Nguồn lợi thủy sản cạn kiệt bởi nạn đánh bắt bằng giã cào

Thứ hai - 23/07/2018 22:03
Mặc dù tỉnh Khánh Hòa đã nghiêm cấm sử dụng tàu giã cào đánh bắt hải sản, nhưng tại nhiều địa phương, việc sử dụng các công cụ này để đánh cá vẫn diễn ra công khai. Điều này không chỉ khiến nguồn lợi thủy sản dần cạn kiệt, “tận diệt” mà môi trường sinh thái biển đang bị ảnh hưởng nặng nề. Ngăn chặn vấn nạn này đang là bài toán khó đối với ngành chức năng của Khánh Hòa.

Tới nhiều khu chợ, các vị trí dọc biển trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa, chúng tôi bắt gặp tình trạng buôn bán cá hổ lốn đủ loại. Tại Cảng cá Vĩnh Lương, người thu mua cá, tôm do đánh bắt giã cào rất đông, những sọt cá, tôm li ti đầy chợ. Các đầu nậu thu mua rồi chuyển đi làm thức ăn cho tôm hùm.

Chị Minh, một chủ thu mua cá giã cào tại chợ Vạn Lương cho biết: “Hàng ngày tôi thu mua trên 1 tấn cá hổ lốn này. Mỗi sọt cá khoảng 30kg chỉ có giá 130.000 đồng. Sau đó, chở bán cho các hộ nuôi tôm hùm với giá 150.000 đồng. Cá ở khu chợ này hầu hết là do người dân đánh bắt giã cào. Cá lớn thì để ăn, cá bé thế này chỉ làm mồi cho tôm hùm”.

Còn theo anh Nguyễn Phú, một ngư dân tại xã Vạn Lương: “Tại làng cá Vạn Lương này có hàng trăm hộ dân sống bằng nghề đánh bắt cá. Trước đây, vùng biển Vạn Lương cá, tôm nhiều lắm, nhưng những năm trở lại đây sản lượng ít dần. Chính vì thế, người dân đã sử dụng lưới giã cào bắt cá, tôm theo kiểu “lớn bùi, bé mềm”, không bỏ sót con nào. Hệ quả là cá, tôm không thể sinh trưởng bình thường được và ngày càng khan hiếm, và vùng gần bờ thì đâu còn cá lớn”.

Cũng theo anh Phú, đánh bắt xa bờ thì người dân không có tàu lớn, mà vay vốn đóng tàu thì khó khăn, nhiều rủi ro. Ngư dân đã theo nghề biển chỉ biết đánh bắt cá, không biết làm gì khác. Mặc dù biết đánh bắt giã cào đã bị cấm, nhưng vì cuộc sống mưu sinh hàng ngày đành phải bất chấp.
 

anh 2 3

Tàu giã cào công xuất lớn hoạt động tại Vạn Lương. Ảnh: XH

Không riêng ở Vạn Lương, nhiều vùng biển khác như Ninh Hòa, Vạn Ninh, Cam Ranh, tình trạng dùng tàu, lưới giã cào đánh bắt cá diễn ra khá phổ biến. Điều này không chỉ làm nguồn lợi thủy sản bị cạn kiệt mà môi trường biển đang bị đe dọa.

Ông Nguyễn Đệ, cán bộ mặt trận tại xã Ninh Ích, thị xã Ninh Hòa cho biết: “Hiện nay, tại vùng biển đầm Nha Phu, xã Ninh Ích, có khoảng 120 chiếc ca nô, tàu lớn đánh bắt hải sản bằng giã cào hoạt động trên đầm Nha Phu, làm bùn đất xục lên, nước đầm ô nhiễm. Người dân nuôi hải sản cho rằng, do đánh bắt giã cào làm môi trường nước đầm Nha Phu thay đổi và ô nhiễm là nguyên nhân dẫn đến cá, tôm trên đầm này liên tục bị bệnh mà chết. Nuôi hải sản trên đầm Nha Phu nhiều năm nay liên tục thất bại”.

Để tìm hiểu về công tác quản lý đánh bắt hải sản tại các địa phương, PV đã có buổi làm việc với ông Lê Đăng Tiến, Phó Ban Quản lý Cảng cá Vĩnh Lương (xã Vĩnh Lương, TP Nha Trang). Qua trao đổi ông Tiến cho biết: "Hiện nay có nhiều tàu thuyền đánh bắt hải sản bằng hình thức giã cào tại vùng biển xã Vạn Lương. Riêng tại cảng cá Vạn Lương hiện có từ 3-5 tàu giã cào đánh bắt hải sản thường xuyên. Chức năng Ban Quản lý cảng chỉ làm nhiệm vụ hậu cần. Việc quản lý đánh bắt cá thuộc lực lượng bộ đội biên phòng, kiểm ngư và chính quyền địa phương”.
 

anh 3

Nhiều tàu cá giã cào hoạt động tại vùng biển Khánh Hòa. Ảnh: XH

Theo Thượng tá Nguyễn Khắc Tiệp, Trưởng Đồn Biên phòng Vĩnh Lương: "Khu vực quản lý đường biên giới biển của đồn trên 80km theo dọc bờ biển, theo đường chim bay thì trên 12 hải lý. Trước đây, Vạn Lương có rất đông ngư dân đánh bắt cá giã cào. Do dùng lưới giã cào ảnh hưởng lớn đếm môi trường và ngồn thủy sản nên UBND tỉnh Khánh Hòa có lệnh cấm. Qua tuyên truyền cho ngư dân và lực lượng tuần tra truy quét, đến nay số lượng người dân đánh bắt hải sản bằng lưới giã cào đã giảm đáng kể. Tuy nhiên, vẫn còn một số ngư dân chưa chấp hành lệnh cấm”. 

Lực lượng biên phòng tuần tra, phát hiện người dân đánh cá bằng lưới giã cào thì tiến hành bắt giữ, lập biên bản và xử phạt hành chính. Điều khó khăn nhất hiện nay nhiều ngư dân làm nghề biển khi cấm thì họ không có nghề mưu sinh. Muốn chấm dứt nghề của họ, phía địa phương phải có kế hoạch chuyển đổi ngành nghề cho họ.

Theo báo cáo của Chi cục Thủy sản Khánh Hòa, tính từ cuối năm 2017 đến nay, đơn vị này đã kiểm tra, xử lý hơn 100 tàu giã cào các loại vi phạm pháp luật trong lĩnh vực đánh bắt hải sản. Hậu quả do các tàu giã cào gây ra đã hủy diệt sinh vật dưới biển không chỉ cá, tôm mà các rạn san hô ngầm cũng bị tàn phá... Ngoài ra, đánh bắt bằng lưới giã cào còn nhiều hệ lụy về mặt an ninh, trật tự trên biển.

Tác giả bài viết: Xuân Hướng
Nguồn tin: thanhtra.com.vn
Tiêu điểm
Tin mới
Nhà đất
Xã hội
Tổng hợp