Gần 5 tháng qua, hàng chục lao động của thị xã Ninh Hòa (Khánh Hòa) đi làm việc tại Oman đang sống trong điều kiện rất ngặt nghèo khi không thể về nước bởi dịch Covid-19. Dịch bệnh, thiếu thốn bủa vây, khiến những người lao động phải liên tục cầu cứu cơ quan chức năng. Báo Khánh Hòa điện tử, Cơ quan của Đảng Bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Khánh Hòa
Gần 5 tháng qua, hàng chục lao động của thị xã Ninh Hòa (Khánh Hòa) đi làm việc tại Oman đang sống trong điều kiện rất ngặt nghèo khi không thể về nước bởi dịch Covid-19. Dịch bệnh, thiếu thốn bủa vây, khiến những người lao động phải liên tục cầu cứu cơ quan chức năng.
Sống lay lắt nơi xứ người
Suốt cả tháng nay, 26 công nhân của Công ty TNHH Thiết bị công nghiệp và hàng hải Ninh Hòa (trụ sở tại 632 Trần Quý Cáp, phường Ninh Hiệp, thị xã Ninh Hòa) lao động tại Oman đang phải cầu cứu khắp nơi, từ diễn đàn Người Việt tại Oman đến viết thư cho đại sứ quán. Tất cả họ chỉ mong muốn sớm thoát khỏi khu vực dịch bệnh để được về nước, đoàn tụ với gia đình.
Qua messenger, anh Hồ Ngọc Thành (thường trú tổ 10 phường Ninh Hiệp, thị xã Ninh Hòa) khẩn cầu: “Mong cơ quan chức năng can thiệp, giúp đỡ để chúng em sớm được về nước. Chứ cứ như thế này, chúng em túng quẫn, không lối thoát. Ở giữa xứ người, dịch bệnh hoành hành mà anh em không biết tiếng Oman nên gần như bị cô lập. Đói khát, nhớ gia đình và cả lo lắng cho tính mạng cứ bủa vây lấy chúng em”. Đến đây, giọng Thành chợt chùng xuống. Dù không nói ra nhưng nghe tiếng nói ngắt quãng, nghèn nghẹn nơi cổ họng cũng đủ hiểu cảm xúc của Thành lúc này. Thành cho biết, ngoài anh ra còn có 39 người khác, chủ yếu là người dân Ninh Hòa được Công ty TNHH Thiết bị công nghiệp và hàng hải Ninh Hòa đưa sang Oman lao động với thời hạn từ tháng 7-2019 đến tháng 4-2020. Tuy nhiên, sau khi hết hợp đồng thì vì dịch Covid-19 nên không có đường bay để anh em về nước. Bị kẹt lại giữa xứ người, chủ công ty yêu cầu 40 lao động phải ở lại trong ký túc xá và tiếp tục làm việc cho đến khi nào có chuyến bay mới được về. “Ở ký túc xá ngày nào cũng có xe cứu thương vào đưa người bệnh Covid-19 đi thì thử hỏi tâm trí đâu mà anh em có thể ở lại tiếp tục lao động. Tiền quan trọng nhưng tính mạng còn quan trọng hơn. Với lại chúng em đã hoàn thành hợp đồng nên không thể bắt chúng em làm việc tiếp được”, Thành tâm sự.
Vì lo sợ dịch bệnh nên 26 trong tổng số 40 công nhân yêu cầu Công ty TNHH Thiết bị công nghiệp và hàng hải Ninh Hòa đưa họ đến khu vực an toàn hơn. Thế nhưng, tại đây lại là những tháng ngày họ gặp muôn vàn khó khăn. Anh Nguyễn Tiến Hùng (thường trú tại phường Ninh Hải, thị xã Ninh Hòa) cho biết: “Khi đưa chúng tôi lên đây, giám đốc công ty liên tục dọa nạt bắt mọi người phải trở về khu vực có dịch để làm việc, nếu không đi làm sẽ không cấp tiền ăn. Mỗi người chỉ được cấp hơn 70 ngàn tiền ăn (tính theo Việt Nam đồng) một ngày thì làm sao đủ sống với giá cả đắt đỏ ở Oman. Đã vậy, mỗi lần chủ chỉ phát 3 ngày tiền ăn, hết lại phát tiếp. Anh em nào cầu cứu đến cơ quan chức năng, chủ công ty biết được thì mọi người bị bỏ đói. Đã rất nhiều lần chúng tôi bị bỏ đói như vậy. Ở nơi xứ người, không biết tiếng, không biết cách làm sao để bảo vệ mình và để về nước, nên tập thể anh em công nhân rất mong Đại sứ quán Việt Nam giúp đỡ, bảo hộ công dân Việt Nam, giúp anh em sớm về nước”.
Vay tiền gửi đến oman
Công nhân kẹt lại Oman lo lắng một, những người thân ở quê nhà lo lắng mười. Bởi phía sau 26 người lao động đang khẩn cầu là 26 gia đình với mẹ già, vợ trẻ, con thơ. Tất cả các lao động này đều là trụ cột của gia đình nên suốt 5 tháng qua, người thân đều thấp thỏm lo âu. Biết có phóng viên đến, bà Phan Thị Kim Liễu (xã Ninh Thọ, thị xã Ninh Hòa) buồn tủi nói: “Tôi là mẹ của Nguyễn Thanh Thương và Nguyễn Thanh Thông. 5 tháng qua, con tôi bị kẹt bên Oman là 5 tháng gia đình sống trong lo sợ. 2 đứa nó còn vợ và con nhỏ vậy mà biền biệt không biết ngày về. Rủi bên xứ người có chuyện gì thì vợ con biết bấu víu vào ai. Mỗi lần gọi điện thoại về là tụi nhỏ khóc miết, nó nói nhớ gia đình, nhớ quê”.
Do 5 tháng qua công ty chỉ cấp tiền ăn nên tiền sinh hoạt hàng ngày của 26 công nhân đều do gia đình gửi sang. Mỗi tháng, các gia đình phải gửi từ 2 đến 3 triệu đồng mới đủ cho con em trang trải nơi xứ người. Chị Huỳnh Thị Thỏa (vợ của anh Hồ Ngọc Thành) lo lắng nói: “Không phải gia đình nào cũng có điều kiện để gửi tiền. Các anh ấy kiếm tiền ở nước ngoài gửi về, hiện nay, vợ con phải gửi tiền ra nước ngoài thì thật sự khó. Nhiều người phải cố vay mượn để gửi cho chồng, con. Nhưng thôi, biết sao được, còn người còn của. Chỉ mong các anh ấy đủ sức khỏe để chống chọi với dịch bệnh và khí hậu khắc nghiệt ở Oman”. Nói đến đây, mắt của chị Thỏa ngấn lệ.
Được biết, suốt thời gian qua, các gia đình có người thân đang bị kẹt lại Oman đã rất nhiều lần đến trụ sở chính của Công ty TNHH Thiết bị công nghiệp và hàng hải Ninh Hòa để cầu cứu. Họ đề nghị chủ doanh nghiệp phải đảm bảo cuộc sống tối thiểu cho các công nhân và sớm đăng ký với Đại sứ quán Việt Nam tại Oman để khi nào có chuyến bay thì người lao động được về nước. “Nếu công ty không đủ tiền mua vé máy bay, gia đình chúng tôi sẵn sàng vay ngân hàng để bù tiền mua vé đưa con chúng tôi về. Mạng sống con người là quan trọng nhất, chứ kiếm tiền giữa vùng dịch như vậy có khi lúc trở về chỉ còn hũ tro”, bà Phan Thị Kim Liễu bày tỏ.
Phải đảm bảo cuộc sống tối thiểu
Vương quốc Oman có diện tích 309.500km2, nằm ở khu vực Trung Đông, tiếp giáp biển Ả Rập, vịnh Oman, vịnh Persian, nằm giữa Yemen và UAE. Quốc gia này hiện có hơn 5 triệu dân và nền kinh tế phụ thuộc vào dầu mỏ.
Đến ngày 11-9, quốc gia này có 90.222 ca nhiễm Covid-19. Trong đó, có 83.928 ca bình phục và 790 trường hợp tử vong. Hiện nay, tình hình dịch bệnh tại Oman vẫn hết sức phức tạp. Chỉ tính từ ngày 29-8 đến 11-9, có tới 3.332 ca nhiễm mới, 112 trường hợp tử vong. Đỉnh điểm của dịch Covid-19 ở Oman nằm trong tháng 7 và tháng 8, ngày có số ca nhiễm mới cao nhất là 2.164 ca.
Đến trụ sở Công ty TNHH Thiết bị công nghiệp và hàng hải Ninh Hòa trên đường Trần Quý Cáp, chúng tôi chỉ thấy căn nhà 3 tầng khóa cửa im ỉm, không có nhân viên. Sau khi gọi điện thoại, ông Phạm Tấn Hùng - Chủ tịch công ty chạy về tiếp chúng tôi. Ông Hùng cho biết, hiện nay, công ty rất khó khăn. Bản thân ông trước đây từng làm việc tại Oman 7 năm trong lĩnh vực đóng tàu nên năm 2019, ông thành lập công ty để làm nhà thầu phụ cho phía doanh nghiệp đóng tàu tại Oman. Nhưng dịch bệnh bùng phát đã khiến cho 40 công nhân của công ty không về nước được. Ông Hùng phân trần: “Thực sự chúng tôi không muốn việc này xảy ra, song bây giờ đã như vậy thì phải cố thôi. Hiện nay, công ty phải vay mượn ngân hàng để có thể trang trải nợ nần. Mới đây, tôi cũng đã đăng ký với Đại sứ quán Việt Nam tại Oman để khi nào có chuyến bay nhân đạo thì sớm đưa công nhân về nước”. Khi được hỏi, có tình trạng đe dọa và ép công nhân đi làm hay không, ông Hùng thừa nhận là có hù dọa. Song theo ông Hùng, chỉ hù như vậy để anh em chịu làm việc, vừa để có tiền, vừa có chế độ ăn uống của công ty chủ quản ở Oman. “Chuyện bỏ đói công nhân là không có. Công ty không đưa nhiều tiền vì sợ anh em tiêu hết nên đưa 3 ngày một lần. Vì địa điểm 26 công nhân ở cách xa nơi có người đại diện của công ty tới 600km nên nhiều khi chuyển tiền chậm mà thôi”, ông Hùng phân trần.
Khi biết được tình hình của 26 công nhân ở Ninh Hòa đang bị kẹt tại Oman, ông Văn Đình Tri - Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết, sở sẽ yêu cầu Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội thị xã kiểm tra lại và làm việc với chủ doanh nghiệp để đảm bảo cuộc sống tối thiểu cho người lao động. “Dù công ty có như thế nào thì vẫn phải đảm bảo cuộc sống cho công nhân trước khi họ được về nước. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng sẽ kiểm tra quá trình công ty này đưa người lao động đi nước ngoài có tuân thủ quy định hay không”, ông Tri nói.
Trao đổi với ông Bùi Thế Trung - phụ trách Lãnh sự - Đại sứ quán Việt Nam tại Ả-rập Xê-út và Oman, được biết, giữa tháng 8-2020, đại sứ quán có nhận được thông tin của 26 công nhân Công ty TNHH Thiết bị công nghiệp và hàng hải Ninh Hòa đề nghị đại sứ quán giúp thu xếp chuyến bay để hồi hương. Ngay sau khi tiếp nhận thông tin, đại sứ quán đã hướng dẫn người lao động thực hiện các thủ tục cần thiết. Ngày 24-8, Công ty TNHH Thiết bị công nghiệp và hàng hải Ninh Hòa cũng đã liên hệ và gửi danh sách 40 lao động (bao gồm cả 26 công nhân nêu trên) đến đại sứ quán để được sắp xếp chuyến bay. “Riêng vấn đề không được lo tiền ăn kịp thời và hù dọa giữ giấy tờ không cho về nước như phóng viên phản ánh, chúng tôi đề nghị chủ doanh nghiệp phải xác minh, làm rõ để trả lời cho đại sứ quán. Nếu tình hình đúng như phản ánh, đại sứ quán sẽ làm việc với đối tác Oman về nhu cầu thiết yếu cho người lao động trong thời gian bị mắc kẹt, nhằm đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp cho người lao động”, ông Trung nói.