6 tháng đầu năm, các chi nhánh tổ chức tín dụng (TCTD) trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa đã giải ngân hơn 3.370 tỷ đồng vốn vay với lãi suất ưu đãi từ Chương trình kết nối ngân hàng (NH) - doanh nghiệp (DN) và Chương trình bình ổn thị trường, tiếp thêm nguồn lực để DN phát triển sản xuất - kinh doanh, đặc biệt trong bối cảnh khó khăn do đại dịch Covid-19.
Khai thông tài lực cho doanh nghiệp
Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chi nhánh Khánh Hòa, đến ngày 30-6, dư nợ cho vay ưu đãi DN trên địa bàn đạt 8.118 tỷ đồng, doanh số cho vay ưu đãi 6 tháng đầu năm 3.373 tỷ đồng. Nhờ nguồn vốn vay này, nhiều DN đã được khai thông tài lực, tiếp tục ổn định và phát triển sản xuất - kinh doanh. Trong đó, có các DN tham gia chuỗi liên kết chế biến và xuất khẩu thủy sản như: Công ty TNHH T-H Nha Trang (hợp tác với Tổ hợp tác nghề cá Trường Sa) có dư nợ 19,9 tỷ đồng tại Vietcombank Khánh Hòa để thu mua nguyên liệu cá ngừ đại dương; Công ty TNHH Thịnh Hưng (hợp tác với Tổ hợp tác nghề cá Phước Đồng) có dư nợ 4,3 triệu USD tại Sacombank Khánh Hòa để thu mua cá… Hoặc một số DN trong danh sách Chương trình mỗi xã một sản phẩm cũng đang có dư nợ như: Công ty TNHH MTV Chín Tuy 12,7 tỷ đồng; Công ty Cổ phần Muối Khánh Hòa 8 tỷ đồng; Công ty Cổ phần Cà phê Mê Trang có dư nợ ngắn hạn tại Agribank Khánh Hòa 39 tỷ đồng, tại Vietcombank Khánh Hòa 2,5 tỷ đồng… Mức lãi suất các DN được hưởng theo chương trình kết nối này là: Cho vay ngắn hạn VND 3,7 - 4,5%/năm (cho vay thông thường 7 - 9%), USD 2,7 - 3% (thông thường 2,5 - 3,8%); cho vay trung dài hạn VND 7,5 - 9,79%/năm (cho vay thông thường 9 - 11%), USD tối đa 5% (thông thường 4 - 6,5%).
Bên cạnh đó, các TCTD tiếp tục triển khai các giải pháp hỗ trợ người dân, DN bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Toàn tỉnh dư nợ bị ảnh hưởng bởi dịch là 35.138 tỷ đồng. Đến ngày 31-5, các TCTD đã điều chỉnh kỳ hạn nợ, gia hạn nợ cho 2.142 khách hàng gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch, trong đó có 311 DN với dư nợ 6.605 tỷ đồng; thực hiện miễn, giảm lãi cho 139 khách hàng với 3,3 tỷ đồng; giảm lãi suất vay vốn đối với khoản vay cũ cho 14.070 lượt khách hàng với số tiền 114 tỷ đồng.
Tiếp tục đồng hành
NHNN chi nhánh Khánh Hòa đã công bố công khai đường dây nóng và lập chuyên mục “Tiếp nhận phản ánh kiến nghị” trên Trang thông tin điện tử tại địa chỉ: www.sbvkh.gov.vn để kịp thời giải đáp những khó khăn, vướng mắc của người dân, DN về lĩnh vực tiền tệ, NH. |
Ông Đỗ Trọng Thảo - Phó Giám đốc NHNN chi nhánh Khánh Hòa cho biết, 6 tháng đầu năm, chi nhánh đã chỉ đạo các TCTD tiếp tục triển khai nhiều giải pháp tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ khách hàng vay vốn bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19; thực hiện cắt giảm tối đa chi phí nhằm tạo nguồn lực tài chính hỗ trợ khách hàng, người dân, DN; tùy theo năng lực, khả năng tài chính, tính toán thực hiện giảm lãi suất cho vay, cơ cấu lại thời hạn trả nợ và các biện pháp hỗ trợ khác; đồng thời công khai mức lãi suất, các biện pháp, chính sách hỗ trợ để người dân và DN biết. Các TCTD tích cực, chủ động phối hợp với các sở, ban, ngành, DN trên địa bàn để tìm hiểu nhu cầu, đáp ứng kịp thời vốn tiêu thụ nông sản, vốn sản xuất kinh doanh của DN; không để xảy ra chậm tiêu thụ nông sản, gián đoạn chuỗi sản xuất, cung ứng do không tiếp cận được vốn tín dụng NH; tăng cường thông tin, tuyên truyền, triển khai các sản phẩm, dịch vụ NH trực tuyến, thực hiện các giải pháp thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt…
Thời gian tới, NHNN chi nhánh Khánh Hòa chỉ đạo các chi nhánh TCTD tích cực tham gia Chương trình kết nối NH-DN, Chương trình bình ổn thị trường, chủ động phối hợp với các sở, ngành liên quan, UBND các cấp, hiệp hội DN... để kịp thời nắm bắt, đáp ứng nhu cầu về vốn của DN, cá nhân cho phát triển sản xuất, kinh doanh, đặc biệt là khôi phục sản xuất - kinh doanh sau tác động của dịch Covid-19. Bên cạnh đó, các TCTD sẽ đẩy mạnh triển khai những giải pháp cải cách hành chính, đơn giản hóa thủ tục vay vốn, tháo gỡ khó khăn trong quan hệ tín dụng với khách hàng, tạo điều kiện cho DN tiếp cận vốn tín dụng NH nhưng vẫn đảm bảo an toàn vốn vay.
MAI HOÀNG