Thời điểm này, các cơ quan chức năng vừa phải tập trung phòng, chống hạn hán, xâm nhập mặn, vừa phải hoàn thiện chi tiết phương án ứng phó với mưa bão, ngập lụt, đồng thời tiếp tục triển khai khắc phục hậu quả thiên tai của những năm trước. Trong bối cảnh đó, sự tham gia, tuân thủ của người dân là yếu tố quan trọng để hạn chế thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra.
Cần sự chung tay của người dân
Tại buổi làm việc với Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai ngày 7-8, ông Đào Công Thiên - Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Phó Trưởng ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT-TKCN) tỉnh khẳng định, thực tiễn những năm qua cho thấy, trong việc ứng phó với thiên tai, phòng vẫn là chính. Sự chuẩn bị tốt về mọi mặt sẽ giúp hạn chế được thiệt hại do thiên tai gây ra. Trong 4 năm qua, Khánh Hòa liên tiếp hứng chịu nhiều loại hình thời tiết cực đoan, gây thiệt hại hết sức nặng nề. Hạn hán, bão, mưa lũ, sạt lở đất xảy ra trong 4 năm (2015 - 2018) đã làm 80 người chết, thiệt hại về kinh tế hơn 17.800 tỷ đồng. Sở dĩ tỉnh bị thiệt hại nặng là do kinh nghiệm ứng phó với thiên tai còn hạn chế.
Năm nay, thống kê từ các địa phương cho thấy, đến thời điểm này, Khánh Hòa đã xác định xong khu vực, số lượng người dân cần phải di dời. Theo đó, với tình huống bão mạnh, siêu bão xảy ra, có tới gần 11.300 người dân ở TP. Nha Trang, huyện Khánh Sơn và Khánh Vĩnh ở trong vùng xung yếu về sạt lở đất cần phải di dời. Đối với vùng ngập lụt, nhà không kiên cố, gần 165.000 người phải được đưa đến nơi an toàn. Đây là những con số rất lớn, không chỉ đòi hỏi lực lượng ứng cứu với hơn 10.000 người phải nỗ lực hết sức, mà còn cần sự hợp tác, tuân thủ của người dân. Bởi thực tế những năm qua cho thấy, việc di dời người dân đến nơi an toàn gặp không ít khó khăn. Nhất là một số người dân còn có tâm lý chủ quan, hoặc vì muốn bảo vệ tài sản của mình nên đã ở lại vùng xung yếu, đặc biệt ở khu vực được xác định là sạt lở do mưa lớn, hoặc lao động trên các lồng bè nuôi trồng thủy hải sản khi có bão mạnh.
Tập trung khắc phục
Theo Ban Chỉ huy PCTT-TKCN tỉnh, từ năm 2016 đến nay, để tăng cường năng lực phòng chống, khắc phục thiệt hại do thiên tai gây ra, tỉnh đã tập trung đầu tư nhiều công trình với tổng kinh phí gần 2.100 tỷ đồng. Trong đó, ngân sách Trung ương hỗ trợ gần 900 tỷ đồng, ngân sách địa phương 1.200 tỷ đồng. Tỉnh đã tập trung đầu tư xây dựng, sửa chữa 243 công trình, gồm 39 công trình giao thông, 107 công trình thủy lợi và 97 công trình trường học, y tế, trụ sở cơ quan. Việc đầu tư nâng cấp các cầu giao thông vượt lũ, kè chống xói lở bờ sông, bờ biển, sửa chữa các cơ sở y tế, trường học… đã đem lại hiệu quả thiết thực trong việc nâng cao năng lực phòng, chống thiên tai, đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản và đời sống sản xuất của người dân.
Riêng đối với các công trình bị thiệt hại do bão số 8, số 9 năm 2018 gây ra, HĐND tỉnh đã thông qua Nghị quyết về kế hoạch đầu tư công trung hạn năm 2019 từ các nguồn chưa phân bổ, trong đó có dự kiến danh mục dự án khắc phục sau bão số 8, số 9 năm 2018 gồm 10 công trình, với tổng kinh phí 75 tỷ đồng. Tuy nhiên, việc triển khai khắc phục các công trình này đang gặp khó khăn do đây là các dự án phát sinh, theo quy định phải hoàn thiện thủ tục đầu tư trước ngày 31-10-2018 mới có thể giao kế hoạch vốn đầu tư công năm 2019. Để tháo gỡ, ngày 16-5-2019, tỉnh đã trình Thủ tướng Chính phủ xem xét cho phép bố trí kế hoạch năm 2019 đối với danh mục dự án khắc phục bão số 8, 9 nêu trên. Đối với các dự án được hỗ trợ từ nguồn kinh phí Trung ương (50 tỷ đồng), hiện các chủ đầu tư đã hoàn tất thủ tục để triển khai thi công trước mùa mưa lũ năm nay.
Quá trình triển khai các giải pháp phòng, chống thiên tai và khắc phục hậu quả thiên tai, tỉnh cũng đã nhiều lần đề xuất Trung ương tháo gỡ một số khó khăn, bất cập. Chẳng hạn như về cơ chế, chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp để khôi phục sản xuất vùng bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh theo Nghị định 02/2017 của Chính phủ, một số nội dung chưa được quy định cụ thể hoặc không phù hợp trong thực tế, gây khó khăn trong quá trình hỗ trợ như: chưa có quy định tiêu chí để xác định hộ chăn nuôi là đối tượng “gia trại” nên không có cơ sở để lập hồ sơ và thực hiện hỗ trợ; chu kỳ nuôi thủy sản trên lồng, bè thường kéo dài, diễn ra ở nhiều thời điểm và được nuôi tại các vùng biển cách bờ rất xa, trong khi lực lượng cán bộ cấp xã ít, không có phương tiện nên khó khăn trong việc xác nhận đăng ký kê khai cho người dân khi thả giống. Việc hỗ trợ nhà ở bị hư hỏng do thiên tai được thực hiện theo Nghị định số 136/2013 của Chính phủ hiện còn quá thấp (15-20 triệu đồng/nhà), đối tượng chỉ hạn chế là các hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn khiến việc hỗ trợ, khắc phục chỗ ở của người dân còn hạn chế.
HỒNG ĐĂNG