1. Người vợ đứng trước tòa có vẻ ngoài khá bản lĩnh. Phiên tòa xét xử vắng mặt người chồng, nhưng không vì vậy mà chị than vãn dông dài chuyện gia đình như thói thường. Chị chỉ trình bày ngắn gọn về lý do chính xin ly hôn sau 4 năm chung sống là do chồng nghiện ma túy. Kiên nhẫn nghe tòa phân tích điều hơn lẽ thiệt về tình cảm vợ chồng, về con chung…, cuối cùng chị vẫn lắc đầu.
Gia đình nhà chồng chị khá giả. Khi mới lấy nhau, chị buôn bán hải sản nên hoàn toàn tự chủ về kinh tế. Tuy biết anh thu nhập chừng 8 - 9 triệu đồng/tháng, nhưng chị chưa từng hỏi anh một đồng, phần bởi không muốn nhà chồng nghĩ chị lấy anh vì tiền, phần vì nghĩ bản thân đủ sức lo kinh tế gia đình, không muốn vợ chồng nặng nề chuyện tiền nong. Rồi chị phát hiện chồng nghiện ma túy, nghiện tới 10 năm, từ trước khi cưới chị! Đúng lúc đó, việc buôn bán của chị gặp thua lỗ. Hiện nay, chị phải ra ngoài thuê nhà ở, cuộc sống rất chật vật nên đành để con trai sống cùng cha và ông bà nội.
Vị hội thẩm phân tích, chị có điểm đáng quý là tự tin, bản lĩnh, nhưng điều này cũng là hạn chế, bởi nó khiến chị quá tự chủ mà chểnh mảng trách nhiệm quán xuyến gia đình. Quán xuyến gia đình không chỉ là lo nội trợ, chăm sóc con cái, mà hiểu rộng ra là phải bao quát mọi công việc, diễn biến trong gia đình. Chị đã có phần lơ là trách nhiệm này nên mới biết sự thể quá muộn. Tuy nhiên, vị này khuyên chị nên nghĩ về đứa con 4 tuổi trước khi quyết định ly hôn, nhất là khi người chồng cũng không muốn chia tay…
Trầm giọng, người vợ cảm ơn phân tích của hội đồng xét xử, nhưng cho biết chị không thay đổi quyết định ly hôn. “Nếu có thay đổi, tôi chỉ muốn thay đổi quyền nuôi con. Thực sự, tôi rất lo lắng khi phải để con trai sống với người cha nghiện ma túy. Tôi e sợ cháu sẽ bị ảnh hưởng khi lớn lên. Tuy nhiên, hoàn cảnh của tôi đang khó khăn, chưa thể nào chăm sóc con chu đáo được. Đó chính là điều khiến tôi day dứt nhất”, chị nói.
2. Cũng tại phòng xử án đó, 3 ngày sau diễn ra phiên tòa xét xử vụ án ly hôn khác. Cô con gái 16 tuổi, tuy bề ngoài nhỏ nhắn nhưng có vẻ chững chạc hơn tuổi đời, bình tĩnh nắm tay động viên mẹ. Còn người mẹ tỏ ra lúng túng khi phải kể chuyện cha mẹ mâu thuẫn trước mặt con cái và khá đông người dự. Sự thật không thể chối cãi mà người chồng vắng mặt cũng thừa nhận trong biên bản hòa giải, đó là 16 năm chung sống, hai vợ chồng thường xuyên cãi vã, bất đồng. 7 năm trước, anh đã có con riêng; hai vợ chồng chính thức ly thân. Hai vợ chồng không bàn cãi chuyện ly hôn mà chỉ không thể thống nhất việc nuôi con chung. Người chồng đề nghị vợ nuôi hết cả 2 con, anh sẵn sàng cấp dưỡng 5 triệu đồng/tháng. Người vợ lại chỉ nhận nuôi con gái lớn và đề nghị chồng nuôi con trai. Người mẹ buồn bã thú nhận, con trai bà bị tự kỷ, tăng động. Hiện giờ, cháu chớm bước vào tuổi dậy thì, tâm sinh lý biến động, đôi khi hung hăng đánh cả chị và mẹ. Chưa kể, cháu còn có nhiều biến đổi sinh lý nhưng không thể kiểm soát… Trong khi đó, bà đang mắc nhiều loại bệnh, sức khỏe rất yếu. Nghe tòa tuyên để con trai cho người cha nuôi, hai mẹ con ôm nhau khóc. “Chồng tôi đã có con riêng và cuộc sống mới. Tôi biết, để con trai cho chồng nuôi là bất đắc dĩ, nhưng không còn cách nào khác”, người mẹ rưng rưng nói.
3. Hai bà mẹ, hai trăn trở khi đành tạm buông lơi sự chăm sóc bấy lâu vẫn dành cho đứa con để ra khỏi cuộc hôn nhân, nhưng chắc chắn còn một nỗi buồn khác, có thể sẽ ngấm dần nay mai. Đó là nỗi buồn của những đứa con khi không còn được chung sống với đủ cả cha và mẹ. Một người dự thở dài: Ly hôn có thể giải thoát cho hai người khi mâu thuẫn trầm trọng, mục đích hôn nhân không đạt được, nhưng chắc chắn tác động tiêu cực tới những đứa con, nên có lẽ, cần cân nhắc thật kỹ trước khi kết hôn.
TAM THUẬT