Thống kê từ Chi cục Thủy sản Khánh Hòa, từ khi áp dụng NĐ 67, có khoảng 80% số lượng tàu hoạt động có hiệu quả và khoảng 20% số còn lại có khả năng rơi vào tình trạng nợ xấu.
Sau khi triển khai việc thực hiện NĐ 67 trên địa bàn tỉnh, ngân hàng Agribank Chi nhánh Khánh Hòa đã cho vay đóng mới 18 tàu và nâng cấp 2 tàu với tổng dư nợ cho vay 195 tỷ đồng (chiếm 71,7% tổng dư nợ cho vay theo NĐ 67 toàn tỉnh). Đến nay, đã có gần 37,3 tỷ đồng nợ quá hạn của 4 khách hàng được cơ cấu kỳ hạn trả nợ, chiếm 19%; nợ xấu hơn 8,6 tỷ đồng, chiếm 4,43% tổng dư nợ cho vay. Dự báo, đến cuối năm 2018, khoản nợ gần 37,3 tỷ đồng sẽ chuyển từ nợ quá hạn cơ cấu kỳ hạn trả nợ sang nợ xấu, khiến tỷ lệ nợ xấu sẽ tăng lên đến 23,56% tổng dư nợ cho vay theo NĐ 67 của chi nhánh.
Về phía người dân, cũng có một số kiến nghị liên quan đến hình thức thực hiện thu hồi nợ gốc của các ngân hàng, hình thức trả nợ không đồng đều mà các ngân hàng đang áp dụng hiện nay. Phía Agribank cho biết thêm, ngân hàng xác định thời hạn trả nợ căn cứ vào thời vụ khai thác thủy sản, tăng vào vụ đánh bắt và giảm vào vụ biển động. Ngân hàng luôn tiến hành kiểm tra, xác định nguyên nhân của từng trường hợp nợ xấu và xem xét cơ cấu lại thời hạn trả nợ khi có yêu cầu.
Ngoài ra, Agribank Khánh Hòa cũng báo cáo về những khó khăn, vướng mắc trong việc thực hiện cho vay theo NĐ 67 về thu hồi nợ vay, mua bảo hiểm tàu cá, xử lý tài sản thế chấp để thu hồi nợ xấu, việc chuyển đổi chủ tàu. Từ đó, đề nghị UBND tỉnh, Ban Chỉ đạo thực hiện NĐ 67 tỉnh hỗ trợ tổ chức và chủ trì gồm các ban, ngành: Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Chi cục Thủy sản, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh Khánh Hòa, Agribank Khánh Hòa và các ngân hàng thương mại trên địa bàn có dư nợ cho vay tàu cá theo NĐ 67 để bàn và thống nhất các giải pháp phối hợp giải quyết.