Nhiều bất cập trong quy định quy hoạch, xây dựng

Thứ hai - 20/09/2021 12:27
Hiện nay, các quy định của pháp luật về quy hoạch đô thị, quy hoạch xây dựng vẫn còn nhiều bất cập, khó thi hành trên thực tế. Vì vậy, mới đây, UBND tỉnh Khánh Hòa đã có báo cáo gửi Bộ Xây dựng về thực trạng và kiến nghị giải quyết các vướng mắc.   Báo Khánh Hòa điện tử, Cơ quan của Đảng Bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Khánh Hòa
Nhiều bất cập trong quy định quy hoạch, xây dựng

Hiện nay, các quy định của pháp luật về quy hoạch đô thị, quy hoạch xây dựng vẫn còn nhiều bất cập, khó thi hành trên thực tế. Vì vậy, mới đây, UBND tỉnh Khánh Hòa đã có báo cáo gửi Bộ Xây dựng về thực trạng và kiến nghị giải quyết các vướng mắc.


Quy định mâu thuẫn, chưa phù hợp


Theo lãnh đạo Sở Xây dựng, hiện nay, trong hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về quy hoạch, xây dựng có một số quy định chưa thống nhất, chưa đầy đủ hoặc quy định mâu thuẫn nhau, dẫn tới nhận thức khác nhau. Ví dụ, quy định tại Điều 25 Luật Xây dựng có thể hiểu: Đồ án quy hoạch chung xây dựng khu chức năng là cơ sở lập đồ án quy chi tiết, mà không cần thực hiện lập quy hoạch phân khu. Thực tế cho thấy, khi địa phương giải trình việc lập đồ án quy hoạch chi tiết (quy mô dưới 500ha) mà chưa có quy hoạch phân khu đều không được chấp thuận do Luật Xây dựng chưa xác định diện tích tối thiểu phải lập đồ án quy hoạch phân khu. Quy định dưới 500ha phải lập quy hoạch phân khu gây lãng phí nguồn lực bởi thực tế nhiều khu chỉ 5 - 6ha. Với quy định chưa cụ thể nêu trên dẫn tới tại một khu vực có diện tích nhỏ, khi lập đồ án quy hoạch phải thực hiện 2 lần lập quy hoạch: Phân khu và chi tiết.

 

Một góc TP. Nha Trang.

Một góc TP. Nha Trang.


Bên cạnh đó, căn cứ các quy định của Luật Xây dựng có thể hiểu: UBND cấp huyện không lập đồ án quy hoạch chung, quy hoạch phân khu xây dựng khu chức năng, nhưng được lập đồ án quy hoạch xây dựng vùng huyện. Khi UBND tỉnh tổ chức lập quy hoạch theo thẩm quyền sẽ giao cho Sở Xây dựng là cơ quan lập quy hoạch, đồng thời là cơ quan thẩm định quy hoạch. Tuy nhiên, nếu làm như vậy thì Sở Xây dựng sẽ “vừa đá bóng, vừa thổi còi” trong quá trình lập và triển khai quy hoạch.


Ông Trần Nam Bình - Giám đốc Sở Xây dựng cho biết, tại Khoản 2 Điều 41 Nghị định 15 của Chính phủ ban hành ngày 3-3-2021 quy định: Đối với khu vực chưa có quy hoạch đô thị, quy hoạch xây dựng khu chức năng hoặc quy hoạch chi tiết điểm dân cư nông thôn thì quy hoạch có tính chất kỹ thuật, chuyên ngành có liên quan… là cơ sở cấp phép xây dựng. Tuy nhiên, theo Khoản 1 Điều 13 Luật Xây dựng, quy định: Quy hoạch xây dựng vùng liên huyện, quy hoạch xây dựng vùng huyện, quy hoạch xây dựng khu chức năng là quy hoạch có tính chất kỹ thuật, chuyên ngành”. 2 quy định này trái ngược nhau nên rất khó cấp phép xây dựng đối với khu vực chưa có quy hoạch đô thị, quy hoạch xây dựng khu chức năng hoặc quy hoạch chi tiết điểm dân cư nông thôn.


Kiến nghị sửa đổi, bổ sung


Mới đây, UBND tỉnh đã có văn bản kiến nghị Bộ Xây dựng xem xét đề xuất sửa đổi, bổ sung một số quy định để tạo sự nhất quán trong cách hiểu và vận dụng, bám sát thực tiễn. Cụ thể là những nội dung trong Luật Quy hoạch đô thị và nội dung quy hoạch xây dựng cần bảo đảm phù hợp với thực tiễn, thống nhất việc áp dụng; thuận lợi trong công tác quản lý các hoạt động về đầu tư xây dựng; không mâu thuẫn với các quy định của pháp luật có liên quan. Bên cạnh đó, nghiên cứu kiến nghị của các nhà đầu tư về đầu mục thủ tục thực hiện dự án (từ công tác lập quy hoạch, giao đất, đánh giá môi trường đến phòng cháy, chữa cháy, chấp thuận độ cao tĩnh không, chấp thuận về an ninh - quốc phòng, giấy phép xây dựng…) nhằm giảm thiểu các thủ tục hành chính. Nội dung nào đã được thực hiện, quy định tại bước lập quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết mà cơ quan liên quan đã có ý kiến chấp thuận, được phê duyệt thì không lặp lại tại bước thực hiện dự án.


UBND tỉnh kiến nghị, đối với các dự án đầu tư nguồn vốn khác, pháp luật xây dựng chỉ nên quản lý về quy hoạch xây dựng, môi trường và tiến độ đầu tư. UBND tỉnh cho rằng, trong điều kiện nguồn nhân lực còn hạn chế, các nội dung về chất lượng công trình nhà đầu tư hoàn toàn chịu trách nhiệm và chịu sự chi phối của của thị trường, hợp đồng kinh tế trên cơ sở pháp luật xây dựng; đồng thời quy định chặt chẽ công tác hậu kiểm trước khi đưa sản phẩm vào sử dụng bằng các tiêu chí, quy chuẩn, tiêu chuẩn cụ thể do hội đồng ngành và cơ quan quản lý xây dựng đánh giá. Như vậy, sẽ tự điều chỉnh ý thức, trách nhiệm của chủ đầu tư bắt buộc thi hành pháp luật xây dựng để được đưa sản phẩm vào sử dụng, kinh doanh. Việc này sẽ làm giảm được khối lượng công việc mang tính hình thức của các cơ quan quản lý nhà nước với mục tiêu cuối cùng là thực hiện công tác quản lý nhà nước có trọng tâm, thực hiện việc giám sát, điều hành được tốt hơn.


VĂN KỲ
 

Tiêu điểm
Tin mới
Nhà đất
Xã hội
Tổng hợp