Dân gian có câu “Thay đổi như thời tiết” để chỉ những người thay đổi tính nết thất thường. Do vậy, những người dự báo tính nết ông trời phải làm việc chẳng kể ngày đêm trong suốt cả năm. Mấy cán bộ dự báo khí tượng thủy văn (KTTV) thường nói đùa, họ làm nghề… canh ông trời!
Âm thầm trong đêm vắng
1 giờ đêm, khi mọi người đang yên giấc thì chị Đàm Thị Vi Hiền (Trạm Khí tượng Nha Trang) một mình cầm đèn pin đi bộ qua đường Trần Phú, sang vườn khí tượng, đo đếm qua từng thiết bị để thu thập thông tin chuyển về trung tâm. Mỗi tuần, chị Hiền và các cán bộ trạm chia nhau trực 2-3 đêm, mỗi ngày đêm 8 obs (ca quan trắc): 1 giờ, 4 giờ, 7 giờ, 10 giờ, 13 giờ, 16 giờ, 19 giờ, 22 giờ. Dù nắng rát hay bão giông, chẳng kể ngày đêm, cứ đến obs, họ lại ra vườn khí tượng quan trắc áp suất khí quyển, gió bề mặt, bốc hơi, nhiệt độ đất…, rồi xử lý, mã hóa, chuyển về trung tâm. Khi có bão, áp thấp nhiệt đới ảnh hưởng trực tiếp đến khu vực, tần suất chuyển số liệu tăng lên, có khi 30 phút/lần. Nhưng quan trắc viên phải luôn giữ tỉnh táo, bởi việc thu thập số liệu không cho phép sai sót; đồng thời phải sẵn sàng đối phó với những tình huống nguy hiểm.
Làm riết, rồi ai cũng có “phản xạ đi obs”. Có đêm không trực, 1 giờ 15, chị Hiền bật dậy, hoảng hốt: “Sao chưa ai chuyển ca?”. Đang đi chơi, chị chợt giật mình: “Tới giờ trực!”. Chị Hiền cũng quan tâm đến thời tiết hơn, bởi chỉ cần mây nhiều lên, trời chuyển mưa, guồng quay công việc sẽ gấp gáp hơn. Năm 2017, chị Hiền vừa nghỉ sinh xong, đi làm lại vài bữa thì bão vào. Lãnh đạo cơ quan tâm lý dặn, nếu cường độ bão giảm thì cô về với con, để đồng nghiệp làm giùm. Nhưng, bão càng lúc càng mạnh, hơn 1 ngày đêm liên tục, chị Hiền cùng đồng nghiệp quay cuồng quan trắc, ghi chép, mã hóa, 30 phút gửi số liệu một lần… Công việc đêm hôm vất vả nhưng nữ quan trắc viên xinh xắn luôn tràn đầy nhiệt huyết: “Hơn chục năm làm việc, tôi dành cả thanh xuân đo gió, ngóng mây!”.
Chúng tôi tới Trạm Thủy văn Đồng Trăng (xã Diên Lâm, huyện Diên Khánh) vào ngày nắng như đổ lửa. Mới 7-8 giờ sáng nhưng không khí đã rất oi ả. Sân trạm vàng ruộm thóc phơi nhờ, khiến nắng như chói chang hơn. Quanh trạm chẳng có mấy nhà dân, chỉ bạt ngàn ruộng bắp, mía, mì. Phía sau là sông Cái Nha Trang, nơi tác nghiệp của trạm.
Trạm trưởng Bùi Xuân Anh cùng ba đồng nghiệp dẫn chúng tôi lội qua bãi đất sình ven sông, lên con thuyền chuyên dụng không gắn máy. Trên con thuyền chứa thiết bị nặng chình chịch, hai người đứng hai đầu chật vật đẩy sào, một người quay ròng rọc gắn cá sắt đo độ phù sa, người còn lại theo dõi máy, ghi số liệu… Để đo hết các vị trí trên sông cũng mất hàng tiếng. Tất cả đều ướt đẫm mồ hôi. Ông Hà Văn Tân, gần 40 năm trong nghề, đùa: “Thuyền chuyên dụng nên mùa mưa chạy bằng sức nước, mùa khô xài… mồ hôi!”. Tuy nhiên, khó khăn thực sự không phải đẩy thuyền ra giữa sông đo đo, đếm đếm. Bà Phí Thị Phương, 27 năm trong nghề kể, có lần ban đêm, nước xuống, bà phải lội bên mạn đẩy thuyền, tránh bị mắc cạn. Khi thuyền ra được thì bà bị trượt ngã xuống sông, may kịp bám vào thành thuyền, nếu rủi đêm tối như mực... Trạm trưởng Bùi Xuân Anh cho biết: “Ngày nắng tuy vất vả vì phải chống sào đẩy thuyền, nhưng chẳng thấm gì so với ngày mưa bão”. Mùa mưa bão, quan trắc viên có thể một bước lên thuyền, nhưng hiểm nguy ở con sông mênh mông nước. Cảnh mưa mịt mù, cây trôi va đập, rác quấn chặt máy đo, đành chặt cáp bỏ máy đã từng xảy ra. Tùy mực nước thay đổi, cán bộ trạm đi obs 4, 8, 24 lần/ngày, thậm chí nhiều hơn. Lũ về, họ không chỉ quan trắc mực nước, nhiệt độ nước, lượng mưa, lưu lượng phù sa, mà phải đo cả lưu lượng nước, lưu lượng chất lơ lửng… “Mưa càng to, nước càng lớn, anh em càng ra sông nhiều”, ông Tân chia sẻ.
Thêm yêu nghề
Ở quần đảo Trường Sa, Trạm Khí tượng Hải văn Song Tử Tây là một trong những “con mắt” phát hiện bão trên Biển Đông sớm nhất. Mỗi năm, Biển Đông hứng chịu hàng chục cơn bão, áp thấp nhiệt đới, không ít cơn quét qua trạm, cũng là chừng ấy thời gian cán bộ trạm phải đối mặt với hiểm nguy. “Bình thường, 4 anh em đi 4-8 obs, nhưng có bão phải đo tới 48 lần/ngày đêm. Đảo không được che chắn như ở đất liền, chỉ cần gió mùa lớn cũng khó cất bước đi ngược chiều; đi xuôi chiều gió lại bị đẩy như tên bắn, rất dễ bị quăng xuống biển hoặc sóng trùm cuốn đi”, Trạm trưởng Hoàng Văn Minh chia sẻ. Dù vậy, thời tiết khắc nghiệt chưa khi nào làm thiếu hụt một yếu tố quan trắc của trạm. Còn ở Trạm rada thời tiết Nha Trang trên đảo Hòn Tre (phường Vĩnh Nguyên), nhờ có rada, cán bộ trạm không phải quan trắc ngoài trời, nhưng cả ngày làm bạn với máy móc, quanh quẩn đo mưa, gió, khí áp, độ ẩm, tầm nhìn... “Nếu không yêu nghề, sao thấy công việc thú vị”, ông Đinh Văn Mai - Trưởng trạm, người gắn bó mấy chục năm với “mắt thần” khẳng định.
Nhưng chúng tôi biết, còn lý do khác để các quan trắc viên gắn bó cả đời với nghề, đó là họ ý thức rõ tầm quan trọng của những thông số quan trắc. Ông Minh bảo, những thông số từ đảo là cơ sở để trung tâm biết chính xác mức độ, hướng đi của bão, từ đó ra được những bản tin dự báo thời tiết chính xác, giúp hạn chế thấp nhất thiệt hại khi có thiên tai.
Gần 23 giờ. Nghe tiếng trẻ nhỏ ríu rít phía ngoài, chị Hiền tươi cười giải thích: “Mấy ba con tới trực cùng, động viên mẹ!”. Chỉ tay về chiếc giường trải chiếu đơn sơ, chị Hiền khoe: “Đi obs với mẹ từ nhỏ nên ở trạm, bé vẫn ngủ ngon”. Chia tay chúng tôi, chị Hiền bật mí đầy tự hào: “Em có bộ ảnh cưới độc, lạ, đẹp chụp tại vườn khí tượng. Kỷ niệm nghề nghiệp gắn với tình yêu đó!”. Nụ cười của Hiền khiến chúng tôi chợt vui vui khi liên tưởng đến bài hát “Tình ca người quan trắc khí tượng thủy văn” với những lời “nghề ca” đặc biệt: “Ơi hình bóng em yêu, ở nguồn sông hay núi cao, lưng đèo, ngoài đảo xa, đo nắng mưa, xem đường bão, đo mây giông, lụt triều dâng, dự báo cho đời…”.
|
NGUYỄN VŨ