Nhắc đến cái tên Dương Văn Học, có lẽ những người hoạt động nghệ thuật múa rối trong và ngoài nước đều biết đến ông, bởi ông chính là người đi tiên phong cho nghệ thuật múa rối độc diễn ở Việt Nam. Dù đã ở tuổi “thất thập cổ lai hy”, nhưng ông luôn đau đáu giấc mơ xác lập vị thế cho múa rối Việt.
Cơ duyên với rối…
Chúng tôi tìm gặp nghệ sĩ Dương Văn Học vào một buổi chiều khi ông đang một mình loay hoay lau chùi từng chiếc tủ, chải chuốt cho những “bạn tri kỷ” của mình. Thấy chúng tôi, ông nở nụ cười hiền hậu và đi vội ra cổng niềm nở đón...
Sinh ra và lớn lên trong một gia đình có 6 anh em ở Hà Nội, mồ côi cha từ nhỏ, tuổi thơ của nghệ sĩ Dương Văn Học là những ngày dài bán báo, bán thuốc lá dạo trên các đường phố. Hoàn cảnh gia đình gặp nhiều khó khăn, nhưng ông vẫn theo học đến cùng.
Dẫn chúng tôi dạo một vòng tham quan, ông kể về lý do chọn phố biển là điểm dừng chân của cuộc đời. Đó là vì khí hậu ở Nha Trang thuận lợi cho việc bảo quản rối, không bị mốc, hư hỏng... Năm 2015, được sự cấp phép hoạt động của UBND tỉnh, nghệ sĩ Dương Văn Học đã chỉnh trang lại căn nhà của mình ở số 92 đường Dương Hiến Quyền, phường Vĩnh Hòa, TP. Nha Trang, mở rộng quy mô và chất lượng phòng trưng bày về nghệ thuật múa rối thành Bảo tàng nghệ thuật múa rối độc diễn đương đại duy nhất tại Việt Nam.
Trong căn phòng khoảng 40m2, có khoảng 100 con rối lớn nhỏ với các thể loại khác nhau như: Rối dẹt, rối tay, rối qua, rối dây, rối mặt nạ, rối hình nộm… Khi được hỏi cơ duyên nào ông đến với nghệ thuật rối cạn, nghệ sĩ Dương Văn Học trầm ngâm: “Thật ra, trước đây tôi là một diễn viên - biên đạo múa. Đến năm 40 tuổi, tôi tốt nghiệp Đại học Sân khấu điện ảnh Hà Nội, sau lại tình cờ rẽ sang múa rối… Sau bao năm trăn trở và thử nghiệm nhiều môn nghệ thuật khác nhau, tôi đã chọn cho mình môn nghệ thuật độc diễn múa rối cạn - như cách lựa chọn một lối đi riêng. Rồi tôi đã sống hết mình cho bộ môn nghệ thuật này”.
Bảo tàng còn trưng bày nhiều hình ảnh, báo và tạp chí viết về nghệ thuật múa rối độc diễn của nghệ sĩ Dương Văn Học, các đầu sách về múa, múa rối do chính ông viết. Hướng tay về con rối “cô gái Chăm”, ông cho biết, con rối này là sự kết tinh giữa văn hóa Nhật Bản và Ấn Độ, nhưng lại sử dụng điệu múa và hình hài cũng như tâm hồn văn hóa Việt Nam.
Truyền “linh hồn” cho chú rối…
Đối với ông, nghệ thuật múa rối như là duyên phận, mỗi con rối như một người bạn tri kỷ. Những ngày đầu dấn thân vào nghề vẫn còn in đậm trong ký ức của ông, đó là những vở diễn dành tặng riêng cho các trẻ em đường phố ở Khánh Hòa. Ông nhớ lại: “Những đứa trẻ thơ ngây vây quanh tôi, mắt sáng lên, hò reo, vỗ tay theo từng động tác ngộ nghĩnh của con rối làm tôi vỡ òa hạnh phúc vì chính bản thân tôi cũng có số phận bất hạnh, côi cút từ tấm bé”.
Đa số các con rối trong bảo tàng đều là hình tượng được lấy cảm hứng từ các con vật và các dân tộc của Việt Nam, do chính tay nghệ sĩ Dương Văn Học làm ra, được ông đưa đi biểu diễn khắp nơi trong nước cũng như quốc tế. Lấy trong tủ ra một chú hề tít, nghệ sĩ ngay lập tức hóa thân vào chú rối, ông cất cao giọng: “Ta là chú hề tít đây, ta sẽ biểu diễn cho các con xem tiết mục nhào lộn. Các con có thấy hay không nào?!”.
Nét độc đáo của nghệ thuật rối cạn từ cách thức làm ra con rối. Có những khi làm một con rối đến lần thứ tư, thứ năm, nghệ sĩ mới ưng ý. Rối có thể làm từ rất nhiều chất liệu như: gỗ, xốp, bằng mây tre đan. Có những chú rối được ông tạo hình từ chiếc gầu trần, rổ tre nhỏ, mẹt… rồi tự tay thiết kế, may trang phục và “trang điểm” cho rối. Khi đã có trong tay những chú rối rồi, ông bắt đầu xây dựng ý tưởng kịch bản, lựa chọn rồi cắt ghép âm nhạc, lồng tiếng động cho những vở diễn của mình.
Ông kể, những ngày đầu, tập luyện với rối dây, rối que, ông gặp khá nhiều khó khăn bởi đôi tay đã quen với sức nặng của rối nước. Trong khi những con rối dây lại nhỏ, nhẹ và chỉ có một mình điều khiển sao cho các dây không bị rối với nhau, thậm chí có khi hai tay phải điều khiển 2, 3 con rối. Mặt khác, khi độc diễn, không có bạn diễn hỗ trợ nên để có thể thu hút khán giả thì người nghệ sĩ điều khiển không những cần phải có kỹ thuật tốt mà còn cần sự tinh tế, khéo léo thể hiện ở nét mặt, khuôn miệng trong khi biểu diễn.
Vừa dứt lời, ông liền kéo chúng tôi chỉ tay vào cặp rối “cô dâu - chú rể” được ông bảo quản kỹ trong chiếc tủ kính, ông nói: “Ở rối cạn, sự hấp dẫn người xem chính là nghệ thuật biểu diễn của ngươì diễn viên múa rối. Nếu người nghệ sĩ múa rối biết thổi tâm hồn của mình vào các con rối vô tri, vô giác, để chúng hoạt động một cách sinh động và người xem cảm nhận được những điều mà nghệ sĩ đang gửi gắm, thì đó chính là chìa khóa bước tới sự thành công của rối cạn”.
Đau đáu tìm người kế thừa…
Tính đến nay, nghệ sĩ Dương Văn Học đã lưu diễn tại 50 quốc gia trên thế giới. Nhiều vở độc diễn được khán giả các nước như: Pháp, Nga, Hàn Quốc, Thái Lan, Bỉ, Hy Lạp đón nhận nồng nhiệt. Ông tâm sự: Gần 20 năm trước, lúc diễn vở “Thuyền trên sông”, nói về sự tranh giành của hai đội quân chèo thuyền trên cùng một con thuyền, cuối cùng chiếc thuyền dùng dằng và không thể cập bến được, có nguy cơ sẽ bị sóng dữ đánh chìm… Ngay khi vở diễn hạ màn, nhiều khán giả Hàn Quốc lao lên sân khấu xúc động cảm ơn ông, vì họ nhận thấy trong vở rối đó, tình cảnh đất nước phân chia Bắc - Nam của họ.
Nghệ sĩ Dương Văn Học đã dành được giải thưởng danh giá như: Huy chương Vàng tại Liên hoan Múa rối toàn quốc 1994; Giải thưởng của Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam các năm 1994, 2000; Giải thưởng của Quỹ Văn hóa Việt Nam - Thụy Điển; Giải thưởng nghệ thuật của Hội Nghệ sĩ múa Việt Nam và nhiều giải thưởng, bằng khen tại các sân khấu múa rối quốc tế. Thế nhưng, dù sống hết mình với nghề là vậy nhưng những khó khăn mà người nghệ sĩ gặp phải cũng không hề nhỏ. Điều làm ông trăn trở đó là chưa có người kế nghiệp. “Con trai tôi từng theo học nghề nhưng cũng bỏ giữa chừng. Bây giờ lớp trẻ chỉ muốn học cái gì nhanh nổi tiếng, kiếm thật nhiều tiền nên thật khó để có người nối nghiệp”, ông nói.
Theo nghệ sĩ Dương Văn Học, việc đào tạo đội ngũ nghệ sĩ cho múa rối cạn thường là tuyển nghệ sĩ từ các bộ môn chèo, kịch nói, ca nhạc... rồi sau đó mới đào tạo thêm về nghiệp vụ múa rối cạn. Tuy nhiên, điều đó cũng đồng nghĩa với việc rối cạn khó tuyển dụng những diễn viên có “tầm” ngay từ ban đầu. Đó cũng là một trong những điều mà nghệ sĩ Dương Văn Học trăn trở trong bối cảnh nghề múa rối độc diễn đang dần bị mai một.
Chia tay nghệ sĩ Dương Văn Học, chúng tôi đã phần nào hiểu được vì sao những con rối mang đủ các màu sắc, tính cách đối lập. Và đâu đó lời nói của nghệ sĩ vẫn văng vẳng bên tai: “Bởi cuộc sống như một bao tải khổng lồ, chứa trong nó cả tính thiện, người thiện lẫn tính ác và người ác. Mỗi vở rối đều phải gửi gắm một triết lý về nhân sinh, cuộc sống, nếu không thì chẳng có giá trị gì”. Có lẽ, chính từ triết lý và hơi thở cuộc sống ấy đã khiến cho nhiều vở độc diễn rối cạn của nghệ sĩ Dương Văn Học gây tiếng vang cả trong nước và quốc tế chăng?!
ThanhTrúc