Khu Công nghiệp Suối Dầu: Cần hỗ trợ để phát triển

Chủ nhật - 09/02/2020 13:35
Khu công nghiệp Suối Dầu thu hút đầu tư tương đối hiệu quả. Tuy nhiên, hiện nay, việc phát triển, mở rộng Khu công nghiệp gặp khó khăn, đòi hỏi phải có chính sách hỗ trợ một cách tổng thể từ chính quyền địa phương. Báo Khánh Hòa điện tử, Cơ quan của Đảng Bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Khánh Hòa
Khu Công nghiệp Suối Dầu: Cần hỗ trợ để phát triển

Khu công nghiệp (KCN) Suối Dầu thu hút đầu tư tương đối hiệu quả. Tuy nhiên, hiện nay, việc phát triển, mở rộng KCN gặp khó khăn, đòi hỏi phải có chính sách hỗ trợ một cách tổng thể từ chính quyền địa phương.


Thiếu mặt bằng


Sau hơn 20 năm hình thành và phát triển, đến nay, KCN Suối Dầu đã tận dụng được lợi thế để thu hút đầu tư, trở thành KCN có quy mô lớn nhất tỉnh. KCN hoạt động trên các lĩnh vực: chế biến thủy sản xuất khẩu, chế biến đồ gỗ, nội thất xuất khẩu, dệt may, cơ khí... Tổng diện tích đất đã cho thuê đạt 85,92/92,8ha, tỷ lệ lấp đầy đạt 93,34%. KCN đã thu hút và tạo việc làm cho gần 13.000 lao động trong và ngoài tỉnh. Địa phương cũng đã quan tâm, tạo điều kiện xây dựng khu thiết chế văn hóa, phục vụ nhu cầu giải trí của người lao động. Tính đến nay, KCN đã thu hút 55 dự án đầu tư trong và ngoài nước. Riêng trong năm 2019, các doanh nghiệp (DN) trong KCN có doanh thu 419 triệu USD, tăng 3,4%; xuất khẩu đạt hơn 394 triệu USD, tăng 3,8% so với năm 2018...

 

Một phần khu đất chuẩn bị để mở rộng Khu công nghiệp.

Một phần khu đất chuẩn bị để mở rộng Khu công nghiệp.


Tuy nhiên, trong quá trình hoạt động, KCN còn gặp nhiều khó khăn. Cụ thể, để phục vụ nhu cầu mở rộng, Công ty Cổ phần KCN Suối Dầu đã tính đến phương án sử dụng diện tích đất hơn 14ha ở cạnh KCN (nay thuộc dự án Khu nước khoáng Suối Dầu) được UBND tỉnh giao từ năm 2001. Phần đất này có nguồn gốc thuộc Trại Chăn nuôi Suối Dầu và một số hộ dân. Trước đây, khi được UBND tỉnh giao, Ban quản lý KCN đã tiến hành đền bù một phần, song vì nhiều yếu tố khác nhau nên diện tích đất này đã bị một số hộ tái chiếm. “Vấn đề này xảy ra từ khá lâu, Ban quản lý KCN cùng chính quyền địa phương đã nhiều lần tìm hướng giải quyết, nhưng vì ngay từ đầu việc đo đạc, xác định ranh giới diện tích đất bị thu hồi còn nhiều bất cập nên gặp trở ngại. Tiếp đó, KCN được đưa từ huyện Diên Khánh về huyện Cam Lâm bởi lý do sáp nhập, tách huyện nên cũng ảnh hưởng đến việc giải quyết phần đất này”, một cán bộ Công ty Cổ phần KCN Suối Dầu cho hay.


Theo ông Trần Đình Tân - Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần KCN Suối Dầu, công ty đã khởi động dự án mở rộng nhưng gặp khó trong việc xác định nguồn gốc đất. Đến thời điểm này, công ty vẫn chưa nhận được phần đất 14ha để tiến hành mở rộng KCN. Công ty rất mong cơ quan chức năng tích cực hỗ trợ vấn đề này. Đồng thời, tỉnh tạo điều kiện để công ty mở rộng giai đoạn 2 với diện tích 150ha đã được quy hoạch trước đây.


Cần sớm tháo gỡ


Được biết, những vướng mắc trong công tác bồi thường giải phóng mặt bằng 14ha đã kéo dài nhiều năm. Điều này dẫn đến thiệt hại và rủi ro lớn về tài chính cho đơn vị quản lý hạ tầng. Đồng thời, công tác thu hút đầu tư các dự án cũng gặp trở ngại. Đại diện Ban Quản lý Khu kinh tế Vân Phong cho biết, các DN trong KCN đang gặp khó khăn trong sản xuất vì thiếu lao động. Dự kiến trong năm 2020, các DN trong KCN thiếu khoảng 2.000 lao động, nhất là lĩnh vực chế biến thủy sản, may mặc. Điều này ảnh hưởng đến kế hoạch sản xuất của DN trong các năm tiếp theo. Mặc dù các DN đã nỗ lực trong công tác tuyển dụng, song do thiếu chỗ ở ổn định nên lượng lao động ngoài tỉnh đến với KCN không nhiều. Ông Võ Sơn - Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Trang phục phụ nữ kiểu Pháp Việt Nam cho biết:  “Chúng tôi mong các ban, ngành hỗ trợ xây dựng nhà ở xã hội cho công nhân, vì chi phí đi lại hiện nay rất cao. Như công ty tôi, để có thể đưa đón công nhân từ các huyện về KCN mỗi ngày phải chi phí 50.000 đồng/người, tính ra còn cao hơn cả tiền thuê nhà. Trong những lần làm việc với cơ quan chức năng, chúng tôi cũng đã kiến nghị vấn đề này và mong muốn tỉnh xem xét giải quyết giúp công nhân có chỗ ở ổn định để làm việc. Nếu được, DN có thể hỗ trợ thêm các phần chi phí điện nước cho người lao động”.


Đại diện đơn vị quản lý KCN Suối Dầu mong tỉnh sớm có giải pháp cụ thể tạo điều kiện cho các DN tuyển dụng lao động, nhất là lao động có tay nghề; đồng thời, các vướng mắc về mặt bằng cũng cần được giải quyết sớm nhằm thu hút thêm DN trong và ngoài nước đến với Khánh Hòa.


Trong buổi làm việc mới đây với Khu CN Suối Dầu, ông Nguyễn Khắc Định - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy cho rằng, những khó khăn này sẽ làm chậm nhịp độ phát triển CN của tỉnh và sẽ không tận dụng được các lợi thế từ hàng loạt các hiệp định thương mại vừa có hiệu lực. Do đó, ông đề nghị UBND tỉnh cùng các sở, ban, ngành, địa phương sớm tháo gỡ vướng mắc để mở rộng quy mô KCN, đáp ứng nhu cầu sản xuất của các DN trong vài năm tới.


ĐÌNH LÂM

 

Tiêu điểm
Tin mới
Nhà đất
Xã hội
Tổng hợp