Cắt xén quyền lợi của người lao động
Tại Xí nghiệp tư doanh điện tử TQT (đường Trần Nhật Duật, TP.Nha Trang), việc trả lương cho NLĐ làm thêm giờ vào ngày làm việc bình thường, ngày nghỉ hằng tuần chưa đúng quy định. Nhiều trường hợp trên bảng thanh toán lương tháng 2.2016 được trả 20 nghìn đồng/giờ; không thực hiện trả lương làm thêm giờ vào các ngày nghỉ hàng tuần, các ngày nghỉ lễ, tết có hưởng lương cho hai NLĐ bảo vệ theo quy định, thể hiện trên bảng chấm công, thanh toán lương các tháng có ngày nghỉ lễ, tết.
Bên cạnh không thực hiện trả lương những ngày nghỉ hằng năm có hưởng lương cho hai NLĐ làm bảo vệ theo quy định; Cty sử dụng lao động làm thêm giờ trong tháng, trong năm chưa đúng theo quy định đối với sáu lao động làm bảo vệ và tạp vụ...
Năm 2017, Cty TNHH Kỹ thuật Địa chất An Bình (xã Vĩnh Ngọc, Nha Trang, Khánh Hòa) trả lương cho 12 lao động thấp hơn mức lương tối thiểu vùng thể hiện trên bảng thanh toán lương tháng 3.2017 của bộ phận quản lý xưởng - nhà máy. Cty trả lương không đúng quy định cho NLĐ đã qua đào tạo nghề, cụ thể là ông Lê Văn Hưng, Đoàn Thanh Việt, Trịnh Nhật Thành, Huỳnh Văn Bảo. Ngoài ra, Cty này cũng thực hiện trả lương cho 22 lao động làm việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm không đúng quy định (không trả thêm ít nhất 5% so với mức tiền lương của người lao động làm việc bình thường).
Ngày 1.1.2016, các lao động gồm Trần Phú Thủy, Nguyễn Ngọc Tú, Nguyễn Minh Thành… làm thêm 4 giờ nhưng chỉ được trả 150% tiền lương là không đúng quy định. Tại thời điểm thanh tra, Cty có 19 người chưa tham gia BHXH với lý do chưa ký HĐLĐ, mặc dù số lao động này đã làm việc tại Cty từ 3 tháng trở lên.
Tình trạng vi phạm về tiền lương và trả công lao động cũng xảy ra tại Cty TNHH Khai thác đá Hòn Thị (xã Phước Đồng, Nha Trang). Năm 2017, Cty này có xây dựng thang, bảng lương, nhưng thực hiện chưa đúng quy định như: Khoảng cách giữa các bậc từ bậc 6 đến bậc 12 của bảng lương “cán sự, kỹ thuật viên” và từ bậc 7 đến bậc 12 của bảng nhân viên “nghiệp vụ” không đảm bảo quy định về khoảng cách bậc sau phải cao hơn cấp bậc trước ít nhất là 5%; không áp dụng mức lương trong thang lương, bảng lương để trả lương cho NLĐ.
Chức danh nghề, công việc của NLĐ cũng bị “sáng tạo” khi đăng ký tham gia BHXH, chỉ ghi “công nhân vận hành máy đá, công nhân thợ hàn, công nhân thợ khoan đá, công nhân xe đào đá…”, nhưng thực tế nhóm lao động này phải làm việc trong điều kiện nặng nhọc, độc hại. Sử dụng lao động làm thêm giờ vượt quá số giờ làm việc trong ngày làm việc bình thường. Trong ngày nghỉ hàng tuần, ngày nghỉ lễ, tết và vượt quá 30 giờ/tháng và 200 giờ/năm.
Ngân hàng cũng sai sót
Tính đến tháng 6.2017, tại Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín chi nhánh Khánh Hòa có 6 trường hợp NLĐ đang ký hợp đồng thử việc, trước đó đã ký hợp đồng đào tạo 3 tháng, nhưng không có đánh giá kết quả đào tạo để ký HĐLĐ mà tiếp tục ký hợp đồng thử việc với cùng một công việc là chưa đúng quy định.
Ngân hàng này trả phụ cấp cho NLĐ làm việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm “kiểm ngân, thủ quỹ ngân hàng” với mức 100 nghìn đồng/tháng là chưa đủ so với quy định (phải cao hơn ít nhất 5% so với mức lương của công việc hoặc chức danh có độ phức tạp tương đương làm việc trong điều kiện lao động bình thường). Đồng thời tham gia BHXH phần phụ cấp nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm còn thiếu cho nhóm lao động này theo quy định...
Theo Thanh tra Sở LĐTBXH, cùng thời điểm tháng 6.2017, tại NH Phát triển VN khu vực Khánh Hòa - Ninh Thuận có 44 trường hợp NLĐ chưa được ký hợp đồng và ký chưa đúng loại HĐLĐ đối với 11 trường hợp. Việc bố trí giờ làm việc hằng ngày, hằng tuần, giờ làm việc trong tháng, trong năm cho 4 trường hợp bảo vệ chưa đúng theo quy định, thể hiện trên bảng chấm công, thanh toán lương tháng 4.2017 (quá 2 giờ/tháng). Từ tháng 1.2016-8.2017, tại NH Kiên Long chi nhánh Khánh Hòa có 25 NLĐ thôi việc. Trong đó, số lao động thuộc đối tượng phải chi trả trợ cấp thôi việc là 18 người. Tuy vậy, số người được trả trợ cấp thôi việc chỉ là 5 người.
* Cty TNHH A.S.P Vina (trụ sở xã Ninh Phước, thị xã Ninh Hòa có 100% vốn nước ngoài, ngành nghề sơn tàu biển) ký hợp đồng với người lao động nước ngoài chưa ghi đúng nội dung, vị trí công việc, chức danh công việc trong giấy phép lao động đối với 5 trường hợp. 7 lao động người nước ngoài thuộc đối tượng tham gia BHYT bắt buộc nhưng tại thời điểm thanh tra, Cty này chưa tham gia.