Hơn 10 ngày qua, dịch tả heo châu Phi (ASF) đã xuất hiện thêm ở 2 xã Suối Tiên (huyện Diên Khánh) và Vĩnh Phương (TP. Nha Trang). Cơ quan chức năng đang triển khai nhiều giải pháp quyết liệt phòng, chống bệnh dịch này nhằm ngăn chặn nguy cơ lan rộng.
Xảy ra ở hộ nuôi nhỏ lẻ
Bà Nguyễn Thị Tuyết - Chủ tịch UBND xã Vĩnh Phương cho biết, Vĩnh Phương là địa phương đầu tiên trên địa bàn TP. Nha Trang xuất hiện dịch tả heo châu Phi. Ngay khi phát hiện, chính quyền địa phương đã phối hợp với cơ quan chuyên môn tiến hành tiêu hủy 22 con heo bị bệnh, tổng trọng lượng 820kg. Từ đó đến nay, trên địa bàn không phát sinh thêm ổ dịch mới. Tuy nhiên, địa phương hết sức cảnh giác, tiếp tục triển khai các giải pháp quyết liệt, đồng bộ để phòng, chống dịch lây lan trên địa bàn.
Hiện nay, xã Vĩnh Phương có 56 hộ chăn nuôi heo với tổng đàn 1.287 con. “Trên địa bàn hầu hết là các hộ nuôi có quy mô dưới 50 con, phổ biến khoảng 20 con; không có trang trại quy mô hàng nghìn con như một số địa phương khác. Hầu hết các hộ nuôi heo sử dụng thức ăn thừa được thu gom từ nhà hàng, quán ăn; phần lớn thức ăn này không xử lý nhiệt trước khi cho heo ăn. Ngoài ra, địa bàn xã Vĩnh Phương rộng, rất nhiều tuyến đường kết nối với các địa phương khác, trong đó có tuyến Quốc lộ 1 đi qua, nguy cơ dịch bệnh xâm nhiễm là rất lớn”, bà Tuyết nói.
Ngay sau khi xuất hiện ổ dịch tại thôn Như Xuân 1 vào cuối tháng 5, UBND xã Vĩnh Phương đã triển khai lập 4 chốt kiểm dịch động vật tạm thời tại các tuyến đường chính ra vào thôn nhằm kiểm soát, nghiêm cấm mọi hình thức vận chuyển, buôn bán, giết mổ, tiêu thụ heo bệnh, sản phẩm từ heo không rõ nguồn gốc. Ông Đào Phương Toại - nhân viên thú y xã Vĩnh Phương cho biết, tại các chốt kiểm dịch tạm thời, UBND xã đã bố trí dân quân, công an xã, nhân viên thú y trực 24/24 giờ; toàn bộ người và phương tiện ra vào thôn đều được phun hóa chất để vệ sinh, tiêu độc. Nhận thấy nguy cơ lây lan nhanh của bệnh dịch tả heo châu Phi nên người dân rất hợp tác.
Hiện nay, nhân viên thú y xã Vĩnh Phương tiếp tục giám sát chặt chẽ tình hình, diễn biến dịch bệnh trên đàn heo để kịp thời phát hiện, xử lý những trường hợp bất thường; phối hợp với các thôn hướng dẫn người dân kỹ thuật xử lý môi trường, khi có heo chết không rõ nguyên nhân cần thông báo ngay đến UBND xã, trạm chăn nuôi thú y. Bên cạnh đó, tuyên truyền, vận động người chăn nuôi, buôn bán, giết mổ heo thực hiện “5 không” (không giấu dịch; không mua bán, vận chuyển heo bệnh, heo chết; không giết mổ, tiêu thụ thịt heo bệnh, heo chết; không vứt heo chết ra môi trường; không xử lý thức ăn dư thừa chưa qua xử lý nhiệt) nhằm tránh tình trạng bán chạy, phát tán mầm bệnh ra môi trường. Chính quyền địa phương cũng kiến nghị cấp trên hỗ trợ, phối hợp nhằm chống dịch hiệu quả, tránh lây lan…
Trước đó, ngày 4-6, qua giám sát dịch bệnh tại xã Suối Tiên, lực lượng chức năng đã phát hiện 1 hộ nuôi có đàn heo 13 con khoảng 3,5 tháng tuổi có triệu chứng sốt cao, bỏ ăn, xuất huyết da tai, da vùng bụng. Cơ quan chuyên môn đã lấy 5 mẫu máu và bệnh phẩm tiến hành xét nghiệm. Kết quả cả 5 mẫu đều dương tính với ASF. Toàn bộ 13 con heo, tổng trọng lượng 610kg đã được tiêu hủy vào ngày 5-6.
Nỗ lực khống chế dịch
Thời gian qua, các cơ quan Trung ương và địa phương đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo các địa phương, người chăn nuôi và người dân triển khai quyết liệt các biện pháp phòng, chống ASF. Gần đây nhất là công điện của Thủ tướng Chính phủ ngày 4-6. Trước đó, Tỉnh ủy cũng đã có công văn chỉ đạo các huyện, thị, thành ủy, ban cán sự đảng, đảng đoàn, đảng ủy trực thuộc, các cơ quan tham mưu Tỉnh ủy tập trung lãnh đạo, chỉ đạo và triển khai các nhiệm vụ nhằm ứng phó có hiệu quả với ASF.
Tính đến ngày 10-6, ASF đã xuất hiện tại 3 xã trên địa bàn tỉnh gồm: Diên Điền, Suối Tiên (huyện Diên Khánh) và Vĩnh Phương (TP. Nha Trang). Theo đó, có 101 con heo với trọng lượng gần 6 tấn đã buộc phải tiêu hủy. Trên cả nước, ASF đã xảy ra tại 3.791 xã, 373 huyện của 54 tỉnh. Tổng số heo bị bệnh buộc phải tiêu hủy là 2.426.089 con. Ngoài ra, có 147 xã thuộc 75 huyện của 25 tỉnh, thành phố đã qua 30 ngày không phát sinh heo mắc bệnh. Tuy nhiên, cũng có 54 xã thuộc 15 tỉnh có dịch bệnh đã qua 30 ngày nhưng sau đó phát sinh ổ dịch mới. |
Theo đó, bên cạnh tập trung thực hiện nghiêm túc chỉ thị của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện hiệu quả công tác phòng, chống, khống chế ASF, Tỉnh ủy yêu cầu hoạt động thông tin, tuyên truyền phải được đẩy mạnh hơn nữa để người dân đều biết, nhận thức rõ tính chất, mức độ nguy hiểm, cũng như tác hại nghiêm trọng của bệnh dịch đã và đang xảy ra đối với các hoạt động kinh tế, đời sống nhân dân. Đồng thời, thông tin kịp thời, chính xác tình hình, diễn biến dịch bệnh tại địa phương để người dân chủ động thực hiện, vừa đảm bảo yêu cầu phòng, chống dịch bệnh, vừa bảo vệ sản xuất, tránh gây hoang mang trong xã hội.
Theo lãnh đạo Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh, từ tháng 9-2018 đến nay, lực lượng thú y và chính quyền địa phương các cấp đã tập trung triển khai các giải pháp quyết liệt phòng ngừa, khống chế ASF. Khi xảy ra xâm nhiễm, nhờ sự phối hợp chặt chẽ, đặc biệt là giữa lực lượng thú y, chính quyền và người chăn nuôi nên các ổ dịch nhỏ lẻ đều đã được phát hiện, xử lý kịp thời. “Việc phát hiện và xử lý kịp thời ổ dịch trong vòng 24 giờ đang là một trong những nhiệm vụ cốt lõi trong tình hình hiện nay”, ông Lê Thắng - Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh cho biết.
Cũng theo ông Thắng, các nhiệm vụ đang được tập trung triển khai hiện nay đó là việc giám sát đàn heo, xây dựng chi tiết phương án tiêu hủy heo theo từng quy mô và từng khu vực cụ thể. Hoạt động kiểm tra, giám sát việc thực hiện công tác phòng, chống ASF của chính quyền địa phương cũng đang được đẩy mạnh, đặc biệt là ở các hộ chăn nuôi heo quy mô nhỏ lẻ, sử dụng thức ăn tận dụng.
Hồng Đăng - Hải Lăng