Lý luận của kẻ côn đồ

Chủ nhật - 01/03/2020 10:58
Suốt phiên tòa xét xử vụ án giết người, gia đình bị hại ngồi lặng thinh, đăm đăm nhìn 3 bị cáo (cùng trú huyện Cam Lâm) thi nhau thanh minh trước tòa. Họ chỉ khẽ lắc đầu khi 3 bị cáo lần lượt quay lại xin lỗi khi nói lời sau cùng trước khi tòa nghị án. Điều khiến gia đình bị hại khó chấp nhận chính là hành xử ngông nghênh và thái độ thiếu ăn năn của 3 bị cáo. Báo Khánh Hòa điện tử, Cơ quan của Đảng Bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Khánh Hòa

Suốt phiên tòa xét xử vụ án giết người, gia đình bị hại ngồi lặng thinh, đăm đăm nhìn 3 bị cáo (cùng trú huyện Cam Lâm) thi nhau thanh minh trước tòa. Họ chỉ khẽ lắc đầu khi 3 bị cáo lần lượt quay lại xin lỗi khi nói lời sau cùng trước khi tòa nghị án. Điều khiến gia đình bị hại khó chấp nhận chính là hành xử ngông nghênh và thái độ thiếu ăn năn của 3 bị cáo.


Chuyện xảy ra tại quán Internet. Bị cáo L.P.L (sinh năm - SN 1997) vào quán hỏi thăm có thấy một người quen của L. ở quán không thì bị bị hại mắng mỏ. L. nổi giận, kình cãi rồi xông vào đánh. Thấy vậy, chủ quán vội can ngăn. Khi bị hại đi vào trong, L. gọi cho K.T.H (SN 1998) tới. L.V.Đ (SN 1997) đang ngồi nhậu cùng H. cũng đi theo. Tới quán, nhận diện được bị hại, cả nhóm xông vào đâm, đánh liên tiếp. Khi bị hại vùng chạy ra ngoài, cả nhóm tiếp tục đuổi theo tấn công, làm bị hại tử vong.


Nhưng trước tòa , L. vẫn liến thoắng thanh minh, đổ lỗi cho người đã khuất. L. tỏ ra bức xúc vì bị bị hại mắng chửi. L. đã nín nhịn, nhưng bị hại tiếp tục sừng sộ nói: “Mày có tin tao móc mắt mày ra không?”. Do sợ bị hại đánh nên L. mới đánh trước để... phòng thủ! Khi chủ quán can ngăn, bị hại ngồi chơi game lại thì L. chỉ lấy điện thoại ra để ngang mặt xem, nhưng bị hại lại thách thức: Mày gọi người lên đánh tao thì gọi nhanh lên! Vì vậy, bị cáo mới gọi H.


Bị cáo H. khai nhận không mâu thuẫn với bị hại, do L. là bạn bè xóm làng nhờ nên tự nguyện đi đánh giúp. Thời điểm mang dao theo, bị cáo còn chưa biết sẽ đi đánh ai, bên nào có lỗi. Do trời tối, thấy dính máu, bị cáo nghĩ bị hại có hung khí nên mới đâm bị hại mấy nhát. Khi bị hại bỏ chạy, bị cáo không hề có ý nghĩ truy sát nên lên xe về nhà. Do đường về nhà trùng với hướng chạy của bị hại, Đ. nhảy lên xe bị cáo đi nhờ một đoạn rồi nhảy xuống đuổi bị hại tiếp. Còn bị cáo Đ. khai không biết ai nhờ, không biết đi đánh ai. Đ.  thanh minh, đang ngồi nhậu cùng H. thì H. có điện thoại, nghe nói nhờ đi đánh nhau nên Đ. đi theo bảo vệ H. vì... sợ H. bị đánh!


Vị thẩm phán nghiêm khắc chất vấn L.: Như vậy, phải chăng cả 2 lần bị cáo tấn công bị hại đều do e sợ lời đe dọa của bị hại? L. vội vàng gật đầu xác nhận: Bị cáo tin bị hại nói là làm! Nhưng rồi L. đã cúi đầu im lặng trước câu hỏi: Thực tế bị hại đã tấn công bị cáo, đã có những hành động đúng như lời đe dọa không? Còn bị cáo H. cũng phải thừa nhận, nếu H. không tới giúp, không chắc L. dám xông vào đánh bị hại.


Đến tận phút chót, L. mới cúi đầu thừa nhận chút ít: Trong vụ án này, bị cáo có lỗi một phần! Còn H. lí nhí: Do bị cáo trót uống bia nên không làm chủ được suy nghĩ! Đ. cúi đầu cho biết, giả sử tới nơi, phát hiện bị hại là người nhà bị cáo thì sẽ không giúp các bị cáo đánh bị hại!


Những lời khai đó chỉ là thứ lý luận ngụy biện của kẻ côn đồ! Thực tế, cả 2 lần xung đột, bị cáo L. luôn là người đánh bị hại trước. L. thanh minh “đánh để phòng thủ”, nhưng với diễn biến thực tế vụ án, đúng ra, người cần phòng thủ phải là bị hại! Chưa hết, sau khi bị tấn công và phải vùng chạy, bị hại vẫn chưa thoát được sự truy đuổi. 3 bị cáo còn tiếp tục đuổi theo đánh tiếp cho đến khi người này gục xuống! Có lẽ, đó cũng là lý do khiến gia đình bị hại không thể dễ dàng tha thứ cho họ.


TAM THUẬT


 

Tiêu điểm
Tin mới
Nhà đất
Xã hội
Tổng hợp