Ảnh hưởng của dịch Covid-19 và hậu quả của việc chuyển đổi ồ ạt sang trồng xoài Úc khiến giá xoài ở huyện Cam Lâm rớt thê thảm.
Giá rớt thảm, vựa không dám mua
Những ngày này, tại Cam Lâm - thủ phủ cây xoài của tỉnh, xoài đang vào mùa rộ. Thế nhưng, các vựa đóng cửa im ỉm hoặc thu mua cầm chừng; nhiều vườn xoài Úc chín đỏ chẳng có người mua. Những năm qua, thấy xoài Úc có giá nên nông dân chuyển mạnh sang trồng giống xoài này. Vì thế, tại các vựa xoài, chỉ thấy toàn xoài Úc với quả đỏ ửng đặc trưng. Vì sức mua giảm mạnh nên vựa chỉ chọn những trái to, đẹp mã. Chỉ những trái xoài Úc trái to, chín đỏ, đều, vỏ không tì vết mới được thương lái mua với giá 15.000 đồng/kg. Còn xoài tây (canh nông) thu mua loại 1 giá 8.000 đồng/kg, loại 2 là 4.000 đồng/kg; các loại xoài khác thương lái không mua.
Những năm trước, vựa xoài Yến Tây (trên Quốc lộ 1, thuộc thị trấn Cam Đức) gom hàng mạnh đưa đi tiêu thụ các tỉnh phía bắc và xuất sang Trung Quốc với nhiều nhân công làm việc ngày đêm, nhưng nay chỉ có 2 người. Bà Nguyễn Thị Yến - chủ vựa cho biết, mọi năm cơ sở tiêu thụ khoảng 5 - 6 tấn cho thị trường phía bắc và Trung Quốc, hiện nay giảm chỉ bằng 1/10. Do dịch Covid-19, các đối tác từ chối nhận hàng nên cơ sở cũng không dám thu mua xoài của nông dân.
Bà Nguyễn Thị Tuyết Trinh - chủ vựa thu mua xoài tại thôn Bắc Vĩnh (xã Cam Hải Tây) chia sẻ: “Người trồng xoài chỉ muốn bán tống bán tháo cho nhanh, lấy được đồng nào hay đồng đó nên có lúc không gọi họ cũng chở tới, đặt vài chục ký thì chở đến cả xe. Tôi hiểu tình cảnh khó khăn của họ nhưng không dám mua nhiều vì không thể bán hết”. Hiện nay, cơ sở chỉ thu mua 1 tấn/ngày so với những năm trước 4 - 5 tấn/ngày.
Dọc Quốc lộ 1 thuộc địa phận huyện Cam Lâm, từ xã Suối Tân đến Cam Thành Bắc, những năm trước, xoài bày bán đầy trên đường thì nay ít hẳn, vài cây số mới có điểm bán xoài cho khách trên đường. Không chỉ các chủ vựa gặp khó, những người thu gom xoài từ vườn bán lại cho vựa cũng lỗ vốn. Những người mua vườn có kinh nghiệm năm nay cũng thua lỗ. Nhiều người vay vốn ngân hàng đặt cược vào các vườn xoài đẹp, mua với giá khá cao, chẳng ngờ lâm vào tình cảnh này, có người mắc nợ hàng trăm triệu đồng…
Người trồng lao đao
Tình hình tiêu thụ xoài ảm đạm khiến nhà vườn lao đao vì chi phí bỏ ra mà không bù đắp được. Khi chúng tôi đến nhà ông Võ Trọng Tâm (thôn Bãi Giếng 2, xã Cam Hải Tây) thấy nhiều giỏ xoài vừa hái xuống, bày la liệt. Các con của ông Tâm buồn hiu ngồi lựa hàng. Một người con cho biết, xoài không ai thu mua nên đành kêu mối quen, giá bao nhiêu cũng bán, miễn sao thu được ít tiền. Cả tấn xoài chỉ bán được 3 triệu đồng, không bõ so với công thuê hái, vận chuyển. Giá xoài rớt thê thảm nhưng công, chi phí không giảm. Tiền công lao động hái xoài từ 6 giờ sáng đến trưa 500.000 đồng/công; gom xoài bằng xe rùa 400.000 đồng/công; xe tải nhỏ chở hàng 300.000 đồng/tấn/2 - 3km. Ngoài ra, chi phí vật tư, phân thuốc trong vụ đều tăng 5 - 10%, nhất là phân bón.
Ông Nguyễn Văn Ngọc (thôn Tân Hải, xã Cam Hải Tây) có vườn xoài rộng hàng héc-ta chuẩn bị thu hoạch nhưng không dám hái vì giá bán rẻ bèo. Chỉ vào những cây xoài tây đã ghép xoài Úc, ông cho biết, vì bị ruồi vàng chích hút nên vườn xoài không còn nhiều trái loại to, đẹp. Chi phí vụ này tăng nhẹ, trong khi giá xoài lại xuống quá thấp nên người trồng bị lỗ, nhất là những vườn đầu tư kỹ hay mất nhiều chi phí cho nước tưới, thuê nhân công. Cách đây hơn nửa tháng, giá xoài vẫn có thể chấp nhận được dù lãi không nhiều: Xoài loại 1 thu mua 20.000 đồng/kg, loại 2 là 8.000 đồng/kg. Lúc đó, ông bán xô thu lãi vài chục triệu đồng, còn đợt này nắm chắc lỗ vì giá xuống thấp chưa từng thấy; để hòa vốn thì giá bán xô phải 17.000 - 18.000 đồng/kg.
Kiến nghị hỗ trợ tiêu thụ
Việc tiêu thụ xoài khó khăn ngoài nguyên nhân do ảnh hưởng của dịch Covid-19, còn nguyên nhân sản lượng xoài Úc tăng đột biến do quá trình chuyển đổi ồ ạt mấy năm gần đây. Hiện nay, Cam Lâm có hơn 6.000ha xoài các loại, trong đó hơn 4.400ha cho quả. Xoài Úc đang chiếm đa số với 3.500ha, sản lượng hơn 40.000 tấn.
Ông Nguyễn Trọng Trung - Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh cho biết, sắp tới, hội sẽ phối hợp các ban, ngành tổ chức giải cứu xoài Úc của Cam Lâm như đã triển khai với bưởi Khánh Vĩnh. Hội nông dân các huyện đang nắm lại sản lượng còn tồn đọng để có hướng giải cứu. Ông Đoàn Ngọc Phước - Chủ tịch UBND xã Cam Hải Tây cho biết, Cam Lâm là thủ phủ xoài của tỉnh, còn xã Cam Hải Tây là vùng trồng xoài lớn nhất của huyện nhưng việc thu mua, chế biến xoài còn rất hạn chế. Các đơn vị như: Công ty TNHH một thành viên EMU (Cam Lâm), Công ty TNHH Vạn Hương (TP. Nha Trang), Hợp tác xã xoài Cam Hải Tây cũng khó thu mua khi giá rớt mạnh, khó tiêu thụ. Trên địa bàn chỉ có 1 cơ sở chế biến xoài sấy dẻo, hoạt động quy mô nhỏ, chủ yếu sử dụng xoài tây, xoài keo… nên không thu mua xoài Úc. Ông Phước kiến nghị tỉnh kêu gọi doanh nghiệp đầu tư nhà máy chế biến xoài và các sản phẩm từ xoài hay kho lạnh quy mô lớn để ổn định giá cả nông sản này giúp nông dân.
Được biết, UBND huyện Cam Lâm đã có văn bản gửi Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị hỗ trợ tiêu thụ xoài cho nông dân. Sở cũng đã có văn bản trình UBND tỉnh xem xét, chỉ đạo. Theo sở này, còn hơn 20.000 tấn xoài Úc tại Cam Lâm tồn đọng, chiếm hơn 50% sản lượng của toàn tỉnh. Do diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 ảnh hưởng đến vận chuyển, tiêu thụ xoài các tỉnh phía bắc và thị trường Trung Quốc; sản phẩm xoài xuất thô nên giá trị chưa cao; việc liên kết, thu mua, chế biến còn thấp, chưa hiệu quả. Đồng thời, hiện nay cũng là thời vụ thu hoạch của nhiều loại trái cây như vải, nhãn, xoài các nơi. Lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kiến nghị, trước mắt, đưa xoài Úc vào các chợ đầu mối các tỉnh lân cận và TP. Hồ Chí Minh để tiêu thụ; kêu gọi hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại, hệ thống bán lẻ trên địa bàn tham gia giải cứu xoài. Về lâu dài, kêu gọi các doanh nghiệp trong tỉnh (Nhà máy Đường Việt Nam, Công ty TNHH Nhà nước một thành viên Yến sào Khánh Hòa, Công ty Cổ phần Nước khoáng Khánh Hòa…) nghiên cứu, lắp đặt dây chuyền chế biến sản phẩm xoài nhằm hỗ trợ tiêu thụ xoài cho nông dân.
VĨNH LẠC