Trợ lực mạnh mẽ hơn nữa đối với các hợp tác xã (HTX) hoạt động hiệu quả; kiên quyết giải thể những HTX đã dừng hoạt động hoặc hoạt động không hiệu quả, đây là việc làm đang được UBND thị xã Ninh Hòa (Khánh Hòa) tập trung triển khai.
Đề xuất hỗ trợ 3 hợp tác xã
Qua rà soát, mới đây, UBND thị xã Ninh Hòa đề xuất hỗ trợ xây dựng cơ sở hạ tầng đối với 3 HTX trên địa bàn, gồm: HTX Nông nghiệp 1 Ninh Quang, HTX Nông nghiệp 2 Ninh Quang và HTX Nông nghiệp Ninh Đông.
Được biết, HTX Nông nghiệp 1 Ninh Quang với thâm niên 45 năm hình thành và phát triển, vượt qua rất nhiều khó khăn để có thể trụ vững. Đặc biệt, không chỉ thích ứng với sự đổi thay trong cách nghĩ, cách làm kể từ khi có Luật HTX năm 2012, tổ chức kinh tế này còn là lá cờ đầu trong khối HTX nông nghiệp về mức độ hiệu quả. Báo cáo tài chính 3 năm gần nhất cho thấy, tổng doanh thu mỗi năm của HTX Nông nghiệp 1 Ninh Quang đều đạt hơn 1 tỷ đồng. Thương hiệu Gạo Ngọc Quang mà HTX đang tập trung xây dựng đã dần chiếm được chỗ đứng trên thị trường với sản lượng năm sau luôn cao hơn năm trước. Sản phẩm gạo Ngọc Quang được cơ quan chức năng chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm và xác nhận sản phẩm chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn. Tuy nhiên, hiện nay, trụ sở làm việc của HTX này xuống cấp trầm trọng, không đảm bảo an toàn. Với tình hình đó, UBND thị xã Ninh Hòa đã đề xuất ngân sách nhà nước hỗ trợ khoảng 320 triệu đồng cho HTX xây dựng mới trụ sở làm việc.
HTX Nông nghiệp 2 Ninh Quang cũng là đơn vị nhiều năm liền hoạt động hiệu quả. Nhiệm kỳ 2014 - 2019, tổng doanh thu của HTX hơn 6,8 tỷ đồng, lợi nhuận hơn 486 triệu đồng. Không chỉ đứng ra điều hành công tác sản xuất lúa cho thành viên, HTX này còn cung ứng dịch vụ vật tư nông nghiệp, nông giang, lúa giống, tín dụng cho thành viên. Đồng thời, triển khai tốt dịch vụ: làm đất, thu hoạch, thu mua nông sản, mua bán thức ăn gia súc và thuốc thú y nhằm kéo giảm chi phí sản xuất, từ đó mang về lợi nhuận tốt hơn cho người trồng lúa. Để đạt được mục tiêu phát triển bền vững trong thời gian tới, HTX này cần có trụ sở làm việc, sân phơi, nhà kho và cửa hàng vật tư được đầu tư bài bản hơn. Dự kiến, các hạng mục này cần 1,8 tỷ đồng. UBND thị xã Ninh Hòa đã đề xuất ngân sách tỉnh hỗ trợ khoảng 1 tỷ đồng, cùng với ngân sách thị xã 432 triệu đồng và vốn đối ứng của HTX để xây dựng các hạng mục.
Ngoài 2 HTX trên, UBND thị xã Ninh Hòa cũng đề xuất ngân sách tỉnh hỗ trợ 364 triệu đồng, cùng với 156 triệu đồng ngân sách huyện và vốn đối ứng của HTX để xây dựng trụ sở làm việc và cửa hàng vật tư cho HTX Nông nghiệp Ninh Đông.
Giải thể các hợp tác xã không hiệu quả
Đầu năm 2020, qua xác minh, rà soát, trên địa bàn có 15 HTX đã ngừng hoạt động nhiều năm, trong số này có 8 HTX đã tổ chức giải thể. Vì vậy, tháng 1-2020, UBND thị xã ban hành Quyết định giải thể bắt buộc đối với 7 HTX còn lại. Đó là các HTX nông nghiệp: Tân Hưng, Ninh Bình, Ninh Phú, Ninh Thượng 1, Ninh Thượng 2, Ninh Trung 1 và Ninh Trung 2. Đây đa số là các HTX nông nghiệp quy mô nhỏ, hoạt động đơn điệu, chưa xây dựng được mô hình sản xuất, kinh doanh có hiệu quả, chủ yếu vẫn tập trung vào các khâu đầu vào cho sản xuất nông nghiệp như: cung ứng lúa giống, vật tư nông nghiệp, thu hoạch, thủy lợi…
Như vậy, trên địa bàn thị xã Ninh Hòa hiện nay còn 31 HTX, trong đó có 28 HTX hoạt động trong lĩnh vực nông - lâm - ngư nghiệp. Theo Phòng Kinh tế thị xã Ninh Hòa, tổng số thành viên trong các HTX hơn 8.200 người, doanh thu bình quân của các HTX là 6 tỷ đồng/năm, lợi nhuận bình quân mỗi năm của 1 HTX là 200 triệu đồng, thu nhập bình quân của 1 lao động thường xuyên trong HTX đạt mức 40 triệu đồng/năm.
Trong năm 2020, UBND thị xã Ninh Hòa xác định, tiếp tục phát triển kinh tế tập thể vững mạnh. Bên cạnh tuyên truyền, nâng cao hơn nữa nhận thức về kinh tế tập thể, việc nâng cao hiệu quả hoạt động, cải thiện năng lực của đội ngũ quản lý điều hành HTX, kịp thời hỗ trợ các HTX hoạt động có hiệu quả cũng được thị xã coi trọng. Bên cạnh đó, thị xã kiên quyết giải thể đối với các HTX chỉ tồn tại trên danh nghĩa.
Hồng Đăng