Không đi sẽ không tới đích

Thứ tư - 25/04/2018 04:31
Trong hội thảo về mô hình tổ chức hệ thống chính trị của đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt (đặc khu) hôm 23/4, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Tổ chức Trung ương Phạm Minh Chính nêu quan điểm: Những việc đã rõ thì cần thực hiện ngay. Những việc mới mà chưa được quy định hoặc những việc đã quy định nhưng không còn phù hợp thì mạnh dạn thực nghiệm thí điểm, vừa làm vừa rút kinh nghiệm, từng bước hoàn thiện và mở rộng.

Nhìn rộng ra từ câu chuyện của mô hình tổ chức hệ thống chính trị của đặc khu thì thấy, đây là một quan điểm rất quan trọng, nó thể hiện tinh thần dám nghĩ, dám làm và dám chịu trách nhiệm của người đứng đầu. Điều đó không chỉ đúng đối với mô hình tổ chức của đặc khu mà sẽ còn đúng trong nhiều trường hợp khác trong quá trình phát triển hiện nay. Bởi, Việt Nam là một đất nước đang phát triển, hệ thống chính sách pháp luật của ta vì thế cũng đang trong giai đoạn hoàn thiện. Với những mô hình mới như đặc khu, trong tình hình cụ thể của Việt Nam, rõ ràng chúng ta phải vừa đi vừa dò đường. Học ở các nước bạn bè, các nước tiên tiến, điều ấy nhất định phải học vì họ đi trước ta, kinh nghiệm nhiều nhưng cũng không thể bê nguyên si mô hình của các nước để áp dụng vào ba đặc khu Vân Đồn, Bắc Vân Phong và Phú Quốc.

Đơn giản là bởi, chúng ta có những điểm khác trong mô hình tổ chức so với nhiều quốc gia; đáng chú ý là với mô hình ấy, chúng ta đã đạt được nhiều thành tựu. Vì thế, quan điểm xuyên suốt sẽ là giữ vững nguyên tắc xây dựng hệ thống chính trị tại các đặc khu nhằm bảo đảm và tăng cường hơn nữa sự lãnh đạo của Đảng, hiệu lực và hiệu quả quản lý nhà nước, phát huy hơn nữa vai trò của Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội và quyền làm chủ của nhân dân, bám sát Cương lĩnh, Hiến pháp, Điều lệ của Đảng, nghị quyết, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước.

Nhưng, nếu nhìn nhiều chiều thì trong quá trình “dò đường” cho mô hình tổ chức ở đặc khu hiện nay, chúng ta đang ở giai đoạn vừa làm vừa hoàn thiện cơ sở pháp lý. Nếu không đi sẽ không bao giờ tới đích. Và nếu lo sợ làm sai thì cũng sẽ không đạt được mục tiêu thúc đẩy sự phát triển của ba tỉnh Quảng Ninh, Khánh Hòa, Kiên Giang để từ đó thúc đẩy sự phát triển của ba khu vực kinh tế trọng điểm của đất nước. Khó nếu không làm thì sẽ càng khó hơn nữa; trong khi những yếu tố cho quá trình phát triển của ba đặc khu đã ở giai đoạn chín muồi. Đó có lẽ là điều mà Trưởng Ban Tổ chức Trung ương băn khoăn.

Nhớ lại những câu chuyện về “xé rào”, “khoán chui” thời của Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc Kim Ngọc khoảng gần 50 năm trước mới thấy tư tưởng đổi mới nhằm mang lại lợi ích cho nông dân, cho sự phát triển của nông nghiệp và sự phát triển của đất nước dù có bị hiểu nhầm nhưng vẫn sẽ được minh oan. Đương nhiên, giai đoạn lịch sử ấy khác rất nhiều so với thời điểm hiện nay. Lúc ấy, đất nước còn khó khăn, miền Nam vẫn chìm trong lửa đạn. Nhưng ở vào thời điểm ấy đã có những con người dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm để rồi mãi sau này mới được minh oan, được tôn vinh.
Nhìn lại thời kỳ ấy và soi vào quá trình bàn thảo về quá trình phát triển của ba đặc khu càng thấy, cần lắm những con người dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm như Trưởng Ban Tổ chức Trung ương đã nói. Nhưng ở thời kỳ này, cái khó sẽ không nhiều như thời xé rào ngày trước. Bởi hệ thống pháp luật đang hoàn thiện dần dần chứ không phải như thời kỳ trước. Cho nên dù phải dò đường cũng không có quá nhiều lo lắng.

Trở lại với mô hình tổ chức chính quyền đặc khu cần có 7 đến 8 cơ quan và cần nhấn mạnh đến trung tâm hành chính công- nơi phải đảm bảo được tiếp nhận, thẩm định và phê duyêt tại chỗ, đây mới là cải cách, cái cần đổi mới; nếu không thì không phải là mô hình đổi mới, không thể thúc đẩy phát triển đặc khu. “Nguyên tắc là không để trống quyền lực, cần nghiên cứu và đề xuất để thực hiện theo hướng chính quyền cũ phải tổ chức bầu được chính quyền mới theo Luật Tổ chức chính quyền địa phương, Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND, Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt, các quy định của Đảng và Nhà nước. Đồng thời, tổ chức tốt đội ngũ cán bộ để khi Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt ban hành là triển khai thực hiện được ngay”- ông Phạm Minh Chính nói.

Quan trọng là, phải làm sao bảo đảm tính tổng thể, đồng bộ, liên thông, giải quyết tốt các mối quan hệ giữa kế thừa, đổi mới, ổn định và phát triển, giữa đổi mới kinh tế với đổi mới chính trị, giữa kinh tế thị trường, định hướng XHCN, giữa độc lập, chủ quyền và hội nhập quốc tế sâu rộng, giải quyết tốt mối quan hệ giữa Nhà nước, thị trường và xã hội. Và phải làm sao để chuyển giao một cách êm thấm, không có xáo trộn, không có đảo lộn, không ảnh hưởng đến an sinh xã hội, các hoạt động của Đảng, chính quyền. Vừa phải cơ cấu lại, nâng cao chất lượng, vừa phải giảm biên chế, nên phải sàng lọc lại cán bộ.  Bản thân cán bộ của đặc khu cũng đã có quan điểm là cán bộ không khép kín, không nhất thiết chỉ có cán bộ địa phương; nhưng cũng không nhất thiết là cán bộ trung ương cử về; trên cơ sở đề án vị trí việc làm và khung năng lực để bố trí cho phù hợp.

Tóm lại, có rất nhiều những ý tưởng mới đang chờ chính quyền của ba đặc khu kinh tế. Đương nhiên như ông Phạm Minh Chính nói: Những việc còn ý kiến khác thì tiếp tục nghiên cứu, trao đổi, bàn bạc để thống nhất chủ trương, giải pháp phù hợp và tổ chức thực hiện. Nhưng trên hết và quan trọng nhất là cần sự sáng tạo, quyết đoán của bộ máy lãnh đạo ở đặc khu để làm sao lửa nhiệt huyết ấy truyền tới cho từng cán bộ bên dưới và để họ có thêm dũng khí cùng góp sức cho sự phát triển của các đặc khu kinh tế đầu tàu của Việt Nam. Không đi thì sẽ không thể tới đích. Tinh thần ấy là rất quan trọng.    

Tác giả bài viết: Hoàng Mai
Nguồn tin: daidoanket.vn
Tiêu điểm
Tin mới
Nhà đất
Xã hội
Tổng hợp