoảnh 5 tiểu khu 264 có 3 hộ phá rừng, với khoảng 2,8ha. Cụ thể, trường hợp bà Cao Thị Mai chặt phá hơn 1ha; bà Cao Thị Tịu chặt phá hơn 0,7ha và bà Tro Thị Lệ chặt phá hơn 1,1ha (cả 3 cùng trú thôn Kô Róa). Trong khi đó, ông Tro Văn Trùng ở thôn Du Oai chặt phá tại khoảnh 2, 3 tiểu khu 266 khoảng 1ha. Các khu vực rừng bị chặt phá đều có chức năng phòng hộ đầu nguồn, thuộc loại rừng gỗ tự nhiên núi đất phục hồi.


Theo biên bản làm việc với Trạm Quản lý bảo vệ rừng Thành Sơn (Ban Quản lý rừng phòng hộ Khánh Sơn), các hộ nêu trên đều thừa nhận hành vi phá rừng phòng hộ và không biết đây là hành vi vi phạm pháp luật. Lý do được người dân đưa ra là không có đất để sản xuất nên họ phát rừng để làm rẫy. Theo một người dân đề nghị giấu tên ở thôn Ko Róa, thực tế trong 4 hộ này, có hộ có một ít đất canh tác ở gần làng, từ khi rộ lên tình trạng người dân từ địa phương khác đến Sơn Lâm tìm mua đất lập vườn với giá cao, các hộ đã bán hết đất ở, sau đó tìm đến những khu vực cao hơn để phát rừng làm rẫy. Tuy nhiên, bà Trần Thị Thuận - Phó Chủ tịch UBND xã Sơn Lâm cho biết: “Các hộ này đều mới tách hộ, đời sống kinh tế hết sức khó khăn, thiếu đất sản xuất nên đã phát rừng, lấn chiếm đất trong lâm phận của Ban Quản lý rừng phòng hộ Khánh Sơn để lấy đất sản xuất”.


Đang tiến hành điều tra


Ông Nguyễn Thanh Tùng - Giám đốc Ban Quản lý rừng phòng hộ Khánh Sơn cho biết: “Vụ việc các hộ dân xã Sơn Lâm phá rừng phòng hộ đầu nguồn thuộc lâm phận của đơn vị đã được lực lượng bảo vệ rừng chuyên trách của ban phối hợp với lực lượng kiểm lâm, xã Sơn Lâm phát hiện từ cuối tháng 2. Chúng tôi đã lập hồ sơ vụ việc gửi Hạt Kiểm lâm Khánh Sơn để xử lý theo quy định của pháp luật. Điều đáng ngại, hiện nay là vào mùa phát dọn nương rẫy của các hộ, tại khu vực Ko Róa thường diễn ra tình trạng người dân lấn chiếm đất rừng để canh tác, việc ngăn chặn hết sức khó khăn. Ban đã chỉ đạo Trạm Quản lý bảo vệ rừng Thành Sơn bám sát địa bàn này để phát hiện, ngăn chặn kịp thời các trường hợp tương tự”.


Ông Bùi Đức Luyến - Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Khánh Sơn cho biết: “Đối với vụ việc này, Hạt Kiểm lâm Khánh Sơn đang tiếp tục phối hợp với Công an huyện, chính quyền cơ sở, chủ rừng để xác minh, báo cáo Viện Kiểm sát để giám sát theo tin báo tố giác tội phạm. Mới đây, các cơ quan chức năng đã đến khu vực rừng bị phá để khám nghiệm hiện trường. Quá trình điều tra nếu đủ yếu tố sẽ tiến hành khởi tố vụ án hủy hoại rừng tại tiểu khu 264 và 266”.


Theo quan sát của chúng tôi, hiện nay, khu vực rừng tự nhiên tại tiểu khu 264 tiếp giáp với khu vực bị phát, đốt đang có hiện tượng người dân rong cây, chuẩn bị chặt phá tiếp. Do đó, khi vụ việc phá rừng phòng hộ tại đây đang được điều tra xác minh thì chủ rừng, lực lượng chức năng cần thường xuyên tuần tra để bảo vệ hiện trường, ngăn chặn có hiệu quả tình trạng người dân tiếp tục phá rừng để lấy đất sản xuất.


HẢI LĂNG
 

Tiêu điểm
Tin mới
Nhà đất
Xã hội
Tổng hợp