Tiết kiệm nước tưới, khuyến khích luân canh và tuân thủ lịch thời vụ… là những khuyến cáo của cơ quan chuyên môn về một số giải pháp sản xuất vụ hè thu, vụ mùa năm 2022. Trao đổi thêm về nội dung này, ông Trần Thiện Hùng - Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh cho biết:
- Theo dự báo của cơ quan chuyên môn, từ tháng 5 đến tháng 10-2022, tổng lượng mưa phổ biến xấp xỉ đến cao hơn trung bình nhiều năm cùng kỳ từ 5-40%, phổ biến từ 600-1.000mm, vùng núi 1.000-1.500mm. Mực nước trên các sông trong tỉnh ít bị biến đổi đến dao động nhỏ, riêng cuối tháng 5, đầu tháng 6 có dao động đến xuất hiện lũ nhỏ trên một số sông suối nhỏ. Tháng 9, 10, trên các sông có khả năng xuất hiện 1 đến 2 trận lũ vừa và nhỏ. Hiện nay, lượng nước tại các hồ chứa trên địa bàn tỉnh trung bình đạt khoảng 79% so với dung tích thiết kế, cơ bản đảm bảo đủ nước phục vụ hoạt động sản xuất nông nghiệp.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có công văn đề nghị Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các huyện; Phòng Kinh tế các huyện, thị xã, thành phố tổ chức rà soát, đánh giá tình hình cung ứng giống, vật tư nông nghiệp phục vụ sản xuất vụ hè thu, vụ mùa năm 2022 trên địa bàn. Trong trường hợp không đủ nguồn cung ứng giống, vật tư, các phòng báo ngay về sở để có giải pháp tháo gỡ khó khăn kịp thời.
- Được biết, tùy thuộc vào điều kiện từng vùng sẽ có các giải pháp sản xuất khác nhau. Ông có thể cho biết thêm về vấn đề này?
- Hàng năm, các địa phương tiến hành rà soát, khoanh vùng sản xuất và chuyển đổi cây trồng, mùa vụ cụ thể tùy thuộc vào điều kiện sản xuất từng vùng. Trong đó, đối với vùng chủ động và an toàn nguồn nước, cần bố trí lịch thời vụ đúng kế hoạch, đầu tư thâm canh sử dụng các giống lúa có năng suất, chất lượng cao, gieo sạ tập trung vào trà chính vụ. Vùng không chủ động hoàn toàn nguồn nước, có nguy cơ thiếu nước vào cuối vụ cần xây dựng kế hoạch chống hạn để chủ động khai thác sử dụng nguồn nước tiết kiệm, hiệu quả, kết hợp với việc gieo sạ sớm, sử dụng các giống chịu hạn, giống ngắn ngày hoặc chuyển đổi sang cây rau màu có thời gian sinh trưởng ngắn để hạn chế đến mức thấp nhất do hạn hán gây ra. Đối với vùng không có khả năng tưới, thực hiện chuyển đổi mùa vụ hoặc dừng sản xuất, tránh thiệt hại do nắng hạn.
Trong những năm qua, tình hình thời tiết tương đối bất thường nên việc bố trí lịch thời vụ có sự linh hoạt giữa các địa phương, khu vực. Tuy nhiên, khuyến cáo chung đó là sử dụng giống lúa ngắn ngày (dưới 100 ngày), gieo sạ tập trung trong cùng khu vực. Riêng các khu vực chủ động tưới tiêu, nhằm giúp nông dân nâng cao thu nhập, cơ quan trồng trọt và bảo vệ thực vật khuyến khích người dân luân canh, xen vụ với cây trồng cạn ngắn ngày trên đất trồng lúa. Chẳng hạn trình tự các cây trồng như: lúa đông xuân sớm - bắp, rau đậu xuân hè - lúa hè thu hoặc lúa đông xuân sớm - lúa xuân hè - bắp, rau đậu. Nông dân sử dụng các giống lúa hè thu chủ lực như: ML48, ML202, ML214, OM 4900 và một số giống bổ sung: TH41, TH6, OM 7347, OM 6976, Đài thơm 8; vụ mùa sử dụng các giống ML202, ML48, TH41. Với cây trồng luân canh, cây trồng cạn ngắn ngày được khuyến khích sản xuất các giống: đậu xanh HL89-E3, ĐX208; đậu phộng L14, LDH01, HL2; bắp lai LVN61, LVN10, PAC339; bắp nếp VN2, VN6, nếp lai 556…
- Để đạt năng suất, chất lượng cao nhất, cần quan tâm triển khai những giải pháp kỹ thuật nào, thưa ông?
- Trước hết, các cấp, ngành và địa phương tập trung tuyên truyền người dân sử dụng nước tưới tiết kiệm, hợp lý; tổ chức cho nông dân gieo sạ tập trung theo từng khu vực, từng cánh đồng để rút ngắn thời gian gieo sạ và tiết kiệm nước tưới, chuyển đổi mùa vụ và cơ cấu cây trồng tại những nơi có khả năng thiếu nước. Ngoài ra, thường xuyên nạo vét kênh mương, kiểm tra và sửa chữa, tu bổ công trình thủy lợi. Cơ quan quản lý, vận hành hồ chứa thủy lợi tổ chức quán triệt đến từng địa phương, khu vực cụ thể về khả năng đảm bảo nguồn nước, không sản xuất diện tích vượt quá năng lực phục vụ của công trình thủy lợi.
Về kỹ thuật, nông dân cần triển khai làm đất sớm, cày phơi ải, bón vôi cải tạo đất đối với những ruộng bị chua, phèn; đồng loạt ra quân diệt chuột bằng các biện pháp thủ công, sinh học và hóa học. Quá trình gieo sạ, cần sử dụng các giống lúa cấp xác nhận, lượng giống sử dụng mức 100-120kg/ha; áp dụng chương trình “1 phải 5 giảm”, “3 giảm 3 tăng”, quản lý dịch hại tổng hợp, hạn chế phun thuốc trừ sâu cho cây lúa trước 45 ngày nhằm tiết kiệm chi phí sản xuất, bảo vệ môi trường, nâng cao hiệu quả sản xuất lúa.
Đồng thời, các địa phương xây dựng kế hoạch sản xuất phù hợp với điều kiện địa phương; phối hợp chỉ đạo quản lý, cân đối nguồn nước, phân vùng sản xuất, bố trí lịch thời vụ, cơ cấu giống phù hợp, hướng dẫn nông dân thực hiện các biện pháp kỹ thuật thâm canh để sản xuất cây trồng vụ hè thu, vụ mùa năm 2022 đạt hiệu quả cao.
- Xin cảm ơn ông!
Công Định (Thực hiện)