Nghề nuôi tôm hùm trên vịnh Cam Ranh giúp nhiều gia đình khấm khá. Vì thế, người dân đổ xô đặt lồng nuôi trên vịnh. Số lồng nuôi tăng quá nhanh đã tiềm ẩn những nguy cơ về ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng giao thông đường thủy và gây khó khăn cho công tác quản lý nhà nước.
Đổ xô đặt lồng nuôi…
Những ngày qua, ông Nguyễn Văn Định (trú phường Cam Linh, TP. Cam Ranh) cùng một số người dân tập trung để đan lưới lồng nuôi tôm hùm. Theo ông Định, thợ đan lưới được chủ trả công 750.000 đồng/lồng; mỗi ngày làm liên tục 10 giờ, nhóm thợ của ông đan được 9 - 10 lồng. Ông Hoàng Văn Sáu, một thợ đan lưới trong nhóm cho biết: “Từ đầu năm đến nay, nhiều người trúng tôm hùm nên họ tiếp tục đầu tư vào nghề nuôi tôm hùm trên vịnh Cam Ranh. Chúng tôi phải làm liên tục vẫn chưa đáp ứng đủ nhu cầu của người nuôi tôm hùm”.
Trao đổi với phóng viên, ông Lê Xuân Hoàng - Chủ tịch Hội Nông dân TP. Cam Ranh thông tin, những tháng gần đây giá tôm hùm xanh tăng mạnh, có thời điểm lên đến 1,2 triệu đồng/ kg. Hiện nay, giá tôm hùm xanh vẫn dao động ở mức 950.000 đồng đến 1 triệu đồng/kg. So với cùng kỳ năm ngoái, giá tôm hùm xanh đã tăng gấp đôi nên người nuôi tiếp tục mở rộng số lồng nuôi tôm trên vịnh Cam Ranh. Đến nay, chỉ tính riêng số lồng nuôi tôm hùm đã có khoảng 40.000 lồng.
Và những hệ lụy
Do số lồng nuôi tôm hùm tăng nhanh, không theo quy hoạch khiến tàu thuyền di chuyển trong vịnh gặp nhiều khó khăn. Ngoài ảnh hưởng đến an toàn giao thông đường thủy trên vịnh Cam Ranh, việc nuôi tôm hùm ồ ạt dẫn đến nguy cơ làm ô nhiễm môi trường nước từ thức ăn nuôi tôm dư thừa và chất thải, nguy cơ xảy ra dịch bệnh trên đối tượng nuôi.
Trong khi đó, theo ông Lê Minh Hải - Trưởng phòng Kinh tế TP. Cam Ranh, giữa tháng 5-2021, UBND TP. Cam Ranh ban hành kế hoạch quản lý hoạt động nuôi trồng thủy sản vùng mặt nước vịnh Cam Ranh. Kế hoạch quy định rõ, giữ nguyên vị trí các lồng bè nuôi trồng thủy sản hiện có, không cơi nới, không phát triển mới; không đặt lồng bè trong phạm vi luồng hàng hải, trong vùng nước cấm do Vùng 4 Hải quân quản lý. UBND TP. Cam Ranh giao UBND các xã, phường quản lý chặt chẽ lồng bè nuôi trồng thủy sản, không để phát sinh mới số lượng lồng bè, diện tích nuôi trồng thủy sản tự phát. Đồng thời, các địa phương xử lý hoặc trình cấp có thẩm quyền xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật đối với trường hợp phát triển mới lồng bè nuôi trồng thủy sản. Tuy vậy, các lồng tôm hùm chìm dưới biển, dẫn tới khó kiểm tra, xử lý.
Thành Long