Năng suất thấp, giá lúa chạm đáy khiến vụ lúa hè thu năm nay không mấy hiệu quả. Hầu hết diện tích lúa đều chịu ảnh hưởng lớn bởi thời tiết nắng nóng kéo dài.
Năng suất giảm
Tại Hợp tác xã (HTX) nông nghiệp Diên Hòa, Diên Khánh, những kiện lúa cuối cùng đã được các thành viên của HTX xuất bán. Theo đó, có 243ha lúa, bao gồm một nửa là lúa giống, nửa còn lại là lúa thương phẩm đã thu hoạch xong. “Tuy đã hình dung trước về khả năng giảm năng suất do quá trình sinh trưởng cây lúa luôn bị thiếu nước, nhưng con số 63 tạ/ha, giảm khoảng 3 tạ/ha so với vụ hè thu 2018 khiến nông dân kém vui”, ông Võ Hùng - Giám đốc HTX nông nghiệp Diên Hòa cho biết.
Tình hình nắng hạn còn tác động xấu đến năng suất lúa ở Ninh Hòa và Vạn Ninh. Theo ông Nguyễn Ngọc Ý - Trưởng phòng Kinh tế huyện Vạn Ninh, vụ lúa này, toàn huyện gieo sạ 8.540ha. Đến nay, nông dân đã thu hoạch hơn 2.200ha; năng suất chỉ đạt 61,4 tạ/ha, giảm khoảng 7 tạ/ha so với vụ hè thu trước. Không chỉ hàng trăm héc-ta lúa thiếu nước, khô cháy ở Vạn Lương, Vạn Bình, mà hầu hết diện tích lúa trên toàn huyện đều phải hứng chịu các đợt nắng nóng bất thường, ảnh hưởng lớn đến quá trình sinh trưởng, năng suất vì thế chưa như mong đợi. Hiện nay, huyện đang hoàn tất thủ tục đề nghị hỗ trợ theo Nghị định 02 của Chính phủ đối với những diện tích lúa bị thiệt hại 70% trở lên do nắng hạn.
Tại Ninh Hòa, nơi có hơn 8.700ha lúa hè thu cũng không nằm ngoài tình cảnh trên. Theo Phòng Kinh tế Ninh Hòa, năng suất lúa vụ hè thu ước đạt 56 tạ/ha, giảm khoảng 6 tạ/ha so với vụ hè thu 2018. Không chỉ một số diện tích ở Ninh Thượng, Ninh Lộc bị thiệt hại hoàn toàn do nắng nóng, nhiều xã vùng lõi của cây lúa như: Ninh Đông, Ninh Trung, Ninh Thân… trong nhiều thời điểm đã phải ban hành tình trạng ứng phó khẩn cấp do nắng hạn. Rất may cây lúa nơi đây đã sống sót khi có cơn mưa lớn xuất hiện trong giai đoạn lúa bắt đầu trổ đòng. Tuy nhiên, năng suất lúa cũng không thể đạt được mức độ cao nhất.
Giá lúa thấp
Theo bà Lương Kim Ngân - Chi cục phó Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh, vụ hè thu 2019, nông dân Khánh Hòa gieo sạ được hơn 18.000ha, tương đương vụ hè thu năm trước. Giống lúa cũng không mấy thay đổi, chủ lực vẫn là ML48, ML 202, ML214… Ngoài ra, nông dân còn bổ sung một số giống như: TH41, TH6, OM7347, OM6976, Đài thơm 8… Đến nay, nông dân đã thu hoạch được 80%, năng suất ước đạt 55 tạ/ha.
Ngoài năng suất thấp, giá bán lúa hè thu năm nay còn bị giảm. Thông thường, khi sản lượng lúa đạt thấp, nguồn cung giảm, giá lúa sẽ có phần nhỉnh hơn, bù đắp phần nào cho nông dân. Tuy nhiên, vụ hè thu năm nay, không chỉ giảm mạnh về sản lượng, giá thu mua lúa cũng chạm đáy. Ông Võ Hùng cho biết, năm nay giá mua lúa ở Diên Khánh cả lúa giống và lúa thương phẩm đều tương đương nhau và chỉ đạt 5.000 đồng/kg, giảm 800 đồng/kg so với năm trước. Tại Vạn Ninh, giá thu mua lúa còn thấp hơn, chỉ đạt từ 4.600 đến 4.800 đồng/kg, nông dân chịu thiệt 700 đồng/kg so với năm trước.
Theo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh, khi những diện tích cuối cùng của lúa hè thu được thu hoạch cũng là lúc nông dân tập trung gieo sạ vụ mùa. Cũng như mọi năm, vụ mùa được xuống giống chủ yếu ở Vạn Ninh và Ninh Hòa. Nhưng với tình hình hiện nay, con số 5.726ha lúa vụ mùa theo kế hoạch nhiều khả năng sẽ khó đạt. Đối với vụ mùa, cơ quan chuyên môn khuyến cáo nông dân chỉ sản xuất giống ngắn ngày, trên chân ruộng chủ động về nước tưới nhưng phải đảm bảo không ngập úng vào mùa mưa. Để đạt 2 điều kiện này không dễ dàng, vì thế, thực tế sản xuất hiện nay, nhiều nông dân đã mạnh dạn chuyển từ đất lúa 3 vụ sang 2 vụ lúa 1 vụ màu. Đây cũng là chủ trương chung của tỉnh và đang được Nhà nước khuyến khích bằng các chính sách cụ thể, trong đó có chính sách hỗ trợ chuyển đổi cây trồng.
Được biết, trong năm 2019, tỉnh có kế hoạch chuyển đổi hơn 1.000ha lúa kém hiệu quả, không chủ động nước tưới sang cây trồng hàng năm khác. Trong vụ hè thu, đã có hơn 80ha lúa kém hiệu quả được chuyển đổi. Dự kiến diện tích này sẽ tăng mạnh trong vụ mùa sắp tới.
Hồng Đăng