Trao đổi với Zing.vn, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa Phạm Văn Chi thẳng thắn nói quy hoạch chung của TP Nha Trang đã có và ai làm sai phải chịu trách nhiệm, những công trình sai phạm phải bị cắt bỏ.
Nguyên lý hình răng lược
Ông Chi cho biết thời ông làm chủ tịch tỉnh đã có chủ trương kiểm soát chặt việc cấp phép xây nhà cao tầng ở khu trung tâm, đặc biệt là phía biển. “Hồi đó có quy hạch rõ ràng, hệ thống nhà cao tầng dọc bờ biển phải xây dựng theo nguyên lý hình răng lược. Tức tòa nhà này cách tòa nhà kia một khoảng nhất định, không gian phía sau không mất đi. Nguyên lý hình răng lược sẽ giảm thiểu tối đa việc bê tông hóa, tránh tạo ra bức tường chắn phía bờ biển”, ông Chi nói.
Nhà cao tầng mọc san sát ở TP Nha Trang. Ảnh: Nguyễn Minh. |
Theo ông Chi, sau khi Thủ tướng phê duyệt quy hoạch chung (được ban hành và có hiệu lực từ tháng 9/2012), ông cũng từng góp ý rất nhiều về việc cấp phép xây dựng nhà cao tầng ở khu vực trung tâm TP Nha Trang, nhưng không ai lưu tâm. “Nhà cao tầng cứ cấp phép tràn lan, không tuân thủ kiến trúc đô thị, hậu quả là đến giờ, khu trung tâm rất ngột ngạt”, ông Chi nói.
Nguyên Chủ tịch tỉnh Khánh Hòa nói làm việc gì cũng phải dựa trên luật, trong khi Nha Trang đã có quy hoạch chung được Thủ tướng phê duyệt thì cứ theo đó mà thực hiện. "Ai làm sai thì chịu trách nhiệm, công trình nào sai phạm thì cắt bỏ", ông nói.
Nói về việc Khánh Hòa đang tìm các giải pháp để “giải cứu” Nha Trang và cụ thể hóa quy hoạch của Thủ tướng, ông Chi cho rằng điều đó là cần thiết, nhưng vin vào đó để nói làm cho phố biển tốt hơn thì chưa hẳn đúng.
“Quy hoạch có rồi, nhưng thực hiện không nghiêm, giờ vin vào cớ chưa có quy chế để đổ lỗi cho sai phạm là nguy biện. Trong quy hoạch chung, TP Nha Trang được Thủ tướng phê duyệt nêu rõ ở dải đô thị ven biển, trong đó có các khu trung tâm (dọc đường Trần Phú, Phạm Văn Đồng), chỉ cho phép xây cao tối đa 40 tầng, mật độ xây dựng chỉ được 40%", ông Chi nói.
"Thế nhưng, giờ toàn nhà cao tầng, thậm chí đã có tòa nhà cao 43 tầng được cấp phép xây dựng. Đây rõ ràng là làm trái quy hoạch còn gì", ông Chi phân tích thêm và nói nếu muốn xây nhà cao tầng cứ lên phía tây Nha Trang, cấp phép xây cao 100, 200 tầng cũng được. "Tại sao cứ nhăm nhăm vào khu vực trung tâm?".
Sau 7 năm từ khi Thủ tướng phê duyệt quy hoạch chung Nha Trang, mật độ xây dựng khu vực trung tâm, nhất là dọc đường Trần Phú và Phạm Văn Đồng rất dày đặc. Nhiều dự án cao ốc, khách sạn cao tầng vi phạm rất rõ về về luật Xây dựng.
“Cái vi phạm này rõ ràng không cần phải có quy chế mới thực hiện được. Nên giờ có ban hành cái gọi là quy chế gì đó thì chưa chắc giải quyết được vấn đề sai phạm tràn lan về xây dựng ở Nha Trang. Nếu cứ chạy theo tiêu chí kinh tế như hiện tại rất khó để sửa sai và thực hiện nghiêm quy hoạch của Thủ tướng”, ông Chi nhìn nhận.
Người dân gánh hậu quả
Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Lộc, Chủ tịch Hội Kiến trúc sư tỉnh Khánh Hòa, nguyên Giám đốc Sở Xây dựng, chỉ ra rằng hầu hết dự án được tỉnh phê duyệt từ năm 2012 đến nay đều có mật độ xây dựng không dưới 60%. Có dự án còn cho xây dựng mật độ lên tới gần 70% so với quy định của Thủ tướng.
Hàng loạt công trình khách sạn trong hẻm Tôn Đản mọc lên không đảm bảo khoảng lùi xây dựng. Ảnh: An Bình. |
Theo ông Lộc, trong thời gian dài Nha Trang chỉ cấp phép nhà cao tầng, khách sạn khi đã đảm bảo khoảng lùi xây dựng, nếu ở mặt tiền đường Trần Phú, phải đảm bảo khoảng cách với công trình bên cạnh theo nguyên lý hình răng lược. Trong quy hoạch chung được Thủ tướng phê duyệt, khu trung tâm Nha Trang cũng chỉ cho xây nhà cao tối đa 40 tầng.
Tuy nhiên, theo ông Lộc, điều này không có nghĩa chúng ta dựng một hệ thống nhà cao 40 tầng ở mặt tiền Trần Phú. "Trong quy hoạch kiến trúc và thiết kế đô thị có cái gọi là nhịp điệu đô thị, nôm na như nguyên lý răng lược mà chúng tôi áp dụng trước khi có quy hoạch chung Nha Trang vậy", ông Lộc nói.
Nói về hậu quả của việc cấp phép xây dựng vượt trần, với mật độ quá dày đặc ở Nha Trang hiện nay, ông Lộc cho rằng chính người Nha Trang phải hứng chịu những tác động đó.
Tốc độ xây dựng nhanh, mật độ dày đặc sẽ dẫn đến mật độ dân số, giao thông tăng theo, gây ách tắc đường sá, một số nơi mất an toàn khi có sự cố về cháy nổ.
"5 năm trở lại đây Nha Trang trở nên quá chật chội, tình trạng quá tải chắc chắn sẽ còn kéo dài. Từ một thành phố biển đáng sống, nay Nha Trang quá chật, chúng ta đang phải trả giá cho việc phá vỡ quy hoạch. Tôi hay nói chỉ cần ra đường, đi một vòng là biết ngay hậu quả, điều này người dân Nha Trang thấu hiểu, không cần gì phải chuyên gia hay hội đồng này nọ", ông Lộc nói thêm.
TP Nha Trang, Khánh Hòa. Ảnh: Google Maps. |
Lý do có những con hẻm 'chết người' ở Nha TrangQuy hoạch chung được Thủ tướng phê duyệt từ năm 2012 nhưng chính quyền thực hiện không đầy đủ, nghiêm minh khiến Nha Trang phát triển méo mó. |
Những con hẻm 'chết người' ở Nha TrangTốc độ đô thị hóa quá nhanh, hạ tầng giao thông không đáp ứng kịp nhu cầu xây dựng. Nhà cao tầng, khách sạn mọc lên như nấm đang khiến Nha Trang ngày càng chật chội. |