Một số dự án đầu tư công chưa hoàn thành giải ngân: Đề xuất kéo dài thời gian bố trí vốn

Chủ nhật - 12/02/2023 10:39
Tình hình dịch bệnh Covid-19 làm ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện một số dự án đầu tư công có nguồn vốn từ ngân sách Trung ương. Do đó, UBND tỉnh đã đề xuất Bộ Kế hoạch và Đầu tư kéo dài thời gian bố trí vốn, thời gian thực hiện và giải ngân vốn năm 2022 sang 2023. Báo Khánh Hòa điện tử, Cơ quan của Đảng Bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Khánh Hòa
Một số dự án đầu tư công chưa hoàn thành giải ngân: Đề xuất kéo dài thời gian bố trí vốn

Tình hình dịch bệnh Covid-19 làm ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện một số dự án đầu tư công có nguồn vốn từ ngân sách Trung ương. Do đó, UBND tỉnh đã đề xuất Bộ Kế hoạch và Đầu tư kéo dài thời gian bố trí vốn, thời gian thực hiện và giải ngân vốn năm 2022 sang 2023.


3 dự án chưa hoàn thành giải ngân


Mới đây, qua rà soát, UBND tỉnh nhận thấy có 3 dự án sử dụng ngân sách Trung ương cần phải kéo dài thời gian bố trí vốn sang năm 2023, gồm: Dự án Cảng cá động lực thuộc Trung tâm Nghề cá lớn (TP. Cam Ranh), Dự án Đường giao thông từ Quốc lộ 1 đến Đầm Môn (huyện Vạn Ninh) và Dự án Đường Quốc lộ 1 đi cầu Bến Miễu (TP. Nha Trang).

 

Thi công đường giao thông từ Quốc lộ 1 đi Đầm Môn. Ảnh: THIỆN TÂM

Thi công đường giao thông từ Quốc lộ 1 đi Đầm Môn. Ảnh: THIỆN TÂM


Theo đó, Dự án Cảng cá động lực thuộc Trung tâm Nghề cá lớn (giai đoạn 1) được UBND tỉnh phê duyệt đầu tư năm 2016 với tổng vốn hơn 171 tỷ đồng (trong đó ngân sách Trung ương 134 tỷ đồng, thời gian thực hiện đến năm 2023). Năm 2021, Trung ương bố trí vốn cho dự án gần 63 tỷ đồng và đã giải ngân 100% kế hoạch vốn được giao. Năm 2022, Trung ương bố trí hơn 71,4 tỷ đồng (đã giao đủ kế hoạch vốn trung hạn 2021 - 2025 của dự án); tiến độ giải ngân đến ngày 31-1-2023 đạt hơn 41,1 tỷ đồng, còn lại hơn 30 tỷ đồng chưa được giải ngân.

 

Thi công Cảng cá động lực thuộc Trung tâm Nghề cá lớn.

Thi công Cảng cá động lực thuộc Trung tâm Nghề cá lớn.


Dự án Đường giao thông từ Quốc lộ 1 đến Đầm Môn được Ban Quản lý Khu Kinh tế Vân Phong phê duyệt đầu tư năm 2015 với tổng vốn hơn 998 tỷ đồng (trong đó ngân sách Trung ương 715 tỷ đồng), thời gian thực hiện đến hết năm 2022. Năm 2021, Trung ương bố trí vốn gần 485 tỷ đồng, đã giải ngân 100% kế hoạch vốn được giao. Năm 2022, Trung ương  bố trí hơn 230,4 tỷ đồng (đã giao đủ kế hoạch vốn trung hạn 2021-2025 của dự án). Đến ngày 31-1-2023, dự án giải ngân được hơn 223 tỷ đồng, còn lại 7,22 tỷ đồng chưa giải ngân.


Riêng Dự án Đường Quốc lộ 1 đi cầu Bến Miễu, được UBND tỉnh phê duyệt từ năm 2015 với tổng vốn gần 83 tỷ đồng (ngân sách Trung ương 70 tỷ đồng, thời gian thực hiện dự án đến năm 2024) hiện nay còn tồn đọng vốn chưa giải ngân khá nhiều. Trong đó, năm 2021, ngân sách Trung ương bố trí gần 19 tỷ đồng, chỉ giải ngân hết hơn 14,2 tỷ đồng (còn lại hơn 4,6 tỷ đồng bị hủy dự toán do không thực hiện giải ngân đúng thời gian quy định). Năm 2022, Trung ương giao hơn 51 tỷ đồng (đã giao đủ kế hoạch vốn trung hạn 2021 - 2025 của dự án), nhưng đến ngày 31-1-2023, tỉnh mới chỉ giải ngân được gần 5 tỷ đồng, còn lại hơn 46,3 tỷ đồng chưa giải ngân.


Đề xuất kéo dài thời gian


Nguyên nhân khiến tiến độ giải ngân bị chậm là do trong quá trình triển khai thực hiện công tác giải phóng mặt bằng của các dự án gặp nhiều khó khăn, vướng mắc dẫn đến tiến độ thi công không đảm bảo. Vì vậy, UBND tỉnh phải điều chuyển kế hoạch vốn ngân sách Trung ương trong năm của các dự án này sang cho các dự án khác có tiến độ giải ngân tốt và có nhu cầu bổ sung vốn để đẩy nhanh tiến độ thực hiện theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Bên cạnh đó, diễn biến phức tạp của đại dịch Covid-19 trong năm 2020 và năm 2021 cũng ảnh hưởng lớn đến tiến độ triển khai dự án. Những điều này dẫn tới việc bố trí vốn của các dự án kéo dài so với thời gian quy định. Hiện nay, các dự án đã hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng và đang đẩy nhanh tiến độ triển khai thi công để hoàn thành trong năm 2023.


Theo ông Nguyễn Tấn Tuân - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, 3 dự án nêu trên đều là những dự án có tính chất rất quan trọng, có tầm ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Các dự án này tạo điều kiện thu hút đầu tư, thúc đẩy phát triển Khu Kinh tế Vân Phong, tạo động lực tăng trưởng kinh tế của tỉnh theo Nghị quyết số 09 của Bộ Chính trị về xây dựng, phát triển tỉnh Khánh Hòa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Đồng thời, góp phần hoàn thiện mạng lưới giao thông TP. Nha Trang đến năm 2025; phục vụ công tác an ninh - quốc phòng, đáp ứng yêu cầu phản ứng nhanh của lực lượng vũ trang để thực hiện nhiệm vụ bảo đảm an ninh, chính trị và trật tự an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh.


Đặc biệt, Dự án Cảng cá động lực thuộc Trung tâm Nghề cá lớn với mục tiêu là hình thành cơ sở hậu cần nghề cá đồng bộ nhằm khai thác tối đa nguồn lợi hải sản tại các ngư trường Nam Trung Bộ, ngư trường Nhà giàn DK1 và ngư trường trọng điểm Trường Sa gắn với bảo vệ chủ quyền biển, đảo, an ninh - quốc phòng. Dự án thuộc danh mục đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội theo Nghị quyết số 42 của Chính phủ về ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 09 của Bộ Chính trị, có ý nghĩa quan trọng trong việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của tỉnh và cả khu vực Nam Trung Bộ.


“Chính vì vậy, UBND tỉnh kiến nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho kéo dài thời gian bố trí vốn từ năm 2022 sang năm 2023 để đảm bảo việc hoàn thành dự án. Trường hợp dự án chưa được kéo dài thời gian bố trí vốn sẽ không đảm bảo nguồn vốn triển khai hoàn thành dự án theo mục tiêu, quy mô được phê duyệt, ảnh hưởng trực tiếp đến việc thực hiện các nghị quyết của Trung ương cũng như công tác đảm bảo an ninh - quốc phòng”, ông Nguyễn Tấn Tuân nhấn mạnh.


ĐÌNH LÂM




 

Tiêu điểm
Tin mới
Nhà đất
Xã hội
Tổng hợp