Năm học 2020 - 2021: Tinh giản nhiều nội dung dạy học

Thứ năm - 17/09/2020 15:06
Năm học 2020 - 2021, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) tinh giản nhiều nội dung dạy học, giảm tải chương trình đối với cấp THCS, THPT. Thời gian thực học sẽ chỉ còn 35 tuần, giảm 2 tuần so với mọi năm và bằng với cấp tiểu học.     Báo Khánh Hòa điện tử, Cơ quan của Đảng Bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Khánh Hòa
Năm học 2020 - 2021: Tinh giản nhiều nội dung dạy học
Năm học 2020 - 2021, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) tinh giản nhiều nội dung dạy học, giảm tải chương trình đối với cấp THCS, THPT. Thời gian thực học sẽ chỉ còn 35 tuần, giảm 2 tuần so với mọi năm và bằng với cấp tiểu học.  
 
Nhiều nội dung được giảm tải 
 
Căn cứ chỉ đạo của Bộ GD-ĐT, Sở GD-ĐT vừa có hướng dẫn về việc thực hiện điều chỉnh kế hoạch, nội dung dạy học cấp THCS, THPT năm học 2020 - 2021 đối với 10 môn học gồm: Toán, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Tin học, Công nghệ, Ngữ văn, Lịch sử, Địa lý, Giáo dục công dân. Nội dung dạy học của các môn được điều chỉnh cụ thể đối với từng bài trên nguyên tắc tinh giản các nội dung vượt quá yêu cầu cần đạt về chuẩn kiến thức, kỹ năng của chương trình giáo dục phổ thông hiện hành; tích hợp một số nội dung thành các chủ đề; điều chỉnh các nội dung trùng lặp giữa các môn học và hoạt động giáo dục. Việc điều chỉnh này nhằm tiếp tục thực hiện hiệu quả chương trình giáo dục phổ thông hiện hành theo định hướng phát triển phẩm chất, năng lực học sinh và bảo đảm thực hiện chương trình trong điều kiện dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp. 

 

Thời gian thực học cấp THCS, THPT năm học này sẽ giảm 2 tuần so với năm học trước.
Thời gian thực học cấp THCS, THPT năm học này sẽ giảm 2 tuần so với năm học trước.
 
Trên cơ sở đó, các trường sẽ không kiểm tra, đánh giá đối với những nội dung được hướng dẫn gồm: Không dạy, đọc thêm, không làm, không thực hiện, không yêu cầu, khuyến khích học sinh tự đọc, tự học, tự làm, tự thực hiện. Đồng thời, giáo viên sẽ phải xây dựng lại kế hoạch giáo dục của từng môn học, hoạt động giáo dục theo hướng sắp xếp lại các bài học trong sách giáo khoa thành bài học theo chủ đề phù hợp với các chủ đề tương ứng trong chương trình, xây dựng một số bài học theo chủ đề liên môn đối với những kiến thức giao thoa giữa các môn học, giao cho học sinh thực hiện một số nhiệm vụ học tập tại nhà hoặc qua mạng…
 
Xây dựng bài học theo chủ đề 
 
Để chuẩn bị tốt việc xây dựng kế hoạch giáo dục môn học và kế hoạch giáo dục của nhà trường phù hợp với điều kiện thực tế năm học 2020 - 2021, mới đây, Sở GD-ĐT đã tổ chức sinh hoạt chuyên môn cho cán bộ, giáo viên cốt cán cấp THCS, THPT, giáo dục thường xuyên. Báo cáo viên đã hướng dẫn phương pháp xây dựng kế hoạch giáo dục bộ môn và đưa ra một số ví dụ minh họa, thống nhất hướng xây dựng chuyên đề, hoạt động trải nghiệm hướng nghiệp, kế hoạch dạy học gắn với các cơ sở sản xuất kinh doanh tại địa phương, các di tích lịch sử… Các giáo viên cũng thảo luận và thống nhất về kế hoạch thời gian năm học, việc phân bổ thời lượng trắc nghiệm và tự luận trong bài kiểm tra, số cột điểm kiểm tra theo Thông tư 26 vừa được Bộ GD-ĐT ban hành; thống nhất thời điểm kiểm tra định kỳ, kiểm tra thường xuyên và nghe phổ biến một số điểm mới trong đánh giá học sinh THCS, THPT… 
 
Thầy Trần Cao Như - Hiệu trưởng Trường THCS Hùng Vương (huyện Cam Lâm) cho biết, nhà trường đã chỉ đạo các tổ, nhóm chuyên môn xây dựng kế hoạch giáo dục, sắp xếp các chủ đề, bài học, phân bổ thời lượng dạy học hợp lý và phù hợp thực tế trên cơ sở chỉ đạo của Bộ GD-ĐT, Sở GD-ĐT và phòng GD-ĐT. Theo cô Phan Thị Ngọc Trinh - Tổ trưởng tổ Ngữ văn Trường THPT Hà Huy Tập (TP. Nha Trang), việc giảm tải nội dung dạy học của Bộ GD-ĐT là tương đối phù hợp. Số bài và số tiết sẽ giảm, chủ yếu giảm ở các bài đọc thêm, bài không nằm trong nội dung trọng tâm. Trên cơ sở đó, tổ xây dựng lại kế hoạch dạy học, vừa dạy các bài lẻ, vừa dạy học theo chủ đề trên cơ sở tích hợp nhiều bài có nội dung tương đồng. Chẳng hạn, tác phẩm “Người lái đò sông Đà” của nhà văn Nguyễn Tuân và “Ai đã đặt tên cho dòng sông” của nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường ở lớp 12 được gom vào chủ đề ký hiện đại Việt Nam; lớp 10 sẽ có chủ đề về văn học dân gian, lớp 11 có chủ đề về văn học trung đại… Điều này góp phần rèn khả năng tư duy, kỹ năng làm bài của học sinh trước các dạng đề mở. Do số tiết giảm nên số tiết còn lại, giáo viên sẽ có thời gian để tập trung ôn tập, hướng dẫn học sinh tự học, trao đổi, hoạt động nhóm, kỹ năng làm việc nhóm, giải quyết vấn đề… 
 
H.NGÂN 
 
 
Tiêu điểm
Tin mới
Nhà đất
Xã hội
Tổng hợp