UBND TP. Nha Trang đang tổ chức lấy ý kiến cộng đồng dân cư về dự thảo Quy chế Quản lý quy hoạch, kiến trúc khu đô thị ven biển. Nếu quy chế được thông qua, sẽ quản lý về độ cao, mật độ xây dựng và định hướng phát triển cụ thể ở từng khu vực đô thị ven biển Nha Trang.
Thay thế quy hoạch 1/500
Theo lãnh đạo Sở Xây dựng, quy chế này quy định quản lý cụ thể về quy hoạch, kiến trúc theo từng ô phố, trong phạm vi 2.781ha thuộc Khu đô thị ven biển TP. Nha Trang. Phạm vi quản lý theo quy chế được giới hạn: Phía bắc giáp núi Cô Tiên, phường Vĩnh Hòa; phía nam giáp sông Tắc và vịnh Nha Trang; phía tây giáp các xã: Vĩnh Ngọc, Vĩnh Hiệp, Vĩnh Thái và giáp sông Quán Trường; phía đông giáp vịnh Nha Trang.
Sở Xây dựng cũng chia ra 7 khu vực để dễ dàng áp dụng quy chế quản lý. Cụ thể, khu 1 là khu vực phía nam mũi Kê Gà đến núi Hòn Một; khu 2 là khu vực phía nam núi Cô Tiên và phía nam núi Hòn Một đến phía bắc sông Cái; khu 3 là khu vực phía nam sông Cái đến phía bắc đường 23-10, Yersin và cồn Nhất Trí; khu 4 là khu vực phía nam đường Yersin đến phía bắc đường Nguyễn Thị Minh Khai; khu 5 là khu vực phía nam đường Nguyễn Thị Minh Khai đến phía bắc đường Nguyễn Đức Cảnh - Hoàng Diệu; khu 6 là khu vực phía tây đường Lê Hồng Phong đến sông Quán Trường; khu 7 là khu vực phía nam đại lộ Nguyễn Tất Thành - Nguyễn Đức Cảnh - Hoàng Diệu.
Lãnh đạo Sở Xây dựng cho biết, qua khảo sát, hiện nay, khu vực 1 có nhiều dự án ở núi Cô Tiên chưa hoàn thiện, hạ tầng đô thị ở phường Vĩnh Hòa không có bản sắc, chưa khai thác và phát huy được giá trị của quỹ đất còn tương đối trống với địa thế rất đẹp. Tại khu vực 2, ở các phường: Vĩnh Thọ, Vĩnh Phước, Vĩnh Hòa và Vĩnh Hải, đô thị phát triển với mật độ cao, chất lượng môi trường sống đô thị tại nhiều khu vực còn thấp, hạ tầng thiếu thốn. Trong khi đó, ở các khu vực 3, 4 và 5 có mật độ xây dựng cao, đường giao thông nhỏ hẹp, nhiều công trình cao tầng và các trung tâm thương mại. “Đa số các công trình có khối tích lớn, dẫn đến cảm giác ngột ngạt, chật chội trong không gian và làm gia tăng đột biến hệ số sử dụng đất cục bộ tại một số khu vực. Do đó, cần có các quy định phù hợp hơn với các chỉ số về mật độ xây dựng và hệ số sử dụng đất cho hài hòa với hiện trạng hệ thống hạ tầng kỹ thuật của Nha Trang, đặc biệt là năng lực của hệ thống giao thông”, lãnh đạo Sở Xây dựng cho biết.
Được biết, quy chế này khi được thông qua có thể thay thế quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 và là cơ sở để lập các dự án đầu tư, cấp phép xây dựng. Để đảm bảo yêu cầu kết nối, phát triển không gian và hạ tầng kỹ thuật trong các khu vực xây dựng mới, tái phát triển hoặc cải tạo nâng cấp thì có thể lập bổ sung hoặc điều chỉnh quy hoạch chi tiết. Tuy nhiên, nội dung của các đồ án quy hoạch chi tiết bổ sung hoặc điều chỉnh cần tuân thủ các quy định của quy chế này.
Lùi 1m được tăng 1 tầng
Hiện nay, UBND TP. Nha Trang đang tổ chức lấy ý kiến cộng đồng dân cư về quy chế này (từ ngày 10-9 đến hết ngày 20-10). Lãnh đạo UBND TP. Nha Trang cho biết, quy chế Quản lý quy hoạch, kiến trúc Khu đô thị ven biển Nha Trang nhằm cụ thể hóa đồ án Điều chỉnh Quy hoạch chung TP. Nha Trang đến năm 2025 và các đồ án quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết có liên quan, đảm bảo phù hợp với các điều kiện hiện trạng. Khi quy chế được thông qua, sẽ tạo cơ sở pháp lý để quản lý đầu tư xây dựng mới, nâng cấp, cải tạo, chỉnh trang các công trình kiến trúc, hạ tầng kỹ thuật và không gian cảnh quan trong khu vực. |
Theo quy định tại quy chế, khoảng lùi công trình đảm bảo tuân thủ quy chuẩn xây dựng Việt Nam, đồng thời phải đảm bảo tổng kích thước của vỉa hè và khoảng lùi công trình tối thiểu là 7m. Đối với các khu vực xây dựng mới, khoảng cách giữa các công trình tuân thủ quy chuẩn xây dựng Việt Nam nhưng phải đảm bảo khoảng cách giữa các mặt tiền 2 công trình lân cận từ 15m đến 25m trở lên tùy thuộc bề dày công trình. Đối với các công trình xây dựng xen cấy vào các khu phố liên kế hiện hữu, khi xây dựng công trình cao từ 9 tầng trở lên cần đảm bảo đường cứu hỏa đi xung quanh công trình theo các quy định về phòng cháy chữa cháy. Đối với các công trình có khoảng lùi lớn hơn khoảng lùi tối thiểu bắt buộc, cứ 1m khoảng lùi tăng thêm thì công trình được xây dựng cao hơn thêm 1 tầng so với chiều cao tối đa cho phép, nhưng phải đảm bảo không vượt hệ số sử dụng đất cho phép.
Theo Sở Xây dựng, khi muốn xây dựng công trình cao từ 9 tầng trở lên, tổ chức hoặc cá nhân cần đóng góp 10% quỹ đất tích tụ được để xây dựng vườn hoa, sân chơi công cộng hoặc mở đường giao thông góp phần nâng cấp hệ thống giao thông chung của ô phố đó hoặc khu vực lân cận. Nếu diện tích khoảng lùi công trình được thiết kế tách ra khỏi không gian sử dụng của công trình và thuận lợi để thành điểm dừng chân, chỗ ngồi giao lưu công cộng mà mọi người dân và du khách có thể sử dụng thì diện tích khoảng lùi đó có thể được quy đổi vào diện tích 10% vườn hoa, sân đường công cộng. Khi tính mật độ xây dựng, không tính diện tích 10% này vào diện tích khu đất. Quy chế cũng định hướng phát triển cho các khu vực cảnh quan dọc sông Cái và xác định đây là mặt tiền quan trọng thứ 2 của Nha Trang; quy định tổ chức không gian đối với 7 khu vực.
NHẬT THANH