Nước sạch nông thôn: Còn nhiều khó khăn

Chủ nhật - 07/04/2019 13:53
Hiện nay, hơn 5% dân số trong tỉnh còn thiếu nước, chất lượng nước sạch quy chuẩn mới đạt 40%. Tuy các cấp, ngành đã có nhiều nỗ lực nhưng việc cấp nước sinh hoạt nông thôn vẫn còn nhiều khó khăn. Báo Khánh Hòa điện tử, Cơ quan của Đảng Bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Khánh Hòa
Nước sạch nông thôn: Còn nhiều khó khăn

Hiện nay, hơn 5% dân số trong tỉnh còn thiếu nước, chất lượng nước sạch quy chuẩn mới đạt 40%. Tuy các cấp, ngành đã có nhiều nỗ lực nhưng việc cấp nước sinh hoạt nông thôn vẫn còn nhiều khó khăn.


Nỗ lực cung cấp


Theo lãnh đạo Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn (NS-VSMTNT), hiện nay, tỷ lệ dân số nông thôn trong tỉnh sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh đạt 94,5%, trong đó nước sạch đạt quy chuẩn quốc gia là 40%. Thời gian qua, tỉnh đã có nhiều nỗ lực đầu tư xây dựng các công trình nước sạch phục vụ nông thôn, miền núi, từng bước hình thành nếp sống văn minh, hợp vệ sinh trong sinh hoạt hàng ngày của người dân, góp phần đạt chỉ tiêu nước sạch trong Chương trình xây dựng nông thôn mới.

 

Công trình nước sạch Lộc - Bình - Hòa, huyện Diên Khánh.

Công trình nước sạch Lộc - Bình - Hòa, huyện Diên Khánh.

 
Hiện nay, toàn tỉnh có 75 công trình cấp nước tập trung tại nông thôn, miền núi, trong đó có 2 công trình không hoạt động. Bên cạnh đó, một số xã vùng ven các đô thị hay các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh được hưởng nguồn nước sạch từ các công ty cấp nước. Những năm gần đây, Trung tâm NS-VSMTNT được giao chủ đầu tư và trực tiếp quản lý, khai thác 5 công trình cấp nước tập trung quy mô liên xã với tổng công suất thiết kế hơn 7.000m3/ngày đêm. Trung tâm đã có nhiều nỗ lực phục vụ khách hàng. Năm 2018, tổng số khách hàng đạt gần 10.000 hộ, tăng gần 3.000 hộ so với năm 2017. Trung tâm đã vận dụng quy trình nước sạch, đồng thời hợp đồng với Trường Đại học Xây dựng miền Trung tổ chức lớp đào tạo vận hành trực tiếp tại công trình. Ngoài ra, trung tâm còn chủ động kinh phí mở rộng mạng cấp nước quy mô nhỏ, cải thiện công nghệ lọc, nâng cao chất lượng nước. Nhờ thế, trung tâm đã nâng cao được hiệu quả vận hành, quản lý, khai thác thiết bị, máy móc; đảm bảo nguồn cung cấp nước sạch thường xuyên, đáp ứng nhu cầu của người dân; tỷ lệ thất thoát nước dưới 10%; giá nước phù hợp với điều kiện kinh tế người dân nông thôn, miền núi...  


Công ty Cổ phần Đô thị Ninh Hòa cũng có nhiều nỗ lực trong việc cung cấp nước sạch. Công ty đã đầu tư 65 tỷ đồng nâng cấp hệ thống nước sạch. Tổng công suất cấp nước đạt 22.500m3/ngày đêm, số khách hàng hơn 45.000 hộ. Trên địa bàn hiện có 11 trạm và hệ thống cấp nước, trong đó có 6 trạm cấp nước (Ninh Sơn, Ninh Đông, Ninh Bình, Ninh Xuân, Ninh Trung và Ninh Sim), tổng công suất gần 20.000m3/ngày đêm và 5 hệ thống nước tự chảy, mỗi hệ thống công suất 500m3/ngày đêm.


Cần tăng cường đầu tư cho nước sạch


Theo bà Nguyễn Thị Đài Trang - Giám đốc Trung tâm NS-VSMTNT, tuy đạt được nhiều kết quả song việc cấp nước sinh hoạt nông thôn còn gặp nhiều khó khăn. Đó là: số công trình cấp nước sạch nông thôn tập trung đạt chất lượng theo quy chuẩn quốc gia chưa nhiều, trong khi nhu cầu nước sạch theo chuẩn này ngày càng cao; Bộ tiêu chí quốc gia về nông thôn mới ban hành kèm theo Quyết định 1980 (17-10-2016) của Thủ tướng Chính phủ quy định tỷ lệ hộ sử dụng nước sạch theo quy chuẩn (chỉ tiêu 17.1) đối với vùng duyên hải Nam Trung Bộ hơn 60%, do đó đối với xã chưa có công trình cấp nước sạch sẽ rất khó khăn để hoàn thành tiêu chí này. Các công trình nước sạch được đầu tư giai đoạn trước bị xuống cấp, hư hỏng, đặc biệt là các công trình cấp xã và cộng đồng quản lý thiếu kinh phí sửa chữa, nâng cấp; nguồn vốn đầu tư từ ngân sách giảm, huy động nguồn lực xã hội hóa, tín dụng ưu đãi cho hộ gia đình vay còn thấp; tác động của biến đổi khí hậu, thiên tai làm suy giảm, cạn kiệt nguồn nước... Ông Pi Năng Thảo - Chủ tịch UBND xã Khánh Thượng (huyện Khánh Vĩnh) cho biết, hiện nay, tình hình nước sinh hoạt trên địa bàn khá căng thẳng, các thôn đều thiếu nước, người dân chủ yếu sử dụng nước sông do công trình tự chảy đã bị hư hỏng nhưng chưa có nguồn vốn sửa chữa.


Lãnh đạo Trung tâm NS-VSMTNT đề xuất tỉnh xem xét bổ sung kế hoạch đầu tư công giai đoạn 2016 - 2020 để xây dựng nhiều công trình nước sạch theo quy hoạch được duyệt; bố trí kinh phí cải tạo, sửa chữa, nâng cấp công trình kém hiệu quả; đầu tư xây dựng gắn trách nhiệm quản lý, khai thác, sử dụng nước; thu tiền nước theo nhu cầu sử dụng; có chính sách hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số sử dụng nước sạch... Bên cạnh đó, kiến nghị các bộ, ngành Trung ương tạo điều kiện để Khánh Hòa tiếp cận, tham gia các chương trình, dự án đầu tư nước sạch nhằm tăng nguồn lực đầu tư, đảm bảo hoàn thành mục tiêu chung về nước sạch, xây dựng nông thôn mới.


V.LẠC

Tiêu điểm
Tin mới
Nhà đất
Xã hội
Tổng hợp