Những ngày này về xã Ninh Vân (thị xã Ninh Hòa), làng trên, xóm dưới đâu đâu cũng bàn tán xôn xao chuyện sang nhượng đất đai. Những mảnh đất rừng sản xuất cằn cỗi xưa không ai thèm ngó ngàng, đến nay bỗng có giá tiền tỷ…
Ghé quán cà phê cóc đầu thôn Tây đã nghe người dân nơi đây bàn thảo chuyện đất cát. Vừa gọi ly cà phê, bà chủ quán liền hỏi nhỏ: “Các chú đi mua đất phải không?”. Chưa kịp trả lời bà đã kể: “Vài bữa trước, mấy đại gia ở TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội, Nha Trang cũng ra đây tìm hiểu mua đất đầu tư. Chồng tôi đã dẫn mối thành công cho mấy người. Giá đất bây giờ lên cao lắm!”. Khi chúng tôi ngỏ lời nhờ, bà liền điện thoại cho chồng đang làm đồng gần đó về dẫn đi xem đất.
Đất rừng có giá tiền tỷ
Khi biết chúng tôi có nhu cầu mua đất rừng, ông Bảo (chồng chủ quán cà phê) dẫn chúng tôi ra khu vực gần Dự án Vùng sản xuất và kiểm định tôm giống tập trung Ninh Vân. Chỉ tay về phía sườn núi, ông Bảo thao thao bất tuyệt: “Ở đây đất sát biển giờ hiếm lắm, diện tích lớn chỉ còn mấy mảnh của bà con tui là đất rừng sản xuất với trồng cây lâu năm. Mảnh này là của thằng em trong nhà, khoảng hơn 2ha. Vừa rồi đất lên giá, nó cho rào dây thép gai, san ủi sơ sơ tạo mặt bằng phía ngoài. Giá đất ở đây khoảng 600.000 đồng/m2. Nếu mấy anh đồng ý, tôi gọi nó về cầm sổ cho coi rồi làm hợp đồng. Nếu các anh muốn rộng hơn thì mua luôn mảnh sát bên của ông Lâm cũng đang có ý định bán”. Theo ông Bảo, trước đây đất rừng bỏ không chả ai hỏi, nhưng kể từ khi nghe tin thành lập đặc khu kinh tế Vân Phong, giá đất bắt đầu nhích lên. Nhiều đại gia ở các tỉnh, thành về mua đất khiến giá đất ở đây lên vùn vụt. Nhiều người bán đất từ cuối năm 2018 giờ đang tiếc rẻ vì giá đất lên cao, nhất là ở khu vực bãi Bàng.
Chia tay ông Bảo, chúng tôi chạy xe ra bãi Bàng - nơi có các dự án du lịch Đảo San Hô, Hòn Mỹ Giang đang được triển khai. Con đường bê tông được xây dựng theo chương trình nông thôn mới chạy từ đầu thôn Tây ra bãi Bàng đã khiến đất ở khu vực này càng có giá. Phía trên sườn đồi của bãi Bàng có quán ăn với cái tên đầy hoài niệm Bãi Bàng Xưa. Khi chúng tôi đến, hai người đàn ông đang cặm cụi nhìn vào tấm bản đồ khổ A4 chỉ trỏ. Thấy chúng tôi, một người nói: “Các chú đi săn đất đấu giá à, hay đi tìm đất đầu cơ?”. Khi biết chúng tôi có ý định tìm đất cho ông chủ làm du lịch, ông Quang - chủ quán liền nói: “Bây giờ các chú mới tới là muộn rồi, các mảnh giáp biển bãi Bàng họ bán hết rồi. Ở Ninh Vân này, duy nhất chỉ còn tui là có mảnh đất rộng 2ha sát biển bên bãi Chướng; cộng thêm khoảng 2ha đất rừng sản xuất ngay triền đồi, nếu các chú đầu tư làm resort thì hết ý!”. Thấy chúng tôi e ngại về việc đất rừng không thể chuyển đổi để làm du lịch, ông Quang lục tìm trong điện thoại bức ảnh chụp bản quy hoạch phát triển du lịch khu vực bãi Chướng. “Đất này giờ tôi bán giá 1,5 triệu đồng/m2. Hỏi cả Ninh Vân chắc chỉ còn tôi bán giá đó. Sở dĩ nó rẻ hơn ở bãi Bàng vì ở bãi Chướng bãi biển có nhiều đá san hô, muốn làm du lịch phải cải tạo”, ông Quang quả quyết.
Ông Nguyễn Thanh Hà - Phó Chủ tịch UBND thị xã Ninh Hòa: Về mặt pháp luật, người dân được phép chuyển nhượng quyền sử dụng đất. Tuy nhiên, để đảm bảo phát triển kinh tế của gia đình, người dân có đất cần cân nhắc kỹ trước khi chuyển nhượng; phải tính đến việc giữ tư liệu sản xuất để làm ăn lâu dài. Chính quyền địa phương cần tăng cường tuyên truyền để người dân nhận thức rõ hơn về vấn đề này. Sắp tới, chúng tôi sẽ chỉ đạo Phòng Tài nguyên và Môi trường cùng các đơn vị liên quan kiểm tra, nắm rõ hơn về tình hình đất đai ở Ninh Vân để có biện pháp xử lý phù hợp. |
Chúng tôi ngỏ ý chỉ muốn kiếm đất ở khu bãi Bàng cho “đông vui”, ông Quang giới thiệu thêm một mảnh đất rừng ở khu vực bãi Bàng có diện tích gần 11ha, nhưng do không sát biển, mặt tiền chưa đầy 100m nên giá chỉ khoảng 200.000 đồng/m2. Thấy chúng tôi có vẻ chưa ưng lắm và muốn một vị trí giáp biển hơn, ông Quang lập tức lấy điện thoại gọi cho ông Bùi Cùa - người có đất rừng đang muốn bán. Chưa đầy 15 phút sau, ông Cùa đến dắt chúng tôi đi xem đất. Đó là một mảnh đất rừng rộng hơn 1,3ha, đang bị máy xúc đào xới nham nhở để lấy đất san lấp mặt bằng. “Sắp tới, đường sẽ được mở qua đây, đất của tôi giáp dự án du lịch nên tôi bán 1 triệu đồng/m2. Tháng trước, mấy gia đình bán đất ở tít xa kia giá đã hơn 300.000 đồng/m2”, ông Cùa nói.
Đua nhau bán đất rừng
Đất ở Ninh Vân bắt đầu lên giá từ cuối năm 2018. Thời điểm ấy, đã có nhiều người bán đất rừng sản xuất. Theo thông tin từ UBND xã Ninh Vân, thời điểm đó, các hộ: Nguyễn Văn Hiệp, Phạm Văn Toàn, Nguyễn Văn Nghiệp ở thôn Đông đã bán khoảng 1 - 2ha đất rừng sản xuất cho những người đến từ Hà Nội. Sau đó không lâu, một số hộ như: Trần Đăng Tuấn, Cao Văn Khang, Nguyễn Văn Ẩn ở thôn Tây cũng bán đất rừng sản xuất cho một số người ở Hà Nội. “Họ không chứng thực ở UBND xã nên chúng tôi không biết họ bán giá bao nhiêu, chỉ khi danh sách cấp giấy và đăng ký biến động quyền sử dụng đất gửi về mới biết họ đã bán đất”, bà Trà Thị Bông Sen - Chủ tịch UBND xã Ninh Vân cho biết.
Đầu tháng 6-2019, ông Trà Thái Sanh cùng một số người trong gia đình đã bán khoảng 7ha đất rừng sản xuất ở khu vực mũi Bà Vú cho một nhóm người ở Hà Nội với giá 20 tỷ đồng (320.000 đồng/m2). Trong đó, có những mảnh đất được cấp sổ đỏ cách đây chưa lâu. Mới đây nhất, ông Nguyễn Chung ở thôn Tây cũng đã bán một miếng đất rừng với giá khoảng 400.000 đồng/m2… Hiện tại, khu vực bãi Bàng vẫn là nơi “nóng” nhất về đất. Mới đây, khi nghe tin Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh sẽ mở tiếp con đường nối từ bãi Bàng ra Mũi Bà Vú thì giá đất ở khu vực này lại lên cao. Đất trồng cây lâu năm giá lên đến 4 - 5 triệu đồng/m2, đất rừng vị trí thuận lợi cũng có giá lên đến 1 triệu đồng/m2.
Không chỉ sốt đất rừng sản xuất, đất ở và đất trồng cây lâu năm ở Ninh Vân cũng lên giá cao. Khi nghe chúng tôi có nhu cầu mua đất, ông Nguyễn Trắng (thôn Tây) rao bán mảnh đất đang ở có diện tích hơn 2.300m2 với giá 5 triệu đồng/m2. Cách đó không xa, nhà bà Tài và bà Phải cũng rao bán 2 mảnh đất liền kề có diện tích 2.400m2 và 2.800m2 với giá 5 triệu đồng/m2… |
Khi chúng tôi đặt vấn đề “trước thực trạng người dân đua nhau bán đất rừng, lãnh đạo xã có khuyến cáo gì không?”, bà Trà Thị Bông Sen cho biết: “Đất rừng sản xuất ở Ninh Vân không như những nơi khác. Đất ở đây cằn cỗi, người dân trồng keo thì bị bò thả rông phá hết. Thế nên, người dân mới bán đất lấy tiền đầu tư trồng tỏi. Chúng tôi thấy việc người dân chuyển đổi như thế cũng phù hợp”. Tuy nhiên, bà Sen cũng thừa nhận, việc người dân sang nhượng quyền sử dụng đất rừng sản xuất đã gây khó khăn cho công tác quản lý. “Người mua đất rừng sản xuất đa phần là người từ địa phương khác đến; nếu như họ sử dụng sai mục đích thì mình không biết họ ở đâu để xử lý”, bà Sen nói.
Liên quan đến tình hình đất đai ở xã Ninh Vân, ông Mai Ngọc Hải - Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường thị xã Ninh Hòa cho biết, vẫn chưa nắm được cơn sốt đất ở Ninh Vân, cũng như tình trạng người dân nơi đây ồ ạt chuyển nhượng đất rừng. Theo ông Hải, chuyện chuyển nhượng đất đai chỉ Văn phòng Đăng ký quyền sử dụng đất mới nắm được. Khi phóng viên đặt vấn đề về tình trạng người dân chuyển nhượng đất một cách ồ ạt, ông Hải bày tỏ: “Theo Luật Đất đai, người dân có quyền chuyển nhượng quyền sử dụng đất. Việc chuyển nhượng không vi phạm pháp luật thì mình không cản được”! Và theo cách nói của ông Hải, việc người dân nơi đây bán đất rừng ồ ạt cũng là điều rất “bình thường”!
Trong danh sách cấp giấy và đăng ký biến động quyền sử dụng đất của xã Ninh Vân, chúng tôi đã thấy tên của một số người ở Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh thay thế người dân địa phương trong việc sử dụng đất. Không biết rồi đây, người dân Ninh Vân còn giữ lại được bao nhiêu đất rừng sản xuất trong cơn sốt đất chưa có dấu hiệu hạ nhiệt?!
XUÂN THÀNH - MẠNH HÙNG