Viện Hải dương học (TP. Nha Trang) là nơi lưu giữ 24.000 mẫu sinh vật biển quý giá thuộc 5.000 loài được thu thập khắp các vùng biển Việt Nam và khu vực phụ cận. Để có được kết quả đó, những nhà khoa học của Viện Hải dương học đã lặn lội đến nhiều vùng đất xa xôi để đưa về những mẫu vật quý giá bị chôn vùi hàng trăm năm dưới lòng đất.
Chuyến đi xin xương cá voi
Ngày nay, du khách trong và ngoài nước đến với Viện Hải dương học đều trầm trồ trước bộ xương cá voi lưng gù “khủng” dài 18m, nặng 10 tấn, là mẫu vật quốc gia án ngữ ở phòng trưng bày. Khởi nguồn của di vật lịch sử tự nhiên này bắt đầu từ ngày 8-12-1994, khi dư luận cả nước xôn xao chuyện nông dân xã Hải Cường (huyện Hải Hậu, tỉnh Hà Nam, nay là tỉnh Nam Định) trong lúc đào mương thủy lợi đã phát hiện bộ xương khổng lồ bị vùi dưới lòng đất; người ta còn kháo nhau đó là xương khủng long.
Một công trình nghiên cứu được mở ra, xâu chuỗi những dữ liệu: Xương vùi dưới độ sâu 1,2m và cách biển 4km (đường chim bay), thời gian khoảng 200 năm trước…, các nhà khoa học khẳng định đây không phải xương khủng long mà là xương của loài cá voi lưng gù, có giá trị lớn về khảo cổ học để chứng minh “biển tiến - biển lùi” và sự tiến hóa của dân tộc dựa vào vùng bờ.
PGS-TS khoa học Nguyễn Tác An - nguyên Viện trưởng Viện Hải dương học, người đến tận nơi để nghiên cứu về bộ xương cá voi này chia sẻ, trong khi các bộ xương cá voi trên thế giới thời điểm này chủ yếu từ khai thác, việc người dân phát hiện bộ xương chôn vùi dưới đất có kích thước lớn như vậy là điều chưa từng có. Lúc đó, Nhà nước xác định cần có một nơi hội tụ đủ nhân lực có trình độ để nghiên cứu, phát huy được giá trị của di vật lịch sử quý giá này và Viện Hải dương học được chọn. Tuy nhiên, đối với người dân xã Hải Cường thời điểm đó, cá voi là tín ngưỡng thờ cúng linh thiêng nên việc Nhà nước muốn lấy về không đơn giản. “Đoàn các nhà khoa học chúng tôi và lãnh đạo tỉnh Hà Nam được giao nhiệm vụ đến thuyết phục người dân. Khi chúng tôi đến nơi thì bộ xương cá voi đã được người dân đem vào sân đình thờ cúng. Nhiều doanh nghiệp đến xin mua lại với giá cao để trưng bày bán vé, nhưng người dân không đồng ý. Trong làng, những người già là người có uy tín nhất, nên chúng tôi tiếp cận thuyết phục đầu tiên”, PGS-TS khoa học Nguyễn Tác An kể.
Nông dân đi làm đồng cả ngày đến tối mới về, nên nhóm nhà khoa học ban ngày ra ruộng, nơi tìm thấy bộ xương cá voi để nghiên cứu, phân tích, chiều tối kiên trì đến nhà các bậc lão niên có uy tín trong làng uống nước, trò chuyện. “Ban đầu, chúng tôi không đề cập đến việc lấy bộ xương cá, mà chỉ phân tích về giá trị, ý nghĩa của bộ xương đối với việc nghiên cứu khoa học của đất nước và khoa học biển thế giới. Sau 3 ngày phân tích, thuyết phục, đến ngày thứ 4 những người có uy tín trong làng mới hiểu được tâm huyết, không vụ lợi của các nhà khoa học, nên đồng ý bàn giao, nhưng chúng tôi phải trình giấy giới thiệu của Văn phòng Chính phủ, Bí thư Tỉnh ủy lúc đó họ mới cho lấy đi”, PGS-TS Nguyễn Tác An chia sẻ.
Ông Chu Anh Khánh - cán bộ phòng kỹ thuật Viện Hải dương học là người được giao nhiệm vụ vận chuyển bộ xương cá voi từ tỉnh Hà Nam về TP. Nha Trang kể lại: “Bộ xương cá voi từ xã Hải Cường được đưa về Bảo tàng tỉnh. Khi tôi đến thì cả một khối hỗn độn, một miếng xương sườn chia thành 3 mảnh, do vùi chôn dưới đất 200 năm nên nhiều mảnh bị mục. Chúng tôi thuê một chiếc xe ô tô có thùng rộng, nhờ anh em bó xương cá voi bằng rơm thật cẩn thận. Đường sá lúc đó còn cách trở, nhiều đoạn phải qua phà. Nhưng sau hơn một tuần vất vả, cuối cùng bộ xương cá voi cũng về được với viện”. Sau đó, Viện Hải dương học lên phương án phục chế, tập hợp nhiều nghệ nhân, họa sĩ phác họa bộ xương rồi bắt đầu treo lên hàn từng bộ phận. Sau 6 tháng thì bộ xương cá voi hoàn chỉnh được trưng bày và nổi tiếng như ngày hôm nay.
Thời gian sau này, các nhà khoa học của Viện Hải dương học tiếp tục tìm kiếm thêm các mẫu vật lớn như: Cá nạng hải nặng gần 1 tấn, cá tầm, cá ông chuông, bộ xương bò biển nặng gần 300kg đưa từ Côn Đảo về…
Lặn tìm mẫu vật giữa Biển Đông
Năm 2010, Bảo tàng Hải dương học đưa vào hoạt động Phòng trưng bày “Tài nguyên biển đảo Hoàng Sa, Trường Sa” với nhiều tài liệu liên quan đến hoạt động nghiên cứu, khai thác và sử dụng tài nguyên trong lịch sử Việt Nam và các mẫu vật tiêu bản cũng như sinh vật sống có liên quan đến hai quần đảo thiêng liêng của Tổ quốc.
Để có được những mẫu vật quý giá này, từ khi mới ra đời năm 1922, hoạt động khảo sát, nghiên cứu của Viện Hải dương học đã gắn liền với vùng biển Hoàng Sa - Trường Sa. Hiện nay, viện đã thu thập và lưu giữ vốn dữ liệu to lớn của 3 trung tâm dữ liệu cỡ lớn của quốc tế, của Viện Hải dương học và các chương trình biển Nhà nước bao gồm số liệu của 6.731 chuyến khảo sát ở Biển Đông; đã lưu giữ được các thông tin về điều kiện tự nhiên, nguồn lợi, tài nguyên và môi trường Biển Đông và ven bờ Việt Nam. Viện Hải dương học có khả năng cung cấp ngay những thông tin này kịp thời để phục vụ phát triển kinh tế và an ninh quốc phòng của Nhà nước và địa phương.
Ông Lê Khả Phú - Phòng Quản lý, chế tác và trưng bày mẫu vật, Viện Hải dương học cho biết, các mẫu sinh vật, địa chất Biển Đông mà viện hiện có không chỉ lấy từ các chuyến khảo sát trên biển, mà các nhà khoa học còn đi tìm, thu mua từ các ngư dân. “Như mẫu sinh vật cá thu song nặng 70kg, dài 2,4m, lớn nhất Việt Nam được mua lại từ một ngư dân ở Xóm Cồn (TP. Nha Trang) đánh bắt ở ngư trường Trường Sa ngày 11-2-2011. Lúc mua, ngư dân này còn nói trong đời ông chưa bao giờ thấy con cá thu nào lớn như thế”, ông Phú kể.
PGS-TS Nguyễn Tác An chia sẻ, bên cạnh nghiên cứu khoa học phục vụ phát triển kinh tế và an ninh quốc phòng của Nhà nước và địa phương, Viện Hải dương học còn có nhiệm vụ giáo dục tri thức biển cho thế hệ trẻ. “Muốn làm được điều đó, phải từ thực tế trưng bày các sinh vật, địa chất biển, để các thế hệ sau chứng kiến tận mắt biển nước mình có gì, tài nguyên phong phú đa dạng ra sao, từ đó khơi dậy tình yêu quê hương biển đảo, ý thức về bảo vệ chủ quyền”, PGS-TS Nguyễn Tác An nói.
Với những thành tích trong nghiên cứu khoa học đóng góp cho sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và góp phần khẳng định, bảo vệ chủ quyền biển đảo, Viện Hải dương học đã vinh dự được Chính phủ tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Nhất, Nhì, Ba, Huân chương Độc lập hạng Ba (2002), hạng Nhì (2007) và hạng Nhất (2012), bằng khen của Thủ tướng Chính phủ (2010, 2017), bằng khen của Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học Công nghệ Việt Nam (2009, 2014).
Thái Thịnh
Ông Chu Anh Khánh cho biết, hiện nay trên khu vực lầu Bảo Đại vẫn còn một hồ dự trữ nước biển vài trăm mét vuông. Nhiều doanh nghiệp đề xuất tỉnh dời đi để xây khách sạn, làm du lịch, nhưng họ không hiểu được ý nghĩa khoa học của nó. Biển Nha Trang chỉ cần một trận mưa vài chục phút là nước biển đã bị ngọt hóa. Trong khi toàn bộ bể nuôi sinh vật ở Viện Hải dương học hiện nay đều áp dụng hệ thống lọc nước tuần hoàn, sinh vật cần nước biển chất lượng ổn định, do đó việc trữ nước biển cũng như trữ gạo, khi xảy ra việc cấp bách có thể dùng ngay.
Theo ông Khánh, ban đầu Viện Hải dương học làm hồ nuôi sinh vật bằng hệ thống nước tràn, bơm nước trực tiếp từ biển vào rất tốn kém. Sau đó, tình cờ trong một lần hợp tác, các nhà khoa học ở viện đã học được cách làm hệ thống nước tuần hoàn ở Công viên Đầm Sen (TP. Hồ Chí Minh), vừa tiết kiệm nước vừa giữ ổn định cho cá, áp dụng cho đến ngày nay.