Để đáp ứng nhu cầu vay vốn phát triển sản xuất, kinh doanh vào những tháng cuối năm, một số ngân hàng đã triển khai thêm nhiều sản phẩm vay vốn dành cho doanh nghiệp (DN) ở các lĩnh vực mà Nhà nước ưu tiên.
Người vay gặp áp lực về tăng lãi suất
Quyết định điều chỉnh lãi suất từ Ngân hàng Nhà nước Việt Nam trong thời gian qua đã tác động lên hệ thống tài chính. Lãi suất huy động tiết kiệm tiền đồng của các ngân hàng tiếp tục tăng thêm từ 0,2 đến 0,6%/năm tùy theo từng kỳ hạn. Ngoài ra, một số ngân hàng còn áp dụng chính sách lãi suất tăng dần từ 0,2 đến 1%/năm theo số tiền khi khách hàng gửi tiền từ 100 triệu đồng trở lên. Việc tăng lãi suất huy động là tín hiệu vui đối với nhiều người gửi tiền, đồng thời bảo đảm thanh khoản cho các tổ chức tín dụng vào dịp cuối năm và có điều kiện cung ứng vốn tín dụng cho nền kinh tế.
Tuy nhiên, khi lãi suất tiền gửi tăng, tất yếu lãi suất cho vay cũng sẽ tăng theo. Trên thực tế, đầu tháng 11-2022, một số ngân hàng đã cập nhật biểu lãi suất cho vay mới với mức tăng từ 0,5% đến 1,2%/năm so với trước. Trong khi đó, kinh tế trong nước mới phục hồi sau thời gian dài bị ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, hiệu quả sản xuất, kinh doanh của DN chưa cao nên việc phải trả lãi suất cao sẽ là gánh nặng tài chính rất lớn đối với DN vay vốn; đồng thời tác động lớn lên giá thành sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, gây sức ép cho quá trình cạnh tranh trên thị trường. Ông Bùi Minh Thắng - Giám đốc Công ty TNHH Du lịch Thương mại Phương Thắng (TP. Nha Trang) cho biết, DN đang gặp áp lực lớn về lãi suất các khoản vay ngân hàng. Trước đây, với lãi suất dưới 8%, DN dễ dàng xoay xở và có động lực đầu tư mới, làm ăn trả nợ ngân hàng. Hiện nay, lãi suất đã tăng lên 11% nên DN gặp rất nhiều khó khăn.
Nới chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cho lĩnh vực ưu tiên
Cuối năm là thời điểm các DN tăng cường sản xuất, chuẩn bị hàng hóa để đáp ứng nhu cầu mua sắm của người tiêu dùng trong dịp Tết Nguyên đán và triển khai kế hoạch cho năm tới. Do đó, đa số DN đều có nhu cầu lớn về vốn để đưa vào sản xuất, kinh doanh. Tuy nhiên, hiện nay, không phải DN nào cũng tiếp cận được vốn vay khi giới hạn cấp tín dụng của các ngân hàng đã hết. Là công ty chuyên cung cấp giống và thức ăn cho người dân nuôi gà ta bản địa, Công ty TNHH Thương mại Sản xuất Đông Phương Khánh Hòa (thị xã Ninh Hòa) đang có nhu cầu vay vốn để đầu tư sản xuất, kinh doanh. Tuy nhiên, theo ông Trần Quốc Chánh - Giám đốc công ty, đến thời điểm này, DN chưa vay được vốn ngân hàng, trong đó vướng mắc lớn nhất là các điều kiện, tiêu chí vay vốn.
Nhận thấy rõ nhu cầu vay vốn của các DN cho hoạt động sản xuất những tháng cuối năm, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã điều chỉnh nới chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cho các ngân hàng thương mại, gia tăng nguồn vốn cung ứng cho các khoản vay của DN thuộc 5 lĩnh vực ưu tiên, gồm: Nông nghiệp và nông thôn, xuất khẩu, DN vừa và nhỏ, công nghiệp hỗ trợ, ứng dụng công nghệ cao. Theo đó, có 15 ngân hàng thương mại được Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cấp thêm tín dụng; ước tính sẽ có khoảng hơn 400.000 tỷ đồng đáp ứng nhu cầu vốn cho doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh từ nay đến cuối năm.
Bà Hồ Thị Mai Trang - Trưởng phòng Khách hàng Doanh nghiệp Vietcombank Khánh Hòa cho biết: “Đối với các khách hàng vay vốn trong lĩnh vực sản xuất và xuất khẩu, khách hàng hoạt động trong các lĩnh vực ưu tiên của Chính phủ, Vietcombank Khánh Hòa vẫn áp dụng mức lãi suất ưu đãi ngắn hạn từ 7,5 đến 8,5%/năm tùy kỳ hạn; lãi suất vay trung dài hạn ở mức 9,5 đến 10,5%/năm”.
Bên cạnh đó, một số ngân hàng cũng triển khai thêm các sản phẩm cho vay dành cho DN ở các lĩnh vực Nhà nước ưu tiên. Đơn cử như Sacombank vừa triển khai sản phẩm cho vay kinh doanh trả góp dành cho DN vừa và nhỏ nhằm bổ sung vốn phục vụ sản xuất, kinh doanh. DN sẽ giảm áp lực trả nợ do thời gian vay lên đến 60 tháng thay vì phải trả nợ trong vòng 1 năm như thông thường. Từ nay đến hết ngày 31-12, BIDV cũng triển khai chương trình cho vay ưu đãi và các chính sách miễn giảm phí cạnh tranh đối với khách hàng DN trong lĩnh vực xuất nhập khẩu. Đây là chương trình ưu đãi lớn nhất năm của BIDV dành cho nhóm khách hàng này…
Theo báo cáo của Cục Thống kê tỉnh, đến cuối tháng 10-2022, huy động vốn toàn tỉnh đạt 110.180 tỷ đồng, tăng 19,65% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, huy động bằng đồng Việt Nam đạt 107.340 tỷ đồng, tăng 18,87%; huy động bằng ngoại tệ đạt 2.840 tỷ đồng, tăng 58,66%. Dư nợ cho vay của các tổ chức tín dụng đạt 112.710 tỷ đồng, tăng 13,51% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, dư nợ bằng đồng Việt Nam 105.380 tỷ đồng, tăng 11,85%; dư nợ bằng ngoại tệ 7.330 tỷ đồng, tăng 44,41%. Doanh số cho vay 10 tháng đạt 129.883 tỷ đồng, tăng 23,59% so với cùng kỳ năm trước. |
DUNG TUỆ