Nỗ lực thực hiện "mục tiêu kép"

Thứ tư - 28/07/2021 13:11
Tại kỳ họp thứ 2, HĐND tỉnh Khánh Hòa khóa VII, trong phiên thảo luận tại tổ, các đại biểu mong muốn trong 6 tháng cuối năm, UBND tỉnh tiếp tục có những giải pháp hiệu quả để thực hiện
Nỗ lực thực hiện "mục tiêu kép"

Tại kỳ họp thứ 2, HĐND tỉnh Khánh Hòa khóa VII, trong phiên thảo luận tại tổ, các đại biểu mong muốn trong 6 tháng cuối năm, UBND tỉnh tiếp tục có những giải pháp hiệu quả để thực hiện “mục tiêu kép”, vừa bảo đảm phòng, chống dịch vừa thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) địa phương; có các kịch bản cụ thể để phấn đấu hoàn thành cao nhất các chỉ tiêu KT-XH đã đề ra từ đầu năm.


Quyết liệt khống chế, dập dịch


Với diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 trên địa bàn, UBND tỉnh đã tập trung, ưu tiên mọi nguồn lực cho công tác phòng, chống dịch; triển khai quyết liệt các biện pháp để kiểm soát, khống chế dịch bệnh, kịp thời xử lý các nguồn lây nhiễm, lấy mẫu xét nghiệm giám sát, tầm soát cộng đồng, dần thu hẹp phạm vi “vùng đỏ”, bảo vệ và mở rộng “vùng xanh”, vùng an toàn, thành lập các bệnh viện dã chiến; lên kế hoạch tiêm vắc xin phòng Covid-19; chú trong phòng, chống dịch bệnh trong ngành công nghiệp; triển khai nhiều giải pháp an sinh xã hội…, hạn chế thấp nhất ảnh hưởng đến đời sống nhân dân.

 

Sản xuất trong điều kiện phòng, chống dịch Covid-19  tại Công ty Cổ phần Nước giải khát Yến sào Khánh Hòa. Ảnh: Đ.LÂM

Sản xuất trong điều kiện phòng, chống dịch Covid-19 tại Công ty Cổ phần Nước giải khát Yến sào Khánh Hòa. Ảnh: Đ.LÂM


Nhiều đại biểu đề nghị thời gian tới, UBND tỉnh cần có giải pháp hiệu quả để thực hiện nghiêm việc giãn cách xã hội; bố trí thêm một số chốt kiểm soát dịch tại vùng giáp ranh các tỉnh lân cận nhưng phải tránh ùn tắc giao thông. Bên cạnh đó, tỉnh cũng cần thông tin rõ nguồn mua vắc xin, kế hoạch, đối tượng được tiêm vắc xin phòng Covid-19; quan tâm giải quyết việc làm cho người lao động. Một số ý kiến đề nghị tỉnh tính toán, xây dựng các vùng dự trữ hàng hóa thiết yếu để phục vụ lâu dài, hạn chế việc gián đoạn lưu thông hàng hóa, duy trì ổn định đời sống người dân; tính toán lại quy định về thời gian đi siêu thị, đi chợ, không nên quy định thời gian đi siêu thị kéo dài đến 22 giờ như hiện nay; có kế hoạch hỗ trợ đưa sinh viên từ TP. Hồ Chí Minh về Khánh Hòa; nghiên cứu giảm các loại thuế, phí, tiền điện, tiền nước, học phí… để giảm gánh nặng cho người dân.

 

Sản xuất trong điều kiện phòng, chống dịch Covid-19 tại Công ty Cổ phần Dệt may Nha Trang. Ảnh: Đ.LÂM

Sản xuất trong điều kiện phòng, chống dịch Covid-19 tại Công ty Cổ phần Dệt may Nha Trang. Ảnh: Đ.LÂM


Theo ông Nguyễn Tấn Tuân - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, giãn cách xã hội ảnh hưởng rất lớn đến đời sống nhân dân, gây thiệt hại nặng nề về phát triển KT-XH. Vì vậy, tỉnh đang quyết liệt khống chế, dập dịch để người dân sớm quay lại cuộc sống bình thường, góp phần thực hiện cao nhất các chỉ tiêu phát triển KT-XH đã đặt ra từ đầu năm. Đối với việc bảo đảm đời sống của người dân, tỉnh quán triệt các địa phương nghiêm túc không để bất cứ ai bị đói, khát… Các địa phương khẩn trương triển khai thực hiện các chính sách hỗ trợ cho đối tượng gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 để những đối tượng yếu thế sớm nhận được hỗ trợ của Chính phủ…

 

Đại diện phường Vĩnh Hòa, TP. Nha Trang trao quà của  Công ty TNHH Tâm Hương và Hội UNESCO tỉnh cho người dân. Ảnh V.GIANG

Đại diện phường Vĩnh Hòa, TP. Nha Trang trao quà của Công ty TNHH Tâm Hương và Hội UNESCO tỉnh cho người dân. Ảnh V.GIANG


Phấn đấu hoàn thành cao nhất chỉ tiêu kinh tế - xã hội

 

Trong 6 tháng đầu năm 2021, tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) tăng 0,49%, đây là mức tăng trưởng dương đầu tiên của tỉnh kể từ khi dịch Covid-19 xuất hiện đầu năm 2020; thu nội địa đạt gần 6.287 tỷ đồng, bằng 54,6% dự toán, tăng 11,4% so với cùng kỳ năm trước; chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng 0,5% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, dịch Covid-19 tiếp tục ảnh hưởng lớn đến ngành dịch vụ, du lịch (doanh thu du lịch giảm 49,2%, số lượt khách lưu trú giảm 38,5% so với cùng kỳ năm trước); các hoạt động đầu tư, sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp trên các lĩnh vực gặp nhiều khó khăn…

Thảo luận về tình hình KT-XH, đa số các đại biểu nhận định: 6 tháng đầu năm, tuy chịu tác động tiêu cực của dịch Covid-19 nhưng KT-XH tỉnh vẫn có nhiều chuyển biến, đạt được một số kết quả tích cực, nhiều chỉ tiêu tăng so với cùng kỳ năm trước. Các đại biểu mong muốn trong 6 tháng cuối năm, UBND tỉnh tiếp tục có những giải pháp hiệu quả để thực hiện “mục tiêu kép”, vừa bảo đảm phòng, chống dịch vừa thúc đẩy phát triển KT-XH địa phương; có các kịch bản cụ thể để phấn đấu hoàn thành cao nhất các chỉ tiêu KT-XH đã đề ra từ đầu năm.


Một số đại biểu cho rằng, tỉnh cần phải đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công để tạo động lực phát triển KT-XH tỉnh trong 6 tháng cuối năm. Ông Bùi Văn Cường - Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Vạn Ninh cho biết: “Huyện Vạn Ninh đang nỗ lực để đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công nhưng vướng ở khâu xác định giá đất để áp giá đền bù giải phóng mặt bằng thực hiện các dự án. Huyện đang có 6 dự án chưa giải ngân được vì lý do này”.


Theo ông Lê Hữu Hoàng - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, do tình hình dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp nên UBND tỉnh đã đề ra 9 nhóm giải pháp trọng tâm thực hiện trong 6 tháng cuối năm nhằm phấn đấu thực hiện cao nhất các chỉ tiêu KT-XH năm 2021. Trong đó, tiếp tục ưu tiên cho công tác phòng, chống dịch Covid-19, triển khai mạnh mẽ các giải pháp để sớm ngăn chặn, đẩy lùi dịch bệnh. Đồng thời, tiếp tục thực hiện đồng bộ giải pháp chủ yếu phát triển KT-XH. Trong đó, chú trọng tìm kiếm mở rộng thị trường, tiếp tục cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc liên quan đến hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh, các dự án đầu tư ngoài ngân sách, tạo mọi điều kiện thuận lợi để nhà đầu tư đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án…. “Tùy tình hình thực tế, UBND tỉnh sẽ xem xét, quyết định nới lỏng một số hoạt động kinh doanh, dịch vụ, kích cầu nội tỉnh gắn với việc kiểm soát chặt chẽ, bảo đảm an toàn phòng, chống dịch. Cùng với đó, tỉnh sẽ đôn đốc, xử lý kịp thời những khó khăn, vướng mắc, phấn đấu thực hiện giải ngân 100% nguồn vốn đầu tư công năm 2021 để tạo động lực phát triển KT-XH 6 tháng cuối năm. UBND tỉnh cũng chủ động xây dựng các kịch bản tăng trưởng KT-XH sát với diễn biến của dịch Covid-19…”, ông Lê Hữu Hoàng cho biết.


Thanh Long

Tiêu điểm
Tin mới
Nhà đất
Xã hội
Tổng hợp