Phát biểu kết luận hội nghị phát triển kinh tế miền Trung diễn ra ngày 20-8 tại Bình Định, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, 14 tỉnh, thành miền Trung, từ Thanh Hóa đến Bình Thuận phải quyết liệt tăng tốc phát triển, trên tinh thần “ngay bây giờ, hoặc không bao giờ”.
Thủ tướng gợi ý các địa phương vấn đề tạo động lực thu hút đầu tư, tạo bước phát triển đột phá đối với những ngành, lĩnh vực có điều kiện phát triển nhanh, bền vững; vận dụng chiến lược kinh tế biển miền Trung, tập trung 5 trụ cột kinh tế: ngư nghiệp; du lịch; cảng biển và các dịch vụ logistic; các ngành công nghiệp chế tạo, chế biến; phát triển năng lượng tái tạo. Thủ tướng mong muốn các tỉnh, thành trong khu vực thực hiện liên kết vùng; xây dựng thể chế phát triển vùng; làm rõ hơn quy hoạch chiến lược phát triển miền Trung; xây dựng thể chế thuận lợi để phát triển, trong đó có việc phân lại vùng cho hợp lý hơn; cần có nghị quyết, chỉ thị để cụ thể hóa phát triển...
Trong ký ức của nhiều người, thuộc nhiều thế hệ, dải đất miền Trung là những vùng quê nghèo khó. Người dân hay lam hay làm. Nông nghiệp vẫn là chính yếu. Nhưng con cá, củ khoai sống còn đều trông đất, trông trời, mà “sáng chắn bão giông, chiều ngăn nắng lửa”. Có người bảo, người dân miền Trung sống nghèo trên một núi vàng. Vàng ở đây là ưu thế về kinh tế biển, với nguồn tài nguyên dồi dào, đa dạng.
Còn nhớ, tháng 7-2011, tại TP. Đà Nẵng, nhân hội thảo khoa học “Liên kết phát triển các tỉnh ven biển miền Trung”, lãnh đạo chủ chốt các tỉnh ven biển miền Trung thống nhất thực hiện Biên bản cam kết liên kết phát triển vùng ven biển miền Trung. Lúc ấy chỉ có 7 tỉnh, thành, từ Thừa Thiên - Huế đến Khánh Hòa. Sau đó có thêm hai tỉnh Ninh Thuận và Bình Thuận. Mới đây, tỉnh Quảng Trị bắt đầu tham gia liên kết.
Theo ông Lê Thanh Quang - Bí thư Tỉnh ủy Khánh Hòa, Trưởng ban Điều phối vùng ven biển miền Trung, quan điểm liên kết là bình đẳng, các bên cùng có lợi trên cơ sở khai thác và phát huy tiềm năng và thế mạnh, đặc thù của từng địa phương và toàn vùng để cùng phát triển. Liên kết trên tinh thần tự nguyện; có bước đi thích hợp, theo từng giai đoạn, mục tiêu cụ thể dựa trên cơ sở lựa chọn những nội dung, lĩnh vực thiết thực, trọng điểm trong phát triển kinh tế - xã hội của từng địa phương và toàn vùng.
TS. Trần Du Lịch - Ủy viên Ủy ban Kinh tế Quốc hội, thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng, Trưởng nhóm Tư vấn hợp tác phát triển vùng ven biển miền Trung đánh giá: Những năm qua liên kết phát triển vùng ven biển miền Trung đã đạt nhiều kết quả rất đáng ghi nhận; đóng góp tích cực cho sự phát triển kinh tế - xã hội của từng địa phương trong vùng nói riêng và cho toàn khu vực nói chung.
Thực hiện liên kết, các tỉnh, thành trong khu vực vận động, chủ trì và phối hợp cùng các ban, bộ, ngành Trung ương và các địa phương trong việc tổ chức huy động đội ngũ các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý trong và ngoài nước với nhiều lĩnh vực tham gia các hoạt động hội thảo, nghiên cứu liên kết phát triển du lịch vùng, địa phương; liên kết đào tạo nguồn nhân lực; liên kết phát triển hạ tầng các khu công nghiệp, liên kết thu hút đầu tư; khai thác kinh tế biển… Bên cạnh đó, đã có nhiều hoạt động thúc đẩy xúc tiến đầu tư trực tiếp từ các nhà đầu tư vào các địa phương trong vùng; phối hợp nghiên cứu cơ chế, chính sách cho các tỉnh trong vùng phát triển các khu công nghiệp hỗ trợ...
Như vậy là các tỉnh, thành khu vực duyên hải miền Trung đã đi đúng hướng trong việc tổ chức liên kết phát triển vùng. Vấn đề còn lại là làm thế nào đó để sớm có quy hoạch chiến lược phát triển; thể chế phát triển vùng; nghị quyết, chỉ thị cụ thể hóa chủ trương phát triển... theo gợi ý của Thủ tướng Chính phủ.
PHONG NGUYÊN