Khác với bão lũ hay giông lốc, hạn hán gây thiệt hại từ từ, âm thầm và khó phát hiện. Vì thế, ứng phó với hạn hán phải được triển khai ngay trong thời điểm nguồn nước vẫn đang khá ổn. Đây cũng là cách chống hạn hiệu quả nhất.
Xoay xở nguồn nước
Để có đủ nước tưới, liên tục những ngày qua, người dân xã Sơn Lâm (huyện Khánh Sơn) ngoài việc chặn dòng từng khúc suối, tích từng vũng nước nhỏ để bơm tưới cho cây trồng, nhiều hộ còn tiến hành khoan giếng, đào ao, bơm chuyền nhiều chặng để đưa nước từ sông Tô Hạp lên rẫy, vườn để tích trữ tưới dần. Ông Cao Văn Huyên (thôn Cam Khánh, xã Sơn Lâm) cho biết: “Hiện nay, người dân địa phương xoay xở đủ cách để đảm bảo nước tưới cho cây trồng. Nhiều hộ đã áp dụng các phương pháp tưới tiết kiệm như: tưới luân phiên, tưới phun mưa…, hạn chế thất thoát nước, đồng thời có biện pháp chống thấm, giảm lượng nước rò rỉ tại các ao chứa. Xã và thôn đã tổ chức họp dân để tuyên truyền về việc sử dụng nước tiết kiệm, ngăn chặn các trường hợp tự ý chặn, đào kênh lấy nước tưới không theo kế hoạch”.
Theo bà Cao Thị Hằng - Chủ tịch UBND xã Sơn Lâm, địa phương cũng tập trung sửa chữa, nạo vét các đập dâng, đập bổi và đắp đập tạm để trữ nước; tiến hành nạo vét kênh mương, khơi thông dòng chảy; tận dụng nguồn nước từ sông, suối, ao, hồ, đào ao tích nước để chống hạn. Ở những nơi có nước ngầm thì tiến hành khoan giếng lấy nước ngầm phục vụ sinh hoạt, tưới cho cây trồng.
Trong khi đó, ông Trần Thứ ở thôn Suối Sâu (xã Ninh Tân, thị xã Ninh Hòa) cho hay: “Trong tổng số 2ha mía trước đây, gia đình tôi đã chuyển hơn 1ha sang trồng các loại cây như: xoài, bưởi, mít… Mấy tháng trời không có giọt mưa nào khiến tôi ăn ngủ không yên. Tuy đã khoan giếng, máy bơm ngày nào cũng hoạt động hết công suất vẫn không đủ tưới và ngày càng ít nước hơn. Tôi đang gọi thợ khoan thêm giếng nhưng công đắt đỏ quá, vài ba chục triệu đồng mới đủ khoan 1 giếng mới”.
Qua tìm hiểu thực tế tại một số địa phương của huyện Khánh Sơn, năm nay, công tác sản xuất và chống hạn được các xã triển khai sớm. Tuy nhiên, với đặc thù là huyện miền núi, địa hình phức tạp, trong khi trên địa bàn không có hồ chứa để tích trữ nước trong mùa khô hạn (chỉ có 32 đập dâng nhỏ, lưu vực không lớn, khả năng tích nước kém) nên sản xuất nông nghiệp chủ yếu phụ thuộc vào nguồn nước của 20 nhánh sông, suối trên địa bàn. “Vì vậy, để chủ động nguồn nước tưới, đảm bảo sinh hoạt và sản xuất của người dân, huyện đã chỉ đạo các địa phương tổ chức nạo vét, khơi thông dòng chảy; tăng cường tích trữ nước để chống hạn. Bên cạnh đảm bảo nước sinh hoạt cho người dân, địa phương đang tìm mọi cách để cứu cây trồng, nhất là các loại cây ăn quả có giá trị kinh tế cao. Đồng thời, kiến nghị UBND tỉnh xây dựng các công trình hồ chứa nước ở các địa bàn: Sơn Trung, Sơn Lâm, Sơn Bình, Ba Cụm Bắc”, ông Phan Văn Sửu - Phó Chủ tịch UBND huyện Khánh Sơn nói.
Ngoài địa bàn Khánh Sơn, hiện nay, lãnh đạo nhiều địa phương khác trong tỉnh cũng đã trực tiếp về cơ sở để kiểm tra, chỉ đạo công tác phòng, chống hạn. Ông Đặng Cửu - Trưởng phòng Kinh tế thị xã Ninh Hòa cho biết, để giảm thiểu thiệt hại do nắng hạn, thị xã đang đôn đốc các địa phương rà soát những khu vực có nguy cơ thiếu nước, cân đối lượng nước để bố trí sản xuất phù hợp, kiên quyết cắt giảm diện tích sản xuất ở nơi không chủ động nước tưới; đẩy mạnh tuyên truyền để người dân tích cực tham gia công tác chống hạn, bảo vệ nguồn nước, sử dụng nước tiết kiệm. Bên cạnh đó, tiến hành lắp đặt các trạm bơm tại các cống lấy nước để bơm nước từ dung tích nước chết của các hồ, sông suối để tưới cho các diện tích thiếu nước vào cuối vụ…
Cần thêm trợ lực
Ông Lê Xuân Thái - Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi cho biết, hiện nay, các cơ quan tham mưu rất cần một bản đồ hạn hán. Từ bản đồ này có thể xác định được các khu vực bị ảnh hưởng và mức độ ảnh hưởng khi xảy ra hạn hán, để từ đó đưa ra được giải pháp ứng phó hiệu quả nhất. Ngoài ra, các biện pháp kỹ thuật như: đầu tư đào giếng, đắp đập để nâng lưu lượng nước trên các con suối cũng cần được các địa phương chỉ đạo triển khai ngay từ bây giờ.
Theo lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các quy định pháp luật liên quan đến hỗ trợ kinh phí phòng, chống hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn cũng cần sớm được rà soát, điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp với thực tế. Ngoài ra, tại nội dung Chỉ thị số 04 ngày 22-1-2020 của Thủ tướng Chính phủ về việc triển khai các giải pháp cấp bách phòng, chống hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn, Thủ tướng đã yêu cầu UBND các tỉnh triển khai các biện pháp cần thiết để có thể lấy nước chủ động, không phụ thuộc vào việc xả nước của hồ thủy lợi, thủy điện, chẳng hạn như: tổ chức nạo vét cửa lấy nước các trạm bơm, cống, kênh mương, lắp đặt và vận hành trạm bơm dã chiến... Tuy nhiên, hiện nay chưa có quy định cụ thể về định mức hỗ trợ cho các công tác chống hạn nói trên, do vậy đề nghị cấp trên sớm ban hành các định mức để địa phương có cơ sở hỗ trợ cho người dân khi có hạn hán xảy ra.
Bên cạnh đó, cơ chế, chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp để khôi phục sản xuất vùng bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh theo Nghị định 02/2017 của Chính phủ đang bộc lộ một số hạn chế, bất cập. Chẳng hạn như nhiều diện tích cây mía đường hiện nay thiệt hại nặng nề do hạn hán, nhưng để xác định mức độ thiệt hại lại không phải chuyện dễ dàng. “Thứ nhất, cây mía vẫn đang sống, vẫn đứng đó thì làm sao gọi là thiệt hại. Chưa kể việc chứng thực cho chúng tôi là thiệt hại 30% hay 70% để xác định mức độ hỗ trợ là không khả thi do không có chỉ số so sánh. Mưa lụt khiến cây bị chết, hay bão gió làm cây gãy đổ có thể “đong đếm” được, thấy được thiệt hại, còn hạn hán khiến cho cây mía khô héo, không vươn lóng nhưng cây vẫn đứng, vẫn sống thì không dễ để xác định thiệt hại”, ông Nguyễn Xuân Hoàng, nông dân trồng mía đường ở xã Ninh Tây (thị xã Ninh Hòa) chia sẻ.
Ngày 6-2, UBND tỉnh đã có công văn gửi Bộ Xây dựng báo cáo về việc củng cố, xây dựng các công trình phòng, chống thiên tai trọng điểm, cấp bách. Trong đó, để tăng cường năng lực phòng chống, khắc phục thiệt hại do thiên tai gây ra, các năm vừa qua, Khánh Hòa đã tập trung đầu tư nhiều công trình với tổng kinh phí gần 2.100 tỷ đồng. Trong đó, có 11 công trình phòng, chống thiên tai trọng điểm, cấp bách chủ yếu là các hồ chứa nước và hệ thống đê kè chống xói lở ven biển, ven sông. Qua rà soát, trên địa bàn Khánh Hòa có 19 công trình phòng, chống thiên tai trọng điểm, cấp bách cần sớm triển khai. Trong khi nguồn lực của tỉnh còn hạn chế, UBND tỉnh đã đề nghị Bộ Xây dựng quan tâm hỗ trợ Khánh Hòa với kinh phí hơn 3.200 tỷ đồng để triển khai 19 công trình này. Trong đó, có các công trình như: hồ chứa nước Sơn Trung (huyện Khánh Sơn), hồ chứa nước Sông Cạn (TP. Cam Ranh), hồ chứa nước Suối Sâu (thị xã Ninh Hòa)…
HỒNG ĐĂNG - HẢI LĂNG
Qua rà soát của các cơ quan chuyên môn, sau khi kết thúc vụ đông xuân 2019 - 2020, trên địa bàn tỉnh chỉ có 6 hồ chứa đủ nước cấp cho sinh hoạt, công nghiệp và tưới cho vụ hè thu 2020 gồm: Hoa Sơn, Tà Rục, Suối Hành, Tiên Du, Đồng Bò và Suối Sim. Vùng hạ lưu các hồ còn lại có khả năng cao xảy ra hạn hán, thiếu nước. Tuy nhiên, theo ông Lê Xuân Thái, nguồn nước phục vụ sinh hoạt, dịch vụ, công nghiệp… vẫn được đảm bảo, chỉ có nguồn nước phục sản xuất vụ hè thu sẽ bị thiếu hụt. Dự kiến, toàn tỉnh sẽ có khoảng 5.000ha lúa không được cấp nước nhằm điều tiết cho các mục đích khác quan trọng hơn.
____________________________________________
Bà Lương Kim Ngân - Phó Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh: Để chủ động ứng phó với hạn hán, 3 năm qua, nông dân toàn tỉnh đã chuyển đổi được gần 3.200ha cây trồng. Trong đó, các loại cây có giá trị kinh tế cao, những cây chống chịu tốt hơn với điều kiện thời tiết cực đoan, cây chịu hạn được nông dân ưu tiên chọn lựa. Về giải pháp trước mắt, chi cục đang phối hợp với các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương rà soát những diện tích lúa hè thu phải dừng sản xuất; hướng dẫn các địa phương chuyển đổi một số diện tích lúa sang trồng các loại giống lúa ngắn ngày, các loại rau màu ngắn ngày, cần ít nước tưới...