Lấn chiếm bờ kè thoát lũ cầu Phú Vinh - sông Tắc

Thứ năm - 03/09/2020 13:22
Do dự án hệ thống thoát lũ cầu Phú Vinh - sông Tắc (thành phố Nha Trang) chưa bàn giao cho địa phương quản lý nên một số hộ dân đã lấn chiếm lòng kênh, bờ kè để nuôi, trồng, làm nhà tạm để sinh hoạt. Điều này đang làm giảm hiệu quả công trình khi mùa mưa lũ đến. Báo Khánh Hòa điện tử, Cơ quan của Đảng Bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Khánh Hòa
Lấn chiếm bờ kè thoát lũ cầu Phú Vinh - sông Tắc

Do dự án hệ thống thoát lũ cầu Phú Vinh - sông Tắc (TP. Nha Trang) chưa bàn giao cho địa phương quản lý nên một số hộ dân đã lấn chiếm lòng kênh, bờ kè để nuôi, trồng, làm nhà tạm để sinh hoạt. Điều này đang làm giảm hiệu quả công trình khi mùa mưa lũ đến.


Lấn chiếm để trồng trọt


Đến nay, hệ thống thoát lũ cầu Phú Vinh - sông Tắc nhiều đoạn đã cơ bản hoàn thành, lòng kênh được nạo vét, hai bên bờ đã được xây dựng hệ thống kè đá hộc, bê tông kiên cố. Tuy vậy, hiện nay, lại dấy lên nỗi lo bởi tình trạng người dân lấn chiếm lòng kênh, bờ kè.

 

Người dân làm chòi hóng mát, trồng rau trên hành lang bờ kè.

Người dân làm chòi hóng mát, trồng rau trên hành lang bờ kè.


 Ngay phía thượng lưu, đoạn gần cầu đường sắt Phú Vinh đến cầu sông Tắc, thuộc địa phận xã Vĩnh Hiệp, một phần lòng kênh đã thành nơi trồng lúa, trồng chuối, trồng mướp xanh tốt rộng hàng ngàn mét vuông, có cả một chuồng bò rộng chừng 40m2 của người dân địa phương. Một phần lòng kênh thuộc địa phận xã Vĩnh Trung, Vĩnh Thái cũng bị lấn chiếm để trồng trọt và làm chuồng trại chăn nuôi tương tự. Không chỉ trồng các loại cây ngắn ngày, người dân còn trồng những cây ăn quả lâu năm như dừa, xoài. Tình trạng xâm phạm hành lang kênh thoát lũ xảy ra nhiều nhất tại Khu tái định cư Thủy Tú, xã Vĩnh Thái. Đây là khu tái định cư được xây dựng sát bờ kênh thoát lũ, được giao cho người dân bị ảnh hưởng bởi dự án, xây dựng nhà cửa từ 4 năm trước. Do khu dân cư nằm sát bờ sông nên tình trạng lấn chiếm bờ kè ngày càng nghiêm trọng. Tại dãy nhà sát bờ sông, nhiều hộ dân đã vô tư lấn chiếm khu vực hành lang bờ kè phía trước nhà. Đơn giản thì xây thêm cầu thang để xuống sông, xây ô tạo mặt bằng để trồng rau, trồng cây ăn trái, cây tạo bóng mát. Hàng loạt cây lâu năm như: dừa, xoài, mít, si… được trồng rất nhiều trên bờ kè. Bà Diệp Thị Mỹ Hà, có nhà ở Khu tái định cư Thủy Tú cho biết, khi mới về khu tái định cư, bờ kè chỉ toàn đá, bê tông nên rất nóng nực, trở thành nơi bỏ rác nên nguy cơ ô nhiễm môi trường. Mọi người đã xây gạch, tạo mặt bằng đổ đất, cải tạo vừa tạo cảnh quan xanh, mát, vừa làm nơi trồng trọt cho gia đình.


Không chỉ sử dụng bờ kè để trồng trọt, đã có hơn 10 chòi, nhà tạm được dựng trên bờ kè. Các chòi được đổ bằng bê tông, sắt kiên cố, dôi ra ngoài mép nước. Các hộ dân cho biết, họ làm chòi để hóng mát, ngắm cảnh, thư giãn cho cả gia đình. Không chỉ làm chòi ngắm cảnh, nhiều hộ còn lấy bờ kè làm kho chứa hàng, làm nhà bếp, nơi chăn nuôi gia cầm. Có người còn dùng lưới khoanh vùng mặt nước để nuôi cá. Những hộ dân này đã kéo điện, kéo nước từ bên nhà qua bên bờ kè, biến bờ kè thành không gian sinh hoạt thứ hai của gia đình.


Không đảm bảo an toàn công trình thoát lũ


Được biết, hệ thống thoát lũ cầu Phú Vinh - sông Tắc có tổng chiều dài 3.420m. Các hạng mục gồm: xây tuyến đê bao và kè đá bờ tả dài 3.548m, xây 5 cống tiêu bờ tả, 7 cống tiêu bờ hữu, 1 cầu thoát lũ, 1 tràn xi phông, tràn kết hợp cống... với tổng mức đầu tư hơn 485 tỷ đồng. Cùng với Dự án chỉnh trị hạ lưu sông Tắc - sông Quán Trường, toàn bộ hệ thống thoát lũ sẽ bảo vệ vùng đô thị mới quy hoạch 2.000ha, từ phía nam đường sắt Bắc Nam đến cầu Bình Tân.


 Ông Quách Thanh Sơn - Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh, đơn vị chủ đầu tư Dự án hệ thống thoát lũ cầu Phú Vinh - sông Tắc cho biết, hiện nay, dự án đang trong giai đoạn hoàn thiện để bàn giao cho đơn vị quản lý xây dựng, khai thác và bảo vệ công trình là UBND TP. Nha Trang. Đây là công trình đê điều nên không được trồng trọt các loại cây lâu năm, xây dựng công trình, chuồng trại. Các hành vi vi phạm của người dân, đặc biệt là trồng trọt, xây dựng các hạng mục trên bờ kè sẽ ảnh hưởng đến kết cấu, chất lượng, tuổi thọ công trình. Đặc biệt, mỗi lần có mưa lũ, nước lũ dâng cao,  không chỉ người dân bị thiệt hại mà hiệu quả của công trình cũng bị giảm rõ rệt, do gây cản trở dòng chảy. Ban quản lý dự án đã nhiều lần nhắc nhở người dân và mới đây đã có văn bản đề nghị UBND các xã: Vĩnh Trung, Vĩnh Hiệp, Vĩnh Thái thông báo cho các hộ dân phải tháo dỡ, di dời chuồng trại, hoa màu ra khỏi phạm vi dự án. “Chúng tôi sẽ đề ra tiến độ thời gian, nếu các hộ dân không tháo dỡ, di dời trả lại nguyên trạng trước khi trồng trọt, xây dựng thì đơn vị thi công sẽ tự phá dỡ”- ông Sơn nói.


Minh Thiết

 

Tiêu điểm
Tin mới
Nhà đất
Xã hội
Tổng hợp