Làm báo thời nào cũng vất vả. Nhưng làm báo trong những năm đầu khi đất nước vừa thống nhất, thiếu thốn đủ bề để lại ký ức sâu đậm trong lòng những người làm báo kỳ cựu ở Khánh Hòa.
Làm báo thời gian khó
Trong ký ức của nhà báo Nguyễn Ngọc - nguyên Tổng Biên tập Báo Khánh Hòa, những ngày làm báo sau giải phóng rất nhiều khó khăn nhưng đầy ắp kỷ niệm. Cuối năm 1975, cùng với việc sáp nhập 2 tỉnh Phú Yên và Khánh Hòa thành tỉnh Phú Khánh, 2 tờ báo Giải phóng Phú Yên và Giải phóng Khánh Hòa cũng được hợp nhất thành Báo Phú Khánh. “Lúc ấy, đội ngũ những người làm báo còn khá mỏng, mọi thứ vẫn còn rất khó khăn nên báo chỉ phát hành 10 ngày/kỳ, mỗi số 4 trang, sau đó ra 7 ngày/kỳ. Thời đó, báo in bằng máy in ty-pô cũ kỹ nên phải sắp chữ bằng chì. Thợ sắp chữ mày mò từng con chữ để sắp một tin, bài rồi dập lên giấy thấm nước, dò sửa nhiều lần cho hết sai sót mới đưa vào máy in. Mỗi lúc thay đổi tin, bài để đáp ứng yêu cầu thời sự gặp nhiều khó khăn”, nhà báo Nguyễn Ngọc nhớ lại.
Vào Báo Phú Khánh từ tháng 6-1976, nhà báo Huy Thân - nguyên phóng viên ảnh của Báo Khánh Hòa vẫn nhớ khi ấy phim rất quý nên việc chụp ảnh phải dè xẻn. Mỗi số báo cũng chỉ dùng 3 - 4 ảnh. Thời đó, muốn in được ảnh phải làm bản kẽm, tranh minh họa phải nhờ họa sĩ khắc gỗ nên để có được một tấm ảnh hay tranh minh họa phải chuẩn bị trước 2 - 3 tuần. Với số báo đặc biệt cần nhiều ảnh, tranh minh họa có khi phải chuẩn bị trước cả tháng. Đến giờ, nhà báo Huy Thân vẫn nhớ những lần đi chụp ảnh khánh thành trạm điện ở huyện Khánh Sơn, thanh niên xung phong đi khai hoang ở Đất Sét (huyện Diên Khánh)… Đặc biệt là sự kiện chuyến tàu thống nhất đầu tiên kết nối hai miền Nam - Bắc tháng 12-1976. “Hai con tàu thống nhất gắn tấm ảnh Bác Hồ phía trước đầu máy cùng lúc xuất phát từ Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh khai thông tuyến đường sắt huyết mạch Bắc - Nam trong niềm phấn khởi của người dân cả nước. Người dân đứng chật hai bên đường ray ở ga Nha Trang để chào đón đoàn tàu. Tôi đứng chụp ảnh mà lòng run lên vì xúc động…”, nhà báo Huy Thân nhớ lại!
Chính những khó khăn đó đã dẫn đến một quyết định rất táo bạo của tòa soạn, là xây dựng nhà in. Nhà báo Nguyễn Ngọc khi ấy là Phó Tổng Biên tập Thường trực Báo Phú Khánh (lúc ấy đồng chí Trần Chi - Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy kiêm Tổng Biên tập) đề xuất với Tỉnh ủy cho báo xây dựng nhà in riêng để chủ động việc in báo. Sau khi được Tỉnh ủy đồng ý, Báo Phú Khánh đã cử cán bộ đi TP. Hồ Chí Minh để tìm mua máy in. “Sau chuyến đi tiền trạm của anh em, tháng 3-1977, tôi đi TP. Hồ Chí Minh để làm thủ tục nhận về 2 máy in offset đặt tay, trong đó 1 máy do anh Lê Huỳnh (quê Tuy An, Phú Yên) hiến tặng cho quê hương. Sau khi làm thủ tục, hơn tháng sau chúng tôi đem máy về Nha Trang, nhờ thợ từ TP. Hồ Chí Minh ra lắp ráp máy. Đồng thời, chúng tôi phải cấp tốc đào tạo công nhân để thành lập nhà in. Đầu tháng 9-1978, Báo Phú Khánh chính thức in tại nhà in riêng của mình trong niềm tự hào và vui mừng khôn xiết”, nhà báo Nguyễn Ngọc nhớ lại. Nhưng đó là một niềm vui không trọn vẹn, bởi trong chuyến đi TP. Hồ Chí Minh để nhận máy, Phó Tổng Biên tập Nguyễn Hồng không may bị tai nạn qua đời. Đó là nỗi đau không thể nào quên trong lòng thế hệ những người làm Báo Phú Khánh ngày ấy.
Những kỷ niệm đáng nhớ
Trong ký ức những người công tác lâu năm ở Báo Khánh Hòa, giai đoạn tỉnh Phú Khánh chưa chia tách là thời kỳ làm báo khó khăn nhất. Địa bàn của tỉnh rất rộng nên phóng viên phải bắt xe đò về các huyện rồi đạp xe về các xã, nhiều khi mất cả ngày mới tới được cơ sở. Xe đò chạy bằng than nên khi gặp gió xuôi chiều, khói bụi và than bám đầy người. Nhiều chuyến đi dài ngày là phải mang theo gạo, đến nơi nhờ nhà bếp tập thể ở các huyện nấu cơm. Vất vả là vậy, nhưng phóng viên vẫn rất yêu nghề.
Nhà báo Nguyễn Thị Bích Thủy - nguyên Tổng Biên tập Báo Khánh Hòa về báo năm 1979. Lúc đó, là phóng viên trẻ nên bà thường được phân công đi các địa bàn xa như: Đồng Xuân, Tuy An, Sơn Hòa… Nhà báo Bích Thủy kể: “Năm 1981, đèo Cù Mông bị sạt lở vì bão lũ, đường giao thông bị hư hỏng nặng. Tôi cùng một phóng viên ảnh được phân công đi viết bài phản ánh sự cố. Chúng tôi đã phải lội trong bùn đá từ chân đèo đến đỉnh đèo để lấy tư liệu. Sau này, tôi có thêm hai đợt ra Tuy An công tác nhưng gặp phải lũ lụt, ô tô không chạy được nên phải leo lên đường ray xe lửa mà đi. Thời đó phụ nữ hay mang guốc, hễ xỏ guốc vào thì khó đi còn để chân trần thì đá châm đau điếng, mà quãng đường từ Chí Thạnh lên Xuân Sơn đâu phải là ngắn”.
Về báo sau nhà báo Bích Thủy vài năm, nhà báo Phạm Ngọc Anh - nguyên Phó Tổng Biên tập Báo Khánh Hòa cũng đã được trải nghiệm “con đường đau khổ” cùng với những chiếc xe đò. Nhà báo Ngọc Anh kể: “Một lần tôi đi Sông Cầu viết ghi nhanh về lễ giao quân, phải đi từ hôm trước, ngủ lại ở huyện để sáng sớm hôm sau kịp làm. Sau khi lấy đủ thông tin, tôi bắt xe để về lại Nha Trang. Nhưng xe chạy chỉ vài chục kilômét bị hỏng nên đến gần nửa đêm mới về đến Nha Trang. Về đến nơi là viết ngay để hôm sau nộp bài cho tòa soạn đánh máy”.
Khó khăn với những người làm báo còn kéo dài đến thập niên 90, nhất là với những người làm thường trú cho các tờ báo Trung ương và TP. Hồ Chí Minh. Nhà báo Khuê Việt Trường nhớ lại: “Đầu thập niên 90, tôi cộng tác với Báo Người Lao động. Trong trận lụt năm 1993, từ Nha Trang tôi đi Phú Yên bằng xe cánh én (cup 78). Đến Hảo Sơn (huyện Đông Hòa, Phú Yên) thì nước ngập, chỉ còn đường ray xe lửa. Tôi phải dắt xe đi trên đường ray hơn 10 cây số, ghé UBND huyện Phú Lâm nhờ điện thoại gọi về tòa soạn. Đi trên đường bị mất một chiếc dép và trong túi chỉ có 100.000 đồng. Tới Tuy Hòa, tôi ngủ nhờ trên chiếc ghế xếp của Liên đoàn Lao động tỉnh Phú Yên. Viết bài trên giấy xong, tôi đến bưu điện nhờ fax bài về tòa soạn vì khi ấy fax rất khó. Sáng hôm sau nước rút, tôi phóng xe về Nha Trang rửa ảnh gửi xe đò mang vào tòa soạn…”.
Ân tình của người dân
Chuyện làm báo ngày ấy không chỉ có vất vả mà còn cả những ân tình giữa các đồng nghiệp, giữa người dân và nhà báo. Nhà báo Huy Thân cùng các đồng nghiệp vẫn nhớ những năm tháng đi thường trú ở Phú Yên. Từ Tuy Hòa, ông vẫn thường đạp xe đi về làng muối Tuyết Diêm, hợp tác xã đan thảm xơ dừa ở xã Xuân Bình, thị xã Sông Cầu; rồi đi về các xã miền biển của Tuy An. Rất nhiều lần, ông ăn cơm ké ở nhà ăn của Huyện ủy dù lúc đó vẫn còn chế độ tem phiếu. “Tôi nhớ nhất lần đi công tác ở xã Cà Lúi, huyện miền núi Sơn Hòa. Từ huyện, tôi cùng già làng Ama Lăng đi bộ gần 1 ngày mới về đến xã, đôi dép đứt quai phải lấy dây rừng buộc tạm để đi. Đến nơi, tôi ăn ở cùng đồng bào, chụp ảnh về sản xuất, nếp sinh hoạt văn hóa. Ngày chia tay, nhiều bà con còn ra tiễn rất xúc động”, nhà báo Huy Thân kể.
Nhà báo Ngọc Anh vẫn nhớ như in bữa cơm với đồng bào dân tộc thiểu số trong lần đi công tác ở huyện Sông Hinh. “Bữa ấy, đồng bào mời ở lại ăn cơm, trước tấm chân tình đó tôi không thể từ chối. Chúng tôi ngồi trên nhà sàn giữa rừng xanh, gió ngàn. Cơm được nấu bằng gạo rẫy vừa thu hoạch, ăn cùng canh đầu cá khô nấu với lá giang, muối rang giã với ớt rừng… Chỉ vậy thôi nhưng tôi ăn rất ngon miệng. Dường như đó là bữa cơm ngon nhất trong đời làm báo của tôi”, nhà báo Ngọc Anh nhớ lại.
THÀNH NGUYỄN