Đề án thí điểm dạy bơi, phòng, chống đuối nước cho học sinh tiểu học, THCS trong nhà trường giai đoạn 2017-2020 được triển khai từ năm 2017. Theo đó, có 16 bể bơi trong trường học đã được lắp đặt, với mục tiêu giúp cho hàng ngàn học sinh tiểu học và THCS thành thục kỹ năng bơi để phòng tránh đuối nước. Tuy nhiên, sau hơn 5 năm kể từ khi đề án được ban hành, số học sinh học bơi tại các trường rất khiêm tốn.
Thiếu kinh phí duy tu, bảo dưỡng
Nằm trên khu vực sân đất trũng, mỗi năm, hồ bơi trong khuôn viên Trường THCS Trần Hưng Đạo (phường Vĩnh Trường, TP. Nha Trang) lại chịu ngập ít nhất một lần. Qua 4 năm, hồ bơi nhanh chóng xuống cấp, hư hỏng. Thảm chống trượt, rèm che của buồng thay đồ mục cũ, camera an ninh hỏng, máy bơm gỉ sét. Theo thời gian, những thiết bị hỗ trợ bằng nhựa, xốp cũng hao mòn; côn trùng, rác rơi vào hồ, lòng hồ mọc rêu và đóng cặn; hệ thống thoát nước và hệ thống cung cấp điện cho hồ bơi đã ngưng hoạt động từ lâu...
Thầy Đinh Quý Thọ - Hiệu trưởng nhà trường cho hay, năm học 2019-2020, trường dạy bơi cho 120 học sinh. Đến đầu năm học 2020-2021, chỉ có 15 em tham gia; từ học kỳ II khi dịch Covid-19 bùng phát và kéo dài thì hồ bơi ngưng hoạt động. Đến nay, vì thiếu giáo viên giảng dạy, số học sinh tham gia không đủ để mở lớp và cơ sở vật chất xuống cấp nên hồ bơi vẫn bỏ không. Nước trong hồ phải dùng hóa chất xử lý đều đặn, kinh phí lấy từ nguồn thu học phí học bơi của học sinh. Những tháng không có học sinh học thì không có kinh phí để mua hóa chất xử lý nước. Trong khi đó, giá hóa chất ngày một tăng, cao gấp 3 lần so với dự kiến. Đề án thí điểm bơi lại không có khoản tái đầu tư các thiết bị khi hư hỏng, còn việc xã hội hóa thì trường gần như không thực hiện được. Bên cạnh đó, trường chỉ có 1 giáo viên Giáo dục thể chất có giấy chứng nhận dạy bơi, cứu đuối nên phải hợp đồng thêm 2 giáo viên trường khác. Tuy nhiên, quy định mức chi cho 1 giờ ngâm mình dưới nước để hướng dẫn bơi chỉ có 80.000 đồng là quá ít ỏi nên đa số giáo viên đều từ chối.
Là một trong số ít trường nỗ lực thực hiện việc dạy bơi, nhưng Trường Tiểu học Vạn Giã 3 (huyện Vạn Ninh) cũng gặp không ít khó khăn. Các thiết bị vận hành đã đến giai đoạn hư hỏng: Bạt chứa nước bị rò rỉ, mái kéo bị gãy, bạt che đã rách, máy hút chất thải bị hư. Theo cô Lưu Thị Phúc - Hiệu trưởng nhà trường, mức thu 250.000 đồng mỗi học sinh cho một khóa học bơi (15 buổi) không thấm vào đâu so với các khoản chi chế độ giảng dạy, mua hóa chất, bổ sung, sửa chữa cơ sở vật chất…
Địa hình không bằng phẳng, hồ bơi đặt trên cao nên Trường THCS thị trấn Khánh Vĩnh (huyện Khánh Vĩnh) phải bơm nước từ hồ chứa phía dưới. “Để đảm bảo cho hồ luôn sạch, nước phải được xử lý thường xuyên. Song do đặc điểm thời tiết nên hồ bơi chỉ hoạt động tập trung từ tháng 2 đến tháng 8 hàng năm. Những tháng còn lại không có học sinh học bơi thì nhà trường không có nguồn kinh phí nào để duy tu, bảo dưỡng”, thầy Vy Viết Quý - Hiệu trưởng nhà trường bày tỏ.
Tỷ lệ học bơi rất thấp
Hồ bơi Trường Tiểu học Vĩnh Hiệp (TP. Nha Trang), được nghiệm thu và bàn giao vào tháng 12-2019, song do dịch Covid-19, đến tháng 6-2020, trường mới tổ chức được các khóa học. Cô Huỳnh Thị Mỹ Phước - Hiệu trưởng nhà trường cho biết, từ tháng 1 đến tháng 10-2022, trong tổng số 969 học sinh chỉ có 189 em học bơi, sau đó tạm ngưng dạy vì thời tiết. Do cấp tiểu học dạy 2 buổi/ngày nên trừ cuối tuần, học sinh chỉ có thể học bơi từ 16 giờ 30. Muộn hơn, nước trong hồ khá lạnh nên nhiều phụ huynh sợ ảnh hưởng sức khỏe con mình.
Một hiệu trưởng thừa nhận chưa làm tốt việc tuyên truyền tới học sinh và phụ huynh. Giáo viên chỉ phát phiếu cho các em đăng ký chứ chưa có nhiều biện pháp linh hoạt để động viên, khuyến khích. Nhiều phụ huynh ban đầu nghe nói đến việc tổ chức học bơi trong trường thì nghĩ rằng con mình được học bơi miễn phí nên rất hào hứng, nhưng khi biết phải đóng tiền lại thôi. Trong thời gian dịch Covid-19 kéo dài, nhiều người e ngại việc bơi chung, khi con đi học lại sau dịch thì muốn tập trung cho việc học văn hóa trước, học bơi để… từ từ.
Theo thống kê của Sở Giáo dục và Đào tạo, chỉ có khoảng 10% học sinh học bơi so với mục tiêu 1.200 em học bơi mỗi năm của đề án. Các phòng giáo dục và đào tạo chưa chỉ đạo cụ thể cho các trường trong cụm thực hiện đề án phối hợp, đưa học sinh đến học bơi tại trường đặt hồ bơi nên việc tổ chức cho học sinh các trường khác học bơi hầu như không thực hiện được. Việc tham mưu UBND các huyện, thị xã, thành phố biện pháp tháo gỡ khó khăn cũng chưa kịp thời. Hồ bơi xuống cấp, học sinh không mặn mà, một số hiệu trưởng muốn chuyển hồ bơi đi nơi khác (!).
Tìm giải pháp
Dạy bơi cho học sinh là việc cấp thiết khi hàng năm trên địa bàn tỉnh đều xảy ra những vụ đuối nước thương tâm. Có những phụ huynh sẵn sàng bỏ số tiền cao gấp vài lần để cho con bơi ở ngoài nhà trường chứ không thích học bơi ở trường. Ông Nguyễn Mai Trung Quốc - chuyên viên Sở Giáo dục và Đào tạo cho rằng: “Để tổ chức dạy bơi hiệu quả, các trường cần tổ chức kiểm tra kỹ năng bơi cho tất cả học sinh. Trên cơ sở đó, phân loại từng em, em nào nhát nước, em nào mạnh dạn để có biện pháp tuyên truyền, tác động đến phụ huynh và có cách dạy bơi phù hợp. Nhiều em sợ học bơi vì sợ nước. Thay vì vội vàng thả các em xuống hồ, hãy cho các em làm quen dần, để các em thấy yêu thích, hứng thú với việc tập bơi”.
Trao đổi với phóng viên, ông Lê Đình Thuần - Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo cho biết, đề án thí điểm đã kết thúc, tuy nhiên các trường vẫn phải có trách nhiệm quản lý, bảo quản và tự chủ kinh phí để hồ bơi hoạt động hiệu quả cho đến khi không thể sử dụng được. Trước những khó khăn của các trường, sở đề xuất UBND tỉnh cho phép các trường mở rộng đối tượng tham gia học bơi như: Cán bộ, giáo viên, cha mẹ học sinh, tự xây dựng khung thời gian hoạt động, thời lượng học bơi phù hợp; thu phí ngoài các mục của Nghị quyết số 12/2022 HĐND tỉnh, bao gồm phí học bơi, phí kiểm tra và cấp giấy chứng nhận, phí vào hồ bơi để những người đã biết bơi rèn luyện thêm kỹ năng. Định mức thu sẽ do UBND huyện, thị xã, thành phố quyết định phù hợp từng địa phương. Ngoài ra, cho phép các trường chủ động vận động xã hội hóa nhằm đảm bảo chi trả các hoạt động của hồ bơi, kể cả các tháng không có học sinh học bơi. Đối với các khoản chi cho việc quản lý, điều hành hoạt động hồ bơi; bồi dưỡng giáo viên dạy bơi; bảo trì, bảo dưỡng hồ; mua sắm các trang thiết bị, dụng cụ xuống cấp, hư hỏng và mua hóa chất để xử lý nước, nhà trường chịu trách nhiệm chi trả trên cơ sở lấy thu bù chi, kể cả các tháng không có học sinh học bơi. Mặt khác, UBND huyện, thị xã, thành phố cần cấp kinh phí cho các trường thực sự khó khăn để chi cho việc quản lý, điều hành hoạt động của hồ bơi. Tỉnh cũng cần có nguồn kinh phí để Sở Văn hóa và Thể thao kiểm tra và cấp giấy chứng nhận biết bơi cho học sinh học bơi tại trường.
Theo đề án, Sở Giáo dục và Đào tạo có nhiệm vụ xây dựng, lắp đặt 16 hồ bơi cho 16 trường tại 8 huyện, thị xã, thành phố (6 trường tiểu học và 10 trường THCS). Tuy nhiên, đến tháng 1-2019 mới lắp đặt được 10 hồ, tháng 12-2019 thêm 4 hồ và đến tháng 3-2021 hoàn thành lắp đặt, bàn giao 2 hồ còn lại; tổng kinh phí là hơn 10,7 tỷ đồng. Tổng số trường thực hiện đề án là 96 trường (16 trường có hồ bơi và 80 trường lân cận). |
HOÀNG NGÂN