Nâng cao giá trị hạt muối

Chủ nhật - 01/08/2021 12:02
UBND tỉnh Khánh Hòa vừa phê duyệt Đề án nâng cao giá trị sản xuất và chế biến muối giai đoạn 2021 - 2030 trên địa bàn tỉnh. Qua đó, phấn đấu phát triển ngành muối bền vững trên cơ sở nâng cao năng suất, chất lượng và đa dạng hóa sản phẩm, tận dụng ngành muối để phát huy giá trị du lịch… Báo Khánh Hòa điện tử, Cơ quan của Đảng Bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Khánh Hòa
Nâng cao giá trị hạt muối

UBND tỉnh Khánh Hòa vừa phê duyệt Đề án nâng cao giá trị sản xuất và chế biến muối giai đoạn 2021 - 2030 trên địa bàn tỉnh. Qua đó, phấn đấu phát triển ngành muối bền vững trên cơ sở nâng cao năng suất, chất lượng và đa dạng hóa sản phẩm, tận dụng ngành muối để phát huy giá trị du lịch…


Giảm diện tích, tăng sản lượng


Hiện nay, sản xuất muối trên địa bàn tỉnh chủ yếu vẫn theo phương pháp thủ công, quy mô sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, phân tán theo hộ diêm dân; cơ sở hạ tầng đồng muối xuống cấp nhưng chưa được đầu tư cải tạo. Sản xuất muối phụ thuộc vào thời tiết và điệp khúc “được mùa mất giá, được giá mất mùa” khiến đời sống người làm muối gặp nhiều khó khăn. Những năm nắng hạn kéo dài, sản lượng muối rất cao (như năm 2015 đạt 113.000 tấn) nhưng giá bán thấp (bình quân 600 đồng/kg); còn những năm mưa nhiều thì sản lượng muối sụt giảm (năm 2017 chỉ đạt 17.194 tấn, năm 2018 đạt 37.609 tấn), giá muối lại tăng 1,5 lần (bình quân 1.000 đồng/kg).

 

Thu hoạch muối. Ảnh: P.N

Thu hoạch muối. Ảnh: P.N


Hầu hết các đơn vị chế biến muối là doanh nghiệp nhỏ, có vốn hoạt động thấp, công nghệ sản xuất lạc hậu, chất lượng muối chế biến phụ thuộc vào chất lượng muối nguyên liệu và tỷ lệ thu hồi muối trong chế biến chưa cao (khoảng 80%). Hoạt động sản xuất, kinh doanh chủ yếu là vốn vay nên chưa đủ năng lực tài chính đầu tư liên kết với diêm dân trong sản xuất để chủ động được nguồn nguyên liệu muối sạch cho sản xuất chế biến muối tinh.

 

Ông Lê Tấn Bản - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, việc xây dựng Đề án nâng cao giá trị sản xuất và chế biến muối giai đoạn 2021 - 2030 trên địa bàn tỉnh nhằm cải tạo, nâng cấp hạ tầng các cánh đồng muối, giữ được nghề sản xuất muối truyền thống, ổn định và nâng cao đời sống diêm dân, tăng năng suất và chất lượng muối. Mục tiêu đến năm 2030, tổng diện tích sản xuất muối giảm còn 710ha; trong đó, diện tích sản xuất quy mô công nghiệp 587ha, diện tích sản xuất thủ công 123ha. Dù diện tích giảm nhưng sản lượng bình quân phải được nâng lên 112.000 tấn/năm. Cụ thể, sản lượng muối sản xuất quy mô công nghiệp đạt 95.000 tấn/năm và sản lượng muối sản xuất thủ công đạt 17.000 tấn/năm.


Tạo chuỗi liên kết, làm muối kết hợp với du lịch


Đề án còn hướng đến việc chuyển dịch cơ cấu sản xuất, chế biến với đổi mới công nghệ, đầu tư mới và cải tạo hạ tầng đồng muối để nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả trong sản xuất, chế biến; qua đó, từng bước nâng cao thu nhập cho người lao động. Đề án còn giúp bảo tồn và phát triển nghề sản xuất muối truyền thống, gắn việc sản xuất muối với du lịch và giữ vững an ninh - quốc phòng; tạo động lực thúc đẩy các doanh nghiệp, hợp tác xã đầu tư nâng cấp máy móc, trang thiết bị kỹ thuật để nâng cao năng lực chế biến, tiêu thụ sản phẩm; nâng cao giá trị gia tăng cho sản phẩm muối.


Để cụ thể hóa những mục tiêu đề ra, đề án sẽ hỗ trợ đầu tư nâng cấp, cải tạo cơ sở hạ tầng vùng sản xuất muối thủ công và công nghiệp; nghiên cứu hoàn thiện quy trình sản xuất muối theo hướng cơ giới hóa, hiện đại hóa, đồng bộ các khâu từ cung cấp nước biển đến thu hoạch. Tỉnh hỗ trợ đầu tư các mô hình liên kết sản xuất muối theo chuỗi giá trị; khoa học và công nghệ; tín dụng.

 

Lao động trên cánh đồng muối.

Lao động trên cánh đồng muối.

 

Thời gian tới, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với các địa phương, doanh nghiệp… tập trung xây dựng chuỗi liên kết giá trị trong sản xuất, chế biến muối ở Ninh Hòa, Cam Ranh và Vạn Ninh; tạo dựng nhãn hiệu, quảng bá tiêu thụ sản phẩm. Đề án sẽ lựa chọn cánh đồng muối Hòn Khói và một số sản phẩm muối chế biến chất lượng cao theo phương pháp truyền thống để xây dựng chỉ dẫn địa lý vùng sản xuất và thương hiệu sản phẩm muối đặc trưng của Khánh Hòa. Đề án còn hỗ trợ các địa phương, doanh nghiệp thiết kế bao bì, mã truy xuất nguồn gốc sản phẩm; triển khai các chương trình xúc tiến thương mại, quảng bá thương hiệu, chương trình truyền thông giới thiệu sản phẩm chế biến từ muối của Khánh Hòa.


Đặc biệt, tỉnh sẽ tập trung gắn kết hoạt động du lịch biển với du lịch trải nghiệm sản xuất, chế biến, quảng bá, giới thiệu các sản phẩm muối. Cụ thể, phát triển các hoạt động du lịch biển Dốc Lết với du lịch trải nghiệm sản xuất muối sạch tại vùng muối Hòn Khói và các dây chuyền, công nghệ chế biến muối trên địa bàn thị xã Ninh Hòa; xây dựng các tour du lịch, đào tạo hướng dẫn viên về du lịch trải nghiệm để góp phần giới thiệu, quảng bá nghề làm muối của Khánh Hòa. Theo nghệ sĩ nhiếp ảnh Đỗ Diên Khánh (người thường xuyên dẫn các tour du lịch về chụp ảnh), những năm qua, nghề làm muối ở Hòn Khói đã được giới thiệu trên báo chí trong và ngoài nước. Mới nhất, đầu tháng 7-2021, báo The Diplomat (Mỹ) đã đăng tải những hình ảnh sinh động về đồng muối Hòn Khói. Du khách quốc tế rất thích tour tham quan và chụp ảnh cánh đồng muối Hòn Khói. Việc có dự án kết hợp bảo tồn nghề muối Hòn Khói với du lịch sẽ phát huy giá trị của nghề làm muối, góp phần đa dạng hóa sản phẩm du lịch.

 

Hiện nay, diện tích đất sản xuất muối toàn tỉnh 1.042ha, sản lượng hàng năm đạt 92.978 tấn. Toàn tỉnh có khoảng 250 hộ trực tiếp tham gia sản xuất muối thủ công, giải quyết việc làm cho gần 1.000 lao động; năng suất bình quân 60 - 62 tấn/ha/năm. Sản xuất muối quy mô công nghiệp có Công ty Cổ phần Muối Khánh Hòa và Công ty Cổ phần Muối Cam Ranh với diện tích 637ha, năng suất bình quân 100 - 120 tấn/ha/năm.

__________________________________


Đề án có tổng kinh phí hơn 95 tỷ đồng; trong đó ngân sách Trung ương 60 tỷ đồng, ngân sách tỉnh gần 18 tỷ, vốn xã hội hóa 17,4 tỷ đồng. Đề án gồm 3 dự án: Dự án nâng cấp, cải tạo cơ sở hạ tầng đồng muối Hòn Khói, Ninh Hòa (kinh phí 60 tỷ đồng). Dự án tổ chức lại sản xuất, quy hoạch lại đồng muối, nâng cao năng lực sản xuất, chế biến muối thông qua đẩy mạnh cơ giới hóa, chuyển giao ứng dụng, tiến bộ khoa học - công nghệ trong sản xuất và chế biến muối (kinh phí 19,2 tỷ đồng). Dự án phát triển liên kết trong sản xuất, chế biến muối giữa hợp tác xã với doanh nghiệp, xây dựng mô hình bảo tồn và phát triển nghề sản xuất muối truyền thống gắn với du lịch (kinh phí 16,1 tỷ đồng).


ĐÌNH LÂM - XUÂN THÀNH

 

Tiêu điểm
Tin mới
Nhà đất
Xã hội
Tổng hợp