Một sĩ quan đam mê nghiên cứu IoT

Thứ ba - 22/06/2021 14:44
Trung tá, Tiến sĩ Nguyễn Hữu Minh - Khoa Vô tuyến điện, Trường Đại học Thông tin liên lạc đã có nhiều công trình kết nối Internet vạn vật (IoT) đem lại hiệu quả cao phục vụ cho việc học tập và nghiên cứu khoa học của nhà trường. Báo Khánh Hòa điện tử, Cơ quan của Đảng Bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Khánh Hòa
Một sĩ quan đam mê nghiên cứu IoT

Trung tá, Tiến sĩ Nguyễn Hữu Minh - Khoa Vô tuyến điện, Trường Đại học Thông tin liên lạc đã có nhiều công trình kết nối Internet vạn vật (IoT) đem lại hiệu quả cao phục vụ cho việc học tập và nghiên cứu khoa học của nhà trường.


Trung tá Minh cho biết, IoT là vấn đề “hot”, có nhiều ứng dụng trong đời sống và sản xuất nên anh rất đam mê nghiên cứu. Mới đây, công trình “Giải pháp an ninh cho ngôi nhà thông minh” của anh đã đạt giải nhì cấp trường và tiếp tục hoàn thiện sản phẩm gửi dự thi toàn quân.

 

Trung tá Minh (ngồi) và các cộng sự nghiên cứu giải pháp giao thông thông minh.

Trung tá Minh (ngồi) và các cộng sự nghiên cứu giải pháp giao thông thông minh.

 

Thượng tá Bùi Tiến Bảo - Trưởng ban Khoa học Quân sự, Trường Đại học Thông tin liên lạc: Trung tá Minh rất đam mê khoa học kỹ thuật, hàng năm đều chủ trì và tham gia nhiều công trình, đề tài được nghiệm thu đạt xuất sắc. Anh cũng là cán bộ gương mẫu trong thực hiện nhiệm vụ chính trị của đơn vị, nhà trường, thường xuyên quan tâm dìu dắt, hướng dẫn đồng nghiệp trẻ sáng tạo…

Anh chia sẻ, hiện nay nhu cầu bảo đảm an ninh cho ngôi nhà, kho, xưởng sản xuất rất được quan tâm nhằm ngăn chặn, phát hiện kịp thời trộm cắp cũng như phá hoại tài sản của những phần tử xấu. Tuy các giải pháp an ninh cho ngôi nhà thông minh được một số doanh nghiệp, đơn vị thực hiện song chi phí lắp đặt khá cao, chưa tích hợp nhiều công nghệ để bảo đảm an ninh, an toàn tuyệt đối cho ngôi nhà. Hệ thống giám sát an ninh ngôi nhà thông minh trên cơ sở bảo vệ toàn diện ngôi nhà cả trong lẫn ngoài. Hệ thống an ninh vòng ngoài sử dụng cảm biến chuyển động và camera nhận dạng đối tượng lạ đột nhập, được gắn giám sát khu vực quanh hàng rào của ngôi nhà. Hệ thống sẽ tự động cảnh báo bằng chuông, đồng thời truyền cảnh báo bằng tin nhắn đến gia chủ khi có người đột nhập.


Hệ thống còn tích hợp mô đun sóng vô tuyến kết hợp các thẻ RFID gắn trên xe ô tô, cho phép xe ô tô của chủ nhà vào ra cổng mà không cần xuống xe để mở cửa. Hệ thống an ninh vòng trong sử dụng công nghệ nhận dạng khuôn mặt, cho phép người thân, chủ nhà ra vào ngôi nhà và tự động mở cửa khi đến trước cửa. Khi người lạ đột nhập, hệ thống sẽ nhận diện và gửi thông báo cùng hình ảnh của người lạ đến điện thoại của chủ nhà. Ngoài ra, ngôi nhà còn được trang bị các công nghệ hiện đại khác như: Điều khiển thông qua giọng nói và cử chỉ, giúp tạo ra không gian tiện nghi và thoải mái trong ngôi nhà.


Mới đây, Trung tá Minh tham gia hỗ trợ một doanh nghiệp nghiên cứu công trình nhận diện khuôn mặt để kiểm soát người ra vào tại các khu công nghiệp, công nhân và người lao động tại các khu làm việc đông người. Sản phẩm đã được thương mại hóa cho 2 doanh nghiệp của Nhật Bản (khu khai thác mỏ) và đang trong quá trình thương mại hóa cho một số trường học và cơ sở sản xuất ở miền Trung - Tây Nguyên. Đồng thời, một sản phẩm khác cũng dựa trên cơ sở IoT kết hợp với công nghệ AI giúp phân tích xác định độ chín của quả cà chua phục vụ cho việc thu hái tự động. Bên cạnh đó, anh đang ấp ủ đề tài “Giải pháp giao thông thông minh” dựa trên nguyên lý IoT và AI nhằm giúp các trung tâm điều hành giao thông đô thị đưa ra giải pháp nhanh nhất điều khiển phân luồng giao thông, chống kẹt xe, nhất là tại các thành phố lớn…


V.L

 

Tiêu điểm
Tin mới
Nhà đất
Xã hội
Tổng hợp